Mùa thi là giai đoạn đòi hỏi cả thể lực và tinh thần bền bỉ đối với các sĩ tử. Tuy nhiên, tâm lý căng thẳng, thức khuya và lịch học dày đặc thường xuyên dễ khiến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng tập trung. Vì vậy, việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh không chỉ giúp các em có đủ năng lượng để "chiến đấu" với những kỳ thi cam go, mà còn là yếu tố then chốt để tối ưu hóa khả năng ghi nhớ, tư duy và xử lý thông tin.
1. Vai trò của tập luyện đối với các sĩ tử trong mùa thi
Nhiều sĩ tử và phụ huynh thường ưu tiên tối đa thời gian cho việc học mà xem nhẹ vận động thể chất trong giai đoạn ôn thi nước rút. Tuy nhiên, đây là một quan niệm chưa thực sự chính xác. Việc dành ra một khoảng thời gian hợp lý mỗi ngày cho tập luyện là một "khoản đầu tư" chiến lược mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp các em vượt qua mùa thi hiệu quả hơn. Vai trò của tập luyện thể hiện rõ rệt qua các khía cạnh sau:
1.1 Tăng cường chức năng não bộ, cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung
Vận động thể chất, đặc biệt là các bài tập aerobic (như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…), giúp tăng cường lưu lượng máu và oxy lên não. Điều này thúc đẩy sự hình thành các tế bào thần kinh mới (neurogenesis) và tăng cường kết nối giữa chúng, đặc biệt là ở vùng hồi hải mã (hippocampus) - trung tâm của trí nhớ và học tập trong não bộ.
Các hoạt động như yoga, thái cực quyền còn được xem là "thiền động", giúp tâm trí tĩnh tại và tập trung tốt hơn. Tập luyện còn kích thích não giải phóng các yếu tố dinh dưỡng thần kinh và các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng (serotonin, dopamine, norepinephrine) giúp cải thiện tâm trạng, động lực học tập, khả năng tập trung và ghi nhớ thông tin.
1.2 Giải tỏa căng thẳng, lo âu hiệu quả
Mùa thi là thời điểm stress lên cao đỉnh điểm. Tập luyện thể chất là một liều thuốc giải tỏa căng thẳng tự nhiên và cực kỳ hiệu quả. Khi vận động, cơ thể giảm sản xuất các hormone gây stress (như cortisol) và tăng tiết endorphin – loại hormone "hạnh phúc" tự nhiên, giúp cải thiện tâm trạng, giảm cảm giác lo lắng, mệt mỏi và mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu.
1.3 Nâng cao chất lượng giấc ngủ
Giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc củng cố trí nhớ và phục hồi năng lượng. Tập luyện thể dục đều đặn (nhưng tránh tập quá sát giờ đi ngủ) giúp điều hòa đồng hồ sinh học, làm cho sĩ tử dễ đi vào giấc ngủ hơn và ngủ sâu hơn, đảm bảo não bộ và cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ.
1.4 Tăng cường năng lượng và sức bền
Thay vì gây mệt mỏi (nếu tập luyện quá sức), vận động hợp lý lại giúp cơ thể sản sinh nhiều năng lượng hơn, chống lại cảm giác uể oải, buồn ngủ trong quá trình học tập kéo dài. Đồng thời, tập thể dục cũng giúp tăng cường sức bền, sự dẻo dai cho cơ thể, giúp các em đủ sức khỏe để theo đuổi lịch trình ôn luyện dày đặc.
2. Các bài tập giúp sĩ tử khỏe mạnh trong mùa thi
Dưới đây là một số bài tập phù hợp với các sĩ tử trong mùa thi với hướng dẫn chi tiết cách thực hiện:
2.1. Các bài tập yoga giúp giảm căng thẳng và tăng cường trí nhớ
Các tư thế yoga không chỉ giúp thư giãn cơ thể mà còn hỗ trợ lưu thông máu lên não, cải thiện khả năng tập trung và ghi nhớ.
