Tập luyện phòng tránh bệnh hô hấp ở trẻ em

17-09-2019 07:01 | Đời sống
google news

SKĐS - Việc tập luyện thể lực theo chương trình hoặc có tổ chức hay đơn giản chỉ là những hoạt động thể lực mang tính chất tự phát khi vui chơi, chạy nhảy của trẻ nhưng được lặp đi lặp lại và diễn ra hàng ngày đã có ảnh hưởng rất tốt đối với thể chất chung của trẻ, trong đó có hệ hô hấp.

Trong điều kiện khí hậu theo mùa, thời tiết nóng lạnh thay đổi liên tục, nhiều khi thất thường, độ ẩm cao, cùng với môi trường sống ngày càng ô nhiễm, khói bụi và các vật chất có hại trong không khí không ngừng tăng cao, thậm chí vượt ngưỡng cho phép làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp. Đặc biệt ở trẻ em, đối tượng có sức đề kháng kém và chưa có ý thức thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp.

Hoạt động thể lực liệu có ích cho trẻ?

Khí hậu khắc nghiệt, môi trường bụi bẩn, không khí ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều ông bố bà mẹ luôn cảm thấy bất an, ngại cho trẻ ra ngoài tham gia các hoạt động thể lực, vui chơi. Cuộc sống hiện đại, phương tiện di chuyển ngày càng cơ giới hóa khiến cho con người ngày càng ít phải hoạt động thể lực. Những lý do đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất của trẻ, làm giảm sức đề kháng và khả năng thích nghi. Chưa kể, trẻ không được chạy nhảy và bị gò bó bởi không gian hạn chế trong nhà chỉ còn biết tìm đến các loại hình giải trí khác như tivi, máy tính, điện thoại... dẫn đến tạo thành thói quen lười vận động, gia tăng các nguy cơ mắc các bệnh khác như các bệnh lý về mắt, béo phì, đái tháo đường... thậm chí ảnh hưởng cả tới tâm lý và sức khỏe tâm thần của trẻ.

Nên khuyến khích trẻ vận động giúp phòng tránh bệnh hô hấp.

Vai trò của hoạt động thể lực đối với sức khỏe hô hấp nhìn chung không dễ được nhận thấy rõ ràng, nhất là khi so với các hệ cơ quan tham gia trực tiếp vào vận động như hệ cơ xương. Nghiên cứu cho thấy, chỉ cần trẻ được hoạt động chạy nhảy vui chơi đã có thể đạt được mức độ gắng sức thể lực với cường độ thấp, làm tăng tần số hô hấp, giúp tăng thông khí phổi, tăng thể tích khí lưu thông, tăng tưới máu phổi, tăng hiệu suất sử dụng oxy của mô. Nếu được vận động thường xuyên có tác dụng cải thiện tính bền bỉ của cơ hô hấp, đây chính là hiện tượng thích nghi giống như với các nhóm cơ vận động khác.

Trẻ em bị hen phế quản bao gồm cả hen do dị ứng và những đối tượng có các triệu chứng hen khi tập luyện thường có xu hướng giảm hoặc né tránh hoạt động yêu cầu phải gắng sức. Lý do là vì tình trạng tắc nghẽn mạn tính đường thở và tăng tính đáp ứng của đường thở với kích thích của hoạt động gắng sức làm trẻ thấy khó thở và giảm khả năng gắng sức. Tuy nhiên, các chuyên gia lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích trẻ có các biểu hiện của bệnh hen từ thấp đến trung bình tham gia hoạt động thể lực ở mức cường độ trung bình và thấp, bởi với những bài tập thích hợp như bơi lội, thể thao với bóng, đạp xe hay đi bộ, chạy bộ, các bài tập tăng độ linh hoạt cho khớp, các bài tập thư giãn và các bài tập thở có thể góp phần cải thiện khả năng hoạt động thể lực, giảm tình trạng khó thở và hạn chế khó thở gây ra do gắng sức. Quan trọng hơn nữa là giúp trẻ thấy tự tin vào bản thân và dám tham gia vào các hoạt động.

Đối với hệ thống miễn dịch, các nghiên cứu cho thấy hoạt động thể lực vừa có tác dụng kích thích vừa ức chế hệ miễn dịch. Quan điểm phổ biến hiện nay cho rằng hoạt động thể lực với cường độ từ trung bình có vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của trẻ. Việc được hoạt động thường xuyên sẽ kích thích hệ thống miễn dịch, tăng sức đề kháng và giảm các nguy cơ nhiễm khuẩn của cơ thể nói chung và hệ hô hấp nói riêng. Cải thiện chức năng của hệ thống miễn dịch được thấy qua các thay đổi như tăng số lượng bạch cầu đa nhân, tăng huy động bạch cầu lympho, đại thực bào, tế bào diệt tự nhiên (NK). Những yếu tố này có vai trò kích thích hoạt động thực bào, loại trừ các vi sinh vật và tham gia vào quá trình miễn dịch qua trung gian tế bào lympho T. Tập luyện thể lực cũng đã được chứng minh có tác dụng gia tăng nồng độ các cytokine tiền viêm và kháng viêm. Tuy nhiên, những hoạt động thể lực nặng với cường độ lớn sẽ dẫn đến giai đoạn suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể cùng với sự suy giảm hoạt động của tế bào diệt tự nhiên và giảm phân chia các tế bào lympho. Về cơ bản, sự suy giảm miễn dịch này chỉ là tạm thời, thường kéo dài trong khoảng từ 3 giờ đến 3 ngày sau buổi tập nặng, có thể đánh giá được thông qua quan sát thấy giảm nồng độ IgA và IgM trong nước bọt. Đây được coi là giai đoạn “cửa sổ mở” của hệ miễn dịch mà qua đó các virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc đường hô hấp trên (mũi, họng) và dưới (phế quản, phổi). Vì vậy, nếu duy trì bài tập nặng kéo dài có thể dẫn đến sự suy giảm lâu dài nồng độ của các yếu tố miễn dịch, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Các nghiên cứu khoa học cho đến nay chưa đủ cơ sở để xác định rõ “liều” hoạt động thể lực có lợi ở mọi trẻ em. Ở trẻ em, các hoạt động thể lực có nhiều dạng, có thể là tự phát theo bản năng của trẻ, có thể là do có ý thức ở những trẻ lớn hơn và/hoặc có tổ chức như các hoạt động thể chất ở trường, tham gia sinh hoạt tập luyện ở các câu lạc bộ... Một số nước tiên tiến như Mỹ, Phần Lan khuyến khích trẻ em nên hoạt động thể lực tối thiểu 1-2giờ/ngày với cường độ vừa phải xen kẽ gắng sức cường độ cao trong thời gian ngắn ở những trẻ có sức khỏe bình thường, nên tránh ngồi liên tục từ 2 giờ trở lên, hạn chế xem tivi và các chương trình giải trí trong 2 giờ mỗi ngày.

Một số chú ý đối với trẻ khi tập

Không tập/hoạt động thể lực khi trẻ đang có các biểu hiện triệu chứng của nhiễm khuẩn hô hấp hay tình trạng sức khỏe không đảm bảo bởi lúc này sự kích thích hệ miễn dịch do tập luyện không có lợi ích gì mà còn làm nặng thêm tình trạng nhiễm khuẩn.

Trẻ mắc bệnh hen mức độ nặng, không nên tập luyện gắng sức. Những đối tượng này chỉ nên có các hoạt động thể chất mang tính vui chơi nhẹ nhàng, thư giãn và tập các bài tập thở. Các tình trạng hen mức độ nhẹ và trung bình nên tập vào những thời điểm không có biểu hiện triệu chứng và không hoạt động gắng sức với cường độ cao. Nếu trẻ có chỉ định dùng thuốc giãn phế quản dự phòng khi gắng sức thì cần dùng thuốc khoảng 15 phút trước khi chơi thể thao hoặc tham gia tập luyện và cần có sự giám sát của người lớn trong suốt thời gian tập.

Cần quan tâm chú ý đến môi trường tập luyện, môi trường không khí lạnh, gió nhiều hoặc trong phòng kín, thông khí kém, nhiều các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng mức độ khