Năm nguy cơ chính, lớn nhất gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh tim mạch bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn mỡ trong máu, hút thuốc, béo phì và lười vận động. Tập thể dục không chỉ khắc phục được tật lười vận động mà hơn thế nữa còn hạn chế được các yếu tố nguy cơ khác, từ đó phòng và chống được các biến chứng nguy hiểm của bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành.
Không chỉ đến bây giờ người ta mới biết đến tác dụng của tập thể dục mà ngay từ cách đây hàng trăm năm, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một đại danh y của Việt Nam với phương châm “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Thanh tâm quả dục, thủ chân, luyện hình” đã nhấn mạnh đến tác dụng của tập thể dục đối với việc phòng bệnh. Y học hiện đại, các thầy thuốc chuyên khoa tim mạch nhận định thế nào về vấn đề này?
Tập thể dục có những tác dụng gì?
Tập thể dục thường xuyên có những điểm lợi như: làm tăng khả năng dung nạp với gắng sức, giảm cân, làm giảm huyết áp động mạch (nên phòng được các biến chứng tim mạch do bệnh tăng huyết áp), làm giảm các thành phần mỡ có hại trong máu (như LDL hoặc cholesterol toàn phần), trong khi làm tăng các thành phần mỡ có lợi (như HDL), nhờ đó làm giảm mức độ và tiến triển của xơ vữa động mạch. Đối với bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường hoặc béo phì (hội chứng chuyển hóa), luyện tập thể lực thường xuyên làm tăng khả năng sử dụng insulin của cơ thể, giúp cho việc kiểm soát tốt hơn nồng độ đường trong máu, nhờ đó làm giảm nguy cơ xuất hiện và phát triển của bệnh đái tháo đường. Có thể thấy rất rõ việc luyện tập thường xuyên đã làm giảm các nguy cơ chính gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh tim mạch như đã trình bày ở trên. Mặc dù tác dụng của việc luyện tập thường xuyên đối với từng yếu tố nguy cơ là nhỏ, song tác dụng tổng cộng đối với nguy cơ xuất hiện hoặc phát triển bệnh tim mạch rất đáng kể, thậm chí nhiều khi hơn hẳn nếu so với tác dụng của một số biện pháp phòng bệnh tim mạch khác như ngừng hút thuốc lá, thay đổi chế độ ăn hợp lý hoặc dùng thuốc dự phòng.
Luyện tập thể dục thường xuyên làm tăng khả năng trao đổi, vận chuyển và sử dụng ôxy tại cơ và các mô của cơ thể, nhờ đó tăng khả năng đáp ứng của cơ thể với gắng sức. Điều này đặc biệt quan trọng với những bệnh nhân bị bệnh tim mạch, suy tim bởi vì những bệnh nhân này vốn đã giảm khả năng gắng sức. Bởi thế mà việc luyện tập thể lực là một trong những phần quan trọng của chương trình phục hồi chức năng của các bệnh nhân tim mạch, chẳng hạn đối với bệnh nhân đã suy tim, bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim. Nhờ có chương trình tập luyện phù hợp mà những bệnh nhân này nhanh chóng trở lại đời sống sinh hoạt và làm việc hàng ngày, cải thiện rõ rệt chất lượng sống, trở nên tự tin nhiều hơn, ít lo lắng và ít bị stress hơn. Hơn thế nữa, các nghiên cứu khác nhau đã cho thấy nhờ có tập luyện thể lực thích hợp sau nhồi máu cơ tim mà tỷ lệ tử vong có thể giảm từ 20 đến 25%: những bằng chứng rõ rệt, chắc chắn không thể chối cãi về lợi ích của việc tập thể lực đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý, cho dù lợi ích rõ ràng, song tập thể lực không thể thay thế được các biện pháp điều trị khác: luyện tập đơn thuần không thể làm cơ tim bóp mạnh hơn hay động mạch vành ít hẹp hơn.
Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên còn có những tác dụng khác như củng cố độ chắc của xương, giảm sự xuất hiện của căn bệnh đau lưng, nhất là ở độ tuổi già.
Tập thể dục có nguy hiểm gì không?
Khi tập thể dục, rõ ràng là chúng ta phải gắng sức dù ít hoặc nhiều, vì thế không phải là không có nguy hiểm, thậm chí một số biến cố tim mạch có thể xuất hiện như cơn đau thắt ngực hoặc rối loạn nặng nhịp tim. Tuy vậy, nguy cơ đó cực kỳ thấp, chỉ xấp xỉ gần là một lần xuất hiện nếu tập 400.000 - 800.000 giờ (hay tương đương với việc chỉ có một người bị bệnh trong số 400 - 800 nghìn người tập luyện, nếu tính trung bình một người tập một giờ).Đối với người đã có sẵn bệnh mạch vành, dù có cao hơn, song nguy cơ này cũng chỉ gần bằng một trong tổng số 62.000 giờ tập (hay 169 năm nếu người đó tập một giờ một ngày). Những tỷ lệ quá thấp như vậy cho thấy độ an toàn cao của việc tập luyện ngay cả khi chúng ta có bệnh tim mạch. Một điểm đáng lưu ý khác là nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch còn thấp hơn nữa ở những người thường xuyên luyện tập. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu tập thể dục tương đối đều đặn (khoảng 5 lần một tuần), thì nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch nặng trong lúc tập đã giảm tới 50 lần so với những người lười vận động. Hơn thế nữa, nếu tính chung cho tất cả mọi người, thì tới 90% các biến cố tim mạch xảy ra khi nghỉ ngơi, chứ không phải lúc đang vận động.
Như vậy, tập thể dục đều có thể coi là rất, rất an toàn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên để ý tới những biểu hiện bất thường khác với mọi ngày, nảy sinh trong hoặc sau khi luyện tập như cảm giác đau ngực (nặng tức hay ép trong ngực, lan lên cằm, cổ, vai hoặc lan xuống cánh tay), thở dốc khác thường, hoa mắt chóng mặt, choáng váng hoặc cảm giác hẫng, hồi hộp lạ thường. Nếu phát hiện thấy có, chúng ta nên tới các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được khám và tư vấn về chế độ luyện tập phù hợp. Đồng thời các bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ luyện tập phù hợp cho bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh tim, bình phục sau khi đã nhồi máu cơ tim, suy tim.
Bắt đầu việc tập thể dục như thế nào?
Nếu đã sẵn có bệnh tim mạch hoặc sẵn có nguy cơ cao xuất hiện bệnh tim mạch (tuổi trên 45 kết hợp với ít nhất hai trong số các yếu tố sau: hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, lười vận động, béo phì, tiền sử có người thân trong gia đình mắc bệnh tim mạch trước tuổi 55), thì chúng ta cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch trước khi lựa chọn một hình thức tập luyện thể dục thể thao phù hợp cho mình. Tất cả mọi tài liệu đều cho thấy các lợi ích rõ ràng từ việc tập luyện mức độ trung bình mỗi ngày nửa giờ. Nếu chúng ta không thể sắp xếp thời gian để có thể giành riêng ra mỗi ngày nửa giờ đồng hồ cho việc luyện tập thì có thể bắt đầu bằng những hình thức hết sức đơn giản chẳng hạn chúng ta tự leo cầu thang bộ ở cơ quan hay ở khu tập thể thay vì đi thang máy hoặc cố gắng đi bộ để đi chợ mua sắm hay tới nơi làm việc (nếu gần) thay vì cứ đi xe máy.
Hướng dẫn của Liên đoàn Tim mạch thế giới cũng như các Hội Tim mạch khác (trong đó có Hội Tim mạch học Việt Nam) nêu rõ: Mỗi người lớn cần nên tham gia chơi thể thao, tập thể dục hoặc vận động chân tay ở mức độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày đối với tất cả các ngày trong tuần. Hoạt động thể lực ở mức độ vừa tương đương với việc đi bộ với tốc độ trung bình (6-7 km/giờ) hoặc các công việc khác nhau như lao động ngoài đồng, làm việc nội trợ, đi xe đạp, bơi. Mức độ tiêu hao năng lượng cho ba mươi phút hoạt động thể lực trung bình là 600 đến 1200 calo mỗi tuần, tương đương với 3 đến 6 lần mức tiêu thụ năng lượng tối đa lúc nghỉ (MET), tức là khoảng 70 calo/giờ.
Cần lưu ý rằng tập thể lực có tác dụng tích lũy, nghĩa là tập luyện trong những khoảng thời gian ngắn trong ngày, nhưng với tổng thời gian tối thiểu 30 phút mỗi ngày cũng tác dụng tương đương như việc tập luyện liên tục 30 phút.
Hãy luôn nhớ rằng tập luyện thể dục, giữ gìn cơ thể cân đối có tác dụng vô cùng lớn lao đến chất lượng cuộc sống, đến tiến triển của các bệnh mạn tính, làm giảm nguy cơ xuất hiện và phát triển của rất nhiều bệnh tim mạch.
ThS. Phan Đình Phong