Tư thế hoa sen
Tác dụng: Giảm căng thẳng, mang lại năng lượng tích cực, tăng cường trí nhớ.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng và giữ cột sống thẳng.
- Từ từ gập chân phải, đặt bàn chân phải lên đùi trái.
- Tiếp tục gập chân trái, đặt bàn chân trái lên đùi phải, điều chỉnh sao cho hai bàn chân nằm gọn trên đùi đối diện, gót chân sát với phần bụng dưới.
- Đặt tay trong tư thế ngón trỏ chạm ngón cái lên đầu gối.
- Giữ tư thế ổn định, thả lỏng vai và hông, cột sống và đầu thẳng hàng.
- Hít thở chậm và sâu trong suốt quá trình giữ tư thế.

Tư thế hoa sen tăng cường trí nhớ cho các sĩ tử trong mùa thi.
Đứng cúi gập người về phía trước
Tác dụng: Tái tạo năng lượng, tốt cho cột sống, lưu thông máu não, tăng cường trí nhớ.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, hai chân khép sát vào nhau.
- Hít vào, vươn hai tay qua đầu, thẳng hàng với thân.
- Thở ra, từ từ gập người về phía trước từ phần hông, giữ lưng thẳng.
- Cố gắng đưa trán chạm vào cẳng chân (nếu có thể).
- Hai tay nắm lấy cổ chân hoặc đặt trên sàn cạnh hai bàn chân, áp bụng và ngực gần vào đùi.
- Giữ tư thế và hít thở đều.

Đứng cúi gập người về phía trước lưu thông máu não.
Tư thế cái kẹp
Tác dụng: Kéo giãn sâu lưng và gân kheo, giảm căng thẳng, cải thiện hô hấp, tăng cường lưu thông máu não và trí nhớ.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng lưng trên sàn, hai chân duỗi thẳng về phía trước, mũi chân hướng lên trần nhà.
- Hít vào, vươn hai tay thẳng qua đầu, cánh tay sát tai.
- Thở ra, từ từ gập người về phía trước từ hông, vươn dài cột sống.
- Cố gắng đưa trán chạm cẳng chân (nếu có thể), bụng và ngực áp sát vào đùi.
- Hai tay nắm lấy bàn chân hoặc cổ chân.
- Giữ tư thế và hít thở đều.
Tư thế cái cây
Tác dụng: Giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng, tăng sự bình tĩnh và tập trung.
Cách thực hiện:
- Bắt đầu với tư thế đứng thẳng, hai chân khép nhẹ.
- Dồn trọng lượng cơ thể vào chân trái.
- Gập đầu gối chân phải, dùng tay kéo bàn chân phải đặt vào mặt trong đùi trái (càng gần háng càng tốt), lòng bàn chân phải áp sát vào đùi trái.
- Giữ hông cân bằng, không để lệch sang một bên.
- Chắp hai tay trước ngực trong tư thế cầu nguyện.
- Khi cảm thấy thăng bằng, từ từ đưa hai tay vươn qua đầu, lòng bàn tay hướng vào nhau.
- Mắt nhìn thẳng vào một điểm cố định để giữ thăng bằng, giữ tư thế và hít thở đều.
- Hạ tay và chân xuống, lặp lại với chân còn lại.

Tư thế cái cây tăng sự bình tĩnh và tự tin cho sĩ tử trong mùa thi.
2.2 Bài tập hít thở sâu
Hít thở sâu là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp giảm căng thẳng, điều hòa nhịp tim và mang oxy lên não nhiều hơn.
Tác dụng: Giảm căng thẳng, lo âu, giúp bình tĩnh và tập trung.
Cách thực hiện:
- Tìm một nơi yên tĩnh, ngồi hoặc nằm thoải mái, giữ lưng thẳng.
- Đặt một tay lên bụng, một tay lên ngực.
- Hít vào chậm rãi bằng mũi, cảm nhận lồng ngực và bụng phồng lên, đếm thầm từ 1 đến 4.
- Giữ hơi trong vài giây (đếm thầm từ 1 đến 2).
- Thở ra từ từ bằng miệng hoặc mũi, cảm nhận bụng và ngực xẹp xuống, đếm thầm từ 1 đến 6 hoặc 8.
- Lặp lại quá trình này trong khoảng 5-10 phút, tập trung vào hơi thở, loại bỏ suy nghĩ xao nhãng.

Bài tập hít thở sâu giúp giảm căng thẳng cho sĩ tử trong mùa thi.
2.3 Các bài tập giãn cơ đơn giản tại bàn học
Ngồi lâu một chỗ có thể gây căng cứng cơ, đặc biệt là ở cổ, vai và lưng. Các bài tập giãn cơ đơn giản có thể thực hiện ngay tại bàn học giúp giảm bớt tình trạng này.
- Duỗi cổ: Ngồi thẳng lưng, từ từ nghiêng đầu sang bên phải, đưa tai phải về gần vai phải cho đến khi cảm thấy căng nhẹ ở phía cổ bên trái, giữ trong 10-15 giây. Trở về giữa và lặp lại với bên trái (có thể dùng tay nhẹ nhàng ấn đầu xuống thêm một chút để tăng độ căng).
- Xoay vai: Ngồi thẳng lưng, xoay cả hai vai theo chuyển động tròn tiến về phía trước vài lần, sau đó xoay ngược lại ra phía sau vài lần. Thực hiện chậm rãi để cảm nhận cơ vai được thả lỏng.
- Xoay cột sống khi ngồi: Ngồi thẳng lưng trên ghế, hai chân đặt trên sàn. Xoay phần thân trên sang bên phải, dùng tay trái đặt lên đầu gối phải và tay phải nắm lấy thành ghế (hoặc đặt sau lưng). Giữ tư thế trong 15-30 giây, hít thở đều. Trở về giữa và lặp lại với bên trái.
- Duỗi thẳng tay và kéo giãn ngón tay: Ngồi thẳng lưng, duỗi thẳng một tay ra phía trước, lòng bàn tay hướng lên. Dùng tay còn lại nhẹ nhàng kéo các ngón tay của bàn tay duỗi thẳng về phía thân cho đến khi cảm thấy căng ở cẳng tay và cổ tay. Giữ trong 15-20 giây, lLặp lại với tay kia. Có thể đan các ngón tay vào nhau và kéo căng lòng bàn tay ra xa cơ thể.
4. Các hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe và tinh thần
Bên cạnh các bài tập cụ thể, việc duy trì các hoạt động thể chất đều đặn cũng đóng vai trò quan trọng giúp sĩ tử khỏe mạnh mùa thi.
4.1 Đi bộ hoặc chạy bộ nhẹ nhàng
Tác dụng: Cải thiện lưu thông máu, giảm căng thẳng, tăng cường năng lượng, cải thiện tâm trạng.
Cách thực hiện: Dành khoảng 20-30 phút mỗi ngày để đi bộ nhanh hoặc chạy bộ nhẹ nhàng ngoài trời. Hít thở sâu không khí trong lành.
4.2 Tham gia các môn thể thao yêu thích
Tác dụng: Giải tỏa căng thẳng, tăng cường thể chất, cải thiện sự phối hợp và phản xạ.
Cách thực hiện: Dành thời gian chơi các môn thể thao yêu thích như cầu lông, bơi lội, bóng đá... với bạn bè.
4.3 Nghỉ giải lao và vận động nhẹ sau mỗi 45 phút học
Tác dụng: Giúp não bộ được nghỉ ngơi, tăng cường lưu thông máu lên não, giảm mệt mỏi.
Cách thực hiện: Đứng dậy đi lại nhẹ nhàng, thực hiện các động tác vươn vai, xoay khớp trong khoảng 5-10 phút sau mỗi 45 phút ngồi học liên tục.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mùa thi, sĩ tử cần làm gì để “Học đâu, nhớ đó”? | SKĐS