Hà Nội

Tập thở đối phó bệnh đường hô hấp

SKĐS - Người mắc các bệnh lý hô hấp là khó thở do tình trạng tắc nghẽn mạn tính đường thở và tăng tính đáp ứng của đường thở đối với nhiều kích thích khác nhau, đặc biệt là các hoạt động gắng sức, do đó làm giảm sút khả năng hoạt động thể lực, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Phục hồi chức năng hô hấp thông qua các phương pháp tập thở, các bài tập vận động phù hợp sẽ góp phần nâng cao khả năng hoạt động thể lực, cải thiện thông khí hô hấp, giảm bớt tình trạng khó thở chung và khó thở gây ra do gắng sức.

Tập thở

Cần chọn vị trí tập có không gian đủ rộng, thoáng, không khí trong lành, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp theo thời tiết. Có ghế tựa với độ cao thích hợp để có thể ngồi tập thở với tư thế lưng thẳng, thả lỏng thoải mái nhất.

Thở chúm môi: Hít vào chậm qua mũi thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại như thổi sáo. Có thể áp dụng thêm kỹ thuật ngưng thở cuối kỳ hít vào (nín thở khoảng 03 giây).

Thở bụng: Thả lỏng hai vai, một tay đặt lên bụng (để cảm nhận di động của bụng); mím môi hít vào bằng mũi, phình bụng ra; thóp bụng lại, thở ra bằng phương pháp chúm môi.

Khi tập thở, nên hít vào sâu nhất có thể (lưu ý không cần gắng sức quá mức), thở ra vừa sức. Tập ít một, tăng dần, thường xuyên thành thói quen hàng ngày. Có thể dùng kỹ thuật này khi khó thở hoặc khi hoạt động thể lực.

Phương pháp thở bụng đúng giúp cải thiện chức năng hô hấp.

Phương pháp thở bụng đúng giúp cải thiện chức năng hô hấp.

Tập thở ra gắng sức và ho chủ động

Thở ra gắng sức: Mím môi hít vào sâu và chậm; thở ra nhanh, mạnh gắng sức.

Ho chủ động: Nên tập thở vài nhịp trước khi ho chủ động. Hít vào chậm sâu, nén hơi khoảng 3 giây; ép ngực và bụng ho mạnh ra liên tiếp 2-3 lần; khạc đờm. Nếu không khạc được đờm, có thể nghỉ ngơi tập thở vài nhịp rồi làm lại.

Thở ra gắng sức và ho chủ động giúp khạc đờm dễ dàng hơn. Nên khạc đờm vào giấy ăn hoặc khăn tay để kiểm tra số lượng, màu sắc đờm. Nếu đờm có màu vàng, xanh hoặc đỏ máu, cần khám tư vấn bác sĩ. Mỗi ngày nên ho khạc đờm 2 lần vào buổi tối trước lúc ngủ và buổi sáng khi mới dậy và làm thêm mỗi khi thấy có đờm.

Việc tập luyện cần kiên trì, đều đặn. Bài tập từ dễ, đơn giản đến khó, phức tạp, tăng dần khối lượng, cường độ tập luyện một cách thích hợp. Các bài tập phải đảm bảo tăng cường cả về sức mạnh, sức bền và các bài tập dẻo dai, nhẹ nhàng thư giãn.  Phương pháp tập luyện phù hợp, không tập luyện trong đợt cấp tính của bệnh hoặc phải có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Tập luyện kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thời gian tập luyện phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể, ví dụ: không nên quá sớm hoặc quá muộn trong ngày; quá xa hoặc quá gần bữa ăn chính. Tập ngoài trời phải đảm bảo thời tiết, nhiệt độ, nắng, gió ôn hòa.

Phối hợp thuốc điều trị và tập luyện. Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Các bài tập sức bền (aerobic, đi bộ, chạy chậm, đạp xe, bơi...) là trọng tâm của chương trình vận động phục hồi chức năng hô hấp, là cách tốt nhất để tăng cường khả năng chịu đựng của hệ tuần hoàn-hô hấp.

Các bài tập tăng cơ lực cơ thân, chi trên như cơ thang, cơ rộng lưng, cơ nhị đầu, tam đầu cánh tay, các cơ ngực, cơ vai, cơ liên sườn... phối hợp với các bài tập thở vừa giúp tăng cơ lực vừa có tác dụng tăng thông khí nhờ tăng hoạt động của các cơ hô hấp và sự giãn nở của lồng ngực.

Các bài tập tăng lực cơ chi dưới ít tác động trực tiếp đến chức năng hô hấp. Mỗi bài tập nên thực hiện 8-12 lần trong 2-3 lượt với cường độ khoảng 50-70% cường độ tối đa có thể thực hiện. Các bài tập cử động vùng cổ, vai, ngực, đùi giúp tăng độ dẻo dai được lồng ghép xen kẽ trong mỗi buổi tập.

Việc tập luyện cần phải được duy trì thường xuyên trong thời gian dài.

Đối với những người mới tập chưa thành thạo, nên bắt đầu với cường độ thấp. Có thể tập ngắt quãng 2-3 phút tập cường độ cao xen kẽ 1-2 phút cường độ thấp hoặc nghỉ ngơi. Cường độ tập luyện thấp cũng có thể đạt được sự cải thiện đáng kể về triệu chứng giúp dễ dàng thực hiện công việc, sinh hoạt và tuân thủ điều trị, gia tăng chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người bệnh ở giai đoạn nhẹ và trung bình cũng có thể thực hiện các bài tập với cường độ cao.

Bệnh nhân có tình trạng tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng được khuyến cáo bắt đầu bằng các bài tập sức bền hoặc chỉ các bài tập tăng độ dẻo dai và có thể hỗ trợ thêm các thuốc giãn phế quản, oxy.

Môi trường xanh sạch, không khói thuốc, không chất gây ô nhiễm kết hợp với điều trị, kiểm soát bệnh và tập luyện phục hồi chức năng hô hấp là những điều kiện tiên quyết để cải thiện tình trạng sức khỏe cho người mắc các bệnh lý hô hấp.


BS. Phạm Quang
Ý kiến của bạn