Tập thể dục phòng và trị đau lưng

SKĐS - Tập thể dục rất tốt cho chứng đau lưng. Tuy là bệnh phức tạp nhưng nếu biết rõ nguyên nhân và phương pháp tập luyện đúng thì sẽ đạt được kết quả khả quan.

1.Nguyên nhân gây đau lưng.

Xương sống con người gồm 33 đốt xương sống (7 đốt sống đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng dính liền với nhau tạo thành xương cùng và các đốt sống cụt dính vào nhau tạo nên xương cụt). Mỗi đốt sống (ĐS) đều có thân đốt, cung đốt và mỏm đốt.

Các ĐS được liên kết với nhau bằng các đĩa sụn giữa chúng. Suốt dọc theo chiều dài của cột sống, ở mặt trước và mặt sau các ĐS đều có các dây chằng dọc trước và sau bám vào. Khớp giữa các mỏm khớp (trên và dưới các đốt kề nhau) là các khớp động loại phẳng, có bao khớp bọc quanh. Tại các cung đốt giữa các mỏm ngang và mỏm gai cùng các đầu mỏm gai đều có các dây chằng. Xương sống được tạo bởi các ĐS, phân thành 5 đoạn trên, không thẳng mà có 2 đoạn cong võng nên có tính đàn hồi nhất định.

Nhờ các khớp ĐS và các cơ bao bọc co duỗi mà con người có thể làm các động tác cúi gập, ngửa ra sau, nghiêng sang hai bên và quay vặn người. Xét theo kết cấu, đoạn ĐS thắt lưng rồi đến đoạn ĐS cổ có biên độ cử động, công năng và chịu tải đa dạng, nặng hơn cả.

Ngoài phụ tải thân mình, còn phải chịu đựng cả gánh nặng, các xung chấn do hoạt động lao động, sinh hoạt hằng ngày gây nên. Sức mạnh ở các cơ eo, lưng mà kém, lại thêm sự không thích ứng với các cử động quay, gập duỗi với lượng vận động quá mức là nguyên nhân chính làm cho người trung và cao tuổi bị bệnh này. Bài viết dưới đây chỉ bàn đến bệnh đau lưng do cơ bị lão tổn và cách tập để phòng chữa.

2. Tập thể dục phòng và trị đau lưng

Muốn phòng chống đau lưng do cơ bị suy tổn, cần tập luyện thích hợp để nâng cao sức mạnh của các cơ eo, bụng. Uống thuốc, dán cao, có người lại đai bụng để phòng chống đau lưng trong thời gian dài, các cơ ở đó sẽ co cứng lại, xương khớp không còn linh hoạt khiến cơn đau lưng càng trở nên trầm trọng hơn.

Tập luyện tăng sức mạnh cho các cơ eo lưng không phức tạp. Các yêu cầu về biên độ động tác tập có thể gia giảm theo sức lực của từng người.

photo-1664514514777

Bước 1: Nằm ngửa gập thân trên và chân lên gần bụng.

photo-1664514517503

Bước 2: Nằm ngửa gập thân trên, cả chân lẫn thân trên vuông góc với nhau

photo-1664514519527

Bước 3: Hai tay dọc theo thân, gập thẳng chân lên thành vuông góc.

Thực hiện các động tác từ từ, không quá nhanh hoặc đột ngột. Tập luyện theo giới hạn cơ thể, không quá sức. Khi sức mạnh cơ đã khá hơn, có thể nằm hai tay ôm sau gáy hoặc treo vật nặng vừa phải vào chân hoặc thân trên để tập gập lại. Nâng độ khó lên, sức mạnh của cơ cũng tăng theo.

Cần duy trì luyện tập đều đặn mỗi ngày hoặc 3 – 5 buổi/tuần, thời gian mỗi buổi tập nên kéo dài ít nhất 30 phút.

Trường hợp cơn đau lưng kéo dài dai dẳng với mức độ ngày càng cao, người bệnh nên đi khám tại các chuyên khoa cơ xương khớp để có liệu trình điều trị phù hợp.

Mời bạn xem thêm video:

Các bệnh về mắt do thời tiết

BS Lê Thị Hương (Bệnh viện Y Học cổ truyền Trung Ương)
Ý kiến của bạn