Hà Nội

Tập thể dục mà vẫn… lão hóa nhanh, vì sao?

14-07-2018 07:47 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Nhiều người mặc dù sinh hoạt rất lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và đều đặn nhưng người vẫn luôn mệt mỏi và cơ thể vẫn lão hóa nhanh trông thấy.

Vì sao vậy? Có thể trong quá trình luyện tập, bạn đã mắc phải 5 lỗi dưới đây. Hãy khắc phục ngay những lỗi này để giữ cho mình một sức khỏe tốt và một vóc dáng săn chắc.

1. Bỏ qua phần khởi động:

Sẽ là tàn phá cơ thể của mình nếu bạn bắt đầu một buổi tập nhảy hay tạ mà không hề có bài thể dục nhẹ để khởi động cơ thể. Khi các cơ bị viêm sẽ kích thích tố tuyến giáp và các cytokine (protein viêm), được giải phóng, chúng sẽ tác động tới hệ miễn dịch và làm cho cơ thể càng khó phục hồi. Cho nên hãy tập thói quen khởi động và làm nóng cơ thể từ 5-10 phút trước khi bắt đầu tập với cường độ nặng.

2. Chỉ tập trung vào bài tập cường độ cao:

Muốn cơ thể đốt cháy càng nhiều calo càng tốt trong một thời gian ngắn nhất nên một số người chỉ tập trung tập các bài tập cường độ quá cao khiến quá trình đốt cháy calo vẫn tiếp tục ngay cả sau khi bạn đã hoàn tất bài tập. Chính điều này đang tàn phá, hủy hoại cơ thể bạn.

Nguyên nhân là do các bài tập cường độ cao đã dẫn đến sự gia tăng trong tiêu cơ vân, một sự cố về sợi cơ rất nghiêm trọng có thể gây tổn thương thận và thậm chí dẫn đến tử vong. Chứng tiêu cơ vân có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là nếu bạn để cơ thể bị mất nước sẽ rất nhanh dẫn đến lão hóa.

Cách khắc phục rất đơn giản: Cho phép cơ thể nghỉ ngơi tối thiểu là 48 giờ để phục hồi sau khi tập luyện các bài tập cường độ cao.

thể dục chống lão hóa

3. Không bao giờ nghỉ ngơi:

Nếu bạn thường xuyên tập thể dục mà cơ thể vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi hay đau nhức trong khi tập luyện thì đó chính là hậu quả khi cơ thể bạn không có đủ thời gian để chữa lành và hồi phục giữa các buổi tập. Ở độ tuổi từ 15 - 25, cơ thể phải mất khoảng 18 giờ để sửa chữa các sợi cơ bị ảnh hưởng bởi một buổi tập thể dục, nhưng con số này sẽ tăng lên 36 giờ ở độ tuổi 40 trở đi. Nếu cơ bắp lâm vào tình trạng viêm, hệ thống miễn dịch của bạn có thể không hoạt động một cách hiệu quả và bạn có thể gặp khó khăn với giấc ngủ. Vì thế, bạn cần đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi giữa các buổi tập và cho phép cơ thể xả hơi hoàn toàn ít nhất một ngày mỗi tuần.

4. Chỉ tập các bài tập tác động thấp:

Đi bộ chậm, đạp xe dạo hay aerobic là những môn có tác động thấp đến sức khỏe của bạn và không có tác dụng nhiều cho mật độ xương. Để ngăn ngừa loãng xương và duy trì sức khỏe của xương, bạn nên thêm những động tác thể dục như chạy bộ, chạy nước rút và nhảy dây... vào chế độ thể dục của bạn.

5. Không bao giờ tập cơ sàn chậu:

Bạn có thể tập trung vào tập cơ chéo (các cơ bắp chịu trách nhiệm về xoay) và cơ thẳng bụng nếu bạn phấn đấu một vòng eo bé nhỏ và săn chắc. Nhưng nếu bỏ qua tập cơ sàn chậu, đến khoảng 45-50 tuổi bạn sẽ đối mặt với vòng bụng tròn và chảy sệ cùng với chứng đi tiểu không tự chủ. Cơ thể bạn cũng nhanh bị lão hóa hơn. Vì vậy, bạn nên kết hợp thực hiện các bài tập Kegel (bài tập co thắt cơ) để kích hoạt các sàn chậu là một phần quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh từ bên trong cơ thể. Tập 10 nhịp mỗi lần và lặp lại 3 lần như thế, thực hiện 3 lần mỗi ngày.


An Ngọc Hoa
Ý kiến của bạn
Tags: