Bệnh nhân sau khi bị bạch hầu sẽ gặp những vấn đề liên quan đến hô hấp và sức đề kháng. Vì vậy các bài tập cần được thiết kế phù hợp với mỗi bệnh nhân.
1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh bạch hầu
Tập luyện cho bệnh nhân thường bao gồm hai nhóm bài tập: Tập phục hồi chức năng hô hấp và tập nâng cao thể trạng.
Tập phục hồi chức năng hô hấp có thể khởi đầu sớm ngay trong đợt cấp khi còn đang nằm viện. Khởi đầu phục hồi chức năng hô hấp sớm trong vòng 3 tuần sau đợt cấp giúp cải thiện khả năng gắng sức, giảm triệu chứng của bệnh, tăng chất lượng cuộc sống, giảm tử vong và giảm tỉ lệ tái nhập viện.
Luyện tập cơ hô hấp giúp tăng cường sức cơ hô hấp, được chỉ định cho những bệnh nhân có bằng chứng hoặc nghi ngờ yếu cơ hô hấp. Ngoài ra, giáo dục sức khỏe, tham vấn và can thiệp dinh dưỡng, hỗ trợ tâm lý, tâm thần kinh là những nội dung cần thiết giúp bổ sung và hoàn chỉnh chương trình.
Tập nâng cao thể trạng, trong đó tập vận động là thành phần cốt lõi bao gồm hai cách tập là tăng sức bền và tăng sức cơ, với các hình thức tập vận động chi dưới, vận động chi trên.
Luyện tập vận động nhằm khắc phục những giới hạn của người bệnh khi vận động như các tắc nghẽn thông khí, rối loạn trao đổi khí và kém chức năng của hệ cơ xương và cơ hô hấp.
Tăng cường sức mạnh các cơ giúp đi lại dễ dàng và cải thiện hoạt động tim phổi phù hợp với vận động, tăng hoạt động thể chất và giảm bớt khó thở, mệt mỏi.
2. Các bài tập tốt cho người bệnh bạch hầu
2.1. Bài tập phục hồi chức năng hô hấp
Phục hồi chức năng hô hấp rất cần thiết ở người bệnh sau điều trị bạch hầu. Bài tập này cũng có thể sử dụng trong trường hợp suy giảm chức năng hô hấp mạn tính, giúp làm giảm các triệu chứng khó thở, lo lắng và trầm cảm, cải thiện thể chất và chất lượng cuộc sống.
Bài 1: Kỹ thuật thở ra
- Thở ra kéo dài: Hít vào bằng mũi, sau đó thở ra kéo dài bằng miệng.
- Thở ra mạnh: Hít vào bằng mũi, sau đó thở ra nhanh và mạnh bằng miệng, giúp khai thông đường thở bằng phản xạ ho ở cuối kì thở ra.
Bài 2: Mở lồng ngực và kiểm soát nhịp thở
- Động tác 1: Đưa hai tay ra trước, bắt đầu hít vào và đưa hai tay ra sau tối đa. Sau đó thở ra từ từ và đưa tay về vị trí cũ.
- Động tác 2: Đưa hai cùi chỏ ra trước, bắt đầu hít vào và xoay cùi chỏ tối đa ra sau. Sau đó thở ra từ từ và xoay cùi chỏ về vị trí cũ.
Bài 3: Tăng cường vận động cơ hô hấp
- Thở ngực: Đặt một tay lên ngực, một tay lên bụng. Bắt đầu hít vào tối đa cho lồng ngực nở ra, sau đó thở ra từ từ. Lưu ý hóp bụng, giữ cho bụng không phình ra trong lúc hít thở.
- Thở bụng: Đưa hai tay lên bụng, hít vào cho đến khi bụng phình ra tối đa, sau đó thở ra cho đến khi bụng xẹp vào tối đa.
Bài 4: Loại bỏ dung tích khí cặn trong phổi
- Thổi bóng hết sức: Tương đương với thở ra hết sức, giúp loại bỏ khí cặn trong phổi. Đưa bóng lên miệng, lấy hơi rồi thổi một hơi kéo dài, thở ra hết sức trong một lần thổi.
