Tạp chí Diplomat ngày 19-6 đưa tin Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đang chuẩn bị cho cuộc tập trận tiếp theo trong chuỗi tập trận hải quân Malabar - được cho là sẽ khiến Trung Quốc tức tối.
Cuộc tập trận năm nay sẽ diễn ra ở phía bắc Thái Bình Dương, quy tụ các nguồn lực hải quân của ba nước và được xem như một biểu tượng về sự hợp tác an ninh ngày càng lớn mạnh giữa 3 quốc gia này.
Theo sau Malabar sẽ là cuộc tập trận chống khủng bố mang tên Yudh Abhyas của Ấn Độ ở Uttarakhand dự kiến diễn ra vào tháng 9 cùng với lực lượng quân sự Mỹ, theo báo Times of India. Đây là hai cuộc tập trận quan trọng nhất mà lực lượng vũ trang Ấn Độ tham gia kể từ khi ông Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lớn nhất thế giới vừa qua.
Theo Times of India, Hải quân Ấn Độ sẽ cử 4-5 tàu, trong đó có tàu khu trục lớp Rajput và tàu chiến tàng hình lớp Shivalik.
"Các tàu chiến trước tiên sẽ tham gia cuộc tập trận Indra với Nga ở ngoài khơi Vladivostok và sau đó tới vùng biển bắc Thái Bình Dương vào cuối tháng 7 để tập trận Malabar" - một quan chức Ấn Độ tiết lộ.
Theo Diplomat, Trung Quốc coi cuộc tập trận Malabar là chính sách ngăn chặn Bắc Kinh của Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ. Theo nhận định của Diplomat, mặc dù Bắc Kinh tham gia vào cuộc tập trận RIMPAC với Mỹ năm nay, Malabar vẫn là lời nhắc nhở về sự hợp tác ngày càng phát triển giữa nền dân chủ lớn nhất châu Á và nền kinh tế giàu nhất thế giới.
Đối với Trung Quốc vốn không có sự tiếp cận trực tiếp tới Ấn Độ Dương và cũng có sự tiếp cận trực tiếp tới các tuyến đường biển Thái Bình Dương như Nhật Bản, Malabar là một mối lo ngại. Ấn Độ và Nhật Bản từng tiến hành tập trận hải quân song phương đầu tiên năm 2012, và hai Thủ tướng Modi và Abe có vẻ muốn phát huy hoạt động này.
Cuộc tập trận Malabar năm 2007 diễn ra tại Vịnh Bengal là lần đầu tiên Nhật Bản và Ấn Độ cùng tham gia một tập trận hải quân (cùng với 3 quốc gia khác gồm Mỹ, Úc và Singapore). Ảnh: Wikipedia
Cuộc tập trận ở bắc Thái Bình Dương năm nay hẳn sẽ khiến Trung Quốc thêm tức tối trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa Bắc Kinh và Tokyo xung quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Trung Quốc đang tìm cách thiết lập lại quan hệ với Ấn Độ sau khi ông Modi thắng cử và sẽ theo dõi sát sao quan hệ hợp tác chiến lược của Ấn Độ với Nhật Bản. Thủ tướng Modi dự định sẽ tới thăm người đồng cấp Abe ở Tokyo vào đầu tháng 7 để mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.