Theo một nghiên cứu mới tại Thụy Điển, trẻ em được rèn luyện hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ gãy xương khi trưởng thành và cải thiện sức khỏe hiện tại cũng như trong tương lai.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Bjorn Rosengren từ bệnh viện Đại học Skane cho biết "Tập thể dục khi còn nhỏ có liên quan với nguy cơ gãy xương thấp hơn vì khối lượng xương sẽ phát triển khi trẻ em hoạt động thể chất thường xuyên".
Nghiên cứu được tiến hành trên hơn 2.300 trẻ em sống ở Thụy Điển trong độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi. Một nhóm 362 bé gái và 446 bé trai sẽ tập thể dục 40 phút hàng ngày ở trường. Trong khi đó, khoảng 800 bé gái và 800 bé trai ở một nhóm khác sẽ thực hiện 60 phút giáo dục thể chất tiêu chuẩn mỗi tuần.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi sự phát triển xương của trẻ, ghi lại bất kỳ sự cố nào liên quan đến gãy xương. Trong quá trình nghiên cứu, họ thấy rằng có sự giống nhau ở một tỷ lệ phần trăm trẻ em bị gãy xương ở mỗi nhóm.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng những bé trai và bé gái trong nhóm tập thể dục hàng ngày có mật độ khoáng của xương lớn hơn so với nhóm còn lại.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cũng so sánh tỷ lệ gãy xương và giảm mật độ xương của khoảng 700 nam vận động viên ở độ tuổi trung bình là 69 tuổi với gần 1.400 người bình thường ở độ tuổi 70. Họ nhận thấy rằng mật độ khoáng xương ở các vận động viên trước đây giảm ít hơn rất nhiều.
Điều đó cho thấy tăng cường hoạt động thể chất khi trẻ tuổi đã giúp tạo ra khối lượng xương cao hơn và cải thiện kích thước xương mà không làm tăng nguy cơ gãy xương. Ông Rosengren cho biết thêm "Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh thêm một lý do tại sao trẻ em cần phải thường xuyên tập thể dục hàng ngày để cải thiện sức khỏe của chúng, cả trong hiện tại và trong tương lai”.
Kết quả của nghiên cứu dự kiến sẽ được xem xét tại Chicago bởi Hội y học Thể thao chỉnh hình Mỹ. Dữ liệu và kết luận sẽ được trình bày tại các cuộc họp và công bố trên tạp chí y học.
Theo Dân trí