Bài 5: Tăng cường sức bền
- Cánh chim bay: Hai tay cầm tạ buông dọc theo thân mình, bắt đầu hít vào và nâng hai tay sang ngang. Sau đó thở ra từ từ và hạ tay xuống vị trí cũ.
- Cánh tay đan chéo: Hai tay cầm tạ đưa sang ngang và bắt đầu hít vào. Sau đó thở ra với hai tay đan chéo nhau phía trước.
- Cánh tay trên đầu: Hít vào đồng thời đưa hai tay cầm tạ qua đầu, sau đó thở ra và hạ tạ xuống.
Bài 6: Tăng dung tích sống từng thùy phổi
- Thùy phổi giữa: Choàng khăn từ sau lưng ra trước ngực, vị trí phía dưới nách. Hai tay đan chéo cầm hai đầu khăn. Bắt đầu hít vào thật sâu và siết khăn lại, sau đó buông khăn đột ngột và thở ra.
- Thùy phổi dưới: Làm tương tự nhưng khăn nằm ở vị trí dưới ngực. Lưu ý buông khăn trước khi bắt đầu thì thở ra.
2.2. Bài tập vận động tăng sức đề kháng
Các bài tập dưới đây là cách tốt nhất để cải thiện hoạt động cơ vân ở bệnh nhân mắc bệnh hô hấp. Ngoài ra, còn tăng cường sức mạnh cho các cơ giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng, cải thiện hoạt động tim phổi phù hợp với vận động, tăng hoạt động thể chất và giảm bớt khó thở, mệt mỏi.
Bài tập dưỡng sinh ‘Bát đoạn cẩm’: Bát đoạn cẩm là một bài tập khí công của phái Thiếu Lâm đã có từ hơn 1.000 năm nay ở Trung Quốc, có động tác dễ tập, cách thở đơn giản và đi theo trường phái dưỡng sinh trường thọ. Bài tập không có tác dụng phụ, dễ truyền bá cho đông đảo quần chúng (ngoài ngành võ thuật) để luyện tập an toàn và đạt hiệu quả cao trong việc bảo vệ sức khỏe.
Nội dung bài tập dưỡng sinh "Bát đoạn cẩm" gồm 8 thế tập luyện, được ví như là 8 đoạn vải gấm. Mỗi ngày có thể tập 1 - 2 lần, tốt nhất là vào buổi sáng, mỗi bài tập lặp lại 3 - 5 lần. Bài tập này phù hợp với các bệnh nhân vừa điều trị ổn định bạch hầu xong, áp dụng luôn tại bệnh viện và ở nhà.
+ Động tác 1: Hai tay chống trời điều lý cả vùng Tam tiêu
- Hai tay đưa lên: Hít vào, điều khí đến cả vùng Tam tiêu từ huyệt Bách hội ở đỉnh đầu đi xuống gáy và đi lên sau tai, lên đuôi lông mày hai bên. Phải nhón chân lên.
- Hai tay đưa xuống về hai bên đùi: Thở ra, cong hai ngón chân cái lên để kích thích các huyệt thuộc kinh Đại tràng và nhóm kinh dương trước cẳng chân.
+ Động tác 2: Tay trái, phải dương ra như bắn cung
- Tay đưa ra bắn cung: Hít vào.
- Tay đưa chéo về lại trước ngực: Thở ra.
+ Động tác 3: Điều hòa tỳ vị, một tay đẩy lên
- Một tay đưa lên đầu, một tay ấn xuống bên hông trái: Hít vào.
- Hai tay lật lại đưa về ngang chấn thủy (vùng thượng vị): Thở ra.
+ Động tác 4: Liếc nhìn phía sau, xua đi sự hao mòn sức khỏe
- Đầu quay qua một bên và hai bàn tay đưa ra hai bên đùi: Hít vào.
- Đầu trở về vị trí như cũ và hai tay đưa lên bụng: Thở ra.
+ Động tác 5: Lắc đầu, xua hết tính nóng nảy
- Đầu nghiêng qua một bên: Hít vào.
- Đầu trở về vị trí cũ ở ngay giữa: Thở ra.
+ Động tác 6: Phía sau giẫm gót bảy lần
- Nhón chân lên, hai tay ấn xuống: Hít vào.
- Hạ chân xuống, hai tay đưa lên: Thở ra. Động tác này làm tối thiểu 30 lần.
- Nhón chân lên cao và chạm mạnh gót chân xuống đất: Thở bình thường. Tối thiểu làm 100 lần.
+ Động tác 7: Nắm chặt tay, trợn mắt tăng khí lực
- Hai chân dạng ra rộng hơn vai chùn xuống, hai tay nắm lại đặt ở bên hông, lòng bàn tay hướng lên trên.
- Tay thủ ở hông: Hít vào.
- Tay trái đấm ra: Thở ra; rồi từ từ thu về thế ban đầu, ở tư thế này hít vào và tay kia đấm ra và thở ra.
+ Động tác 8. Hai tay phang xuống chân, bền thận và giữ eo
- Hai chân dạng ra rộng hơn vai, cúi gập người, hai tay ôm lấy cổ chân.
- Thân đưa từ dưới lên và ưỡn ra sau đồng thời vươn 2 tay ra sau: Hít vào.
- Thân cúi xuống, vuốt hai cổ chân: Thở ra.
- Chạy bộ: Chạy bộ là bài tập thể dục hỗ trợ rất nhiều trong việc hạn chế các di chứng và giúp bạn khỏe mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Bạn thực hiện bài tập này sau khi cơ thể đã điều trị ổn định, chức năng hô hấp, tim mạch hồi phục hoàn toàn.
Mỗi ngày chạy 1 - 2 lần mỗi lần từ 10 - 20 phút tùy vào khả năng sức khỏe của bản thân. Không cần chạy với tốc độ quá nhanh.
- Đi bộ: Đi bộ có thể giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Những người đi bộ với tốc độ vừa phải trong 30 đến 45 phút mỗi ngày có số ngày ốm ít hơn 43% và ít có khả năng nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn.
Vì vậy, mỗi ngày bạn hãy cố gắng dành ra ít phút để đi dạo xung quanh, vừa giúp tăng cường sức khỏe, vừa giảm căng thẳng.
- Đạp xe: Để tăng cường sức khỏe, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bạn có thể đạp xe thường xuyên, ít nhất 4 lần/tuần. Thời điểm tốt nhất để đạp xe mỗi ngày là vào buổi sáng. Bạn có thể đi đạp xe thay cho tập thể dục buổi sáng trong vòng tối thiểu 30 phút.
3. Những lưu ý khi tập luyện
Cần lên khung chương trình tập cụ thể cho từng bệnh nhân. Đặc biệt, phục hồi chức năng hô hấp càng nên được thực hiện đối với các trường hợp sau dù đã được dùng thuốc tối ưu:
- Khó thở và các triệu chứng hô hấp mạn tính.
- Chất lượng cuộc sống kém, giảm tình trạng sức khỏe chung.
- Khó thực hiện các sinh hoạt hàng ngày.
- Lo âu, trầm cảm do bệnh phổi.
- Suy dinh dưỡng.
- Tăng sử dụng dịch vụ y tế (đợt cấp và nhập viện nhiều, thăm khám nhiều lần…).
- Rối loạn trao đổi khí bao gồm hạ oxy máu.
Thực hiện ít nhất 20 buổi tập hay kéo dài 6 – 8 tuần với ít nhất 3 buổi tập mỗi tuần. Các chương trình tập kéo dài đem lại hiệu quả tốt hơn và bền hơn các chương trình ngắn ngày. Người bệnh nên được khuyến khích tập luyện thường xuyên, ít nhất 3 lần mỗi tuần và nên có giám sát để đạt được hiệu quả tối ưu.
Chống chỉ định tập luyện: Thiếu oxy, rối loạn nhịp tim, huyết động không ổn định, tăng áp lực nội sọ (> 20 mmHg), đau, mệt mỏi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nhận biết sớm bệnh bạch hầu, căn bệnh dễ gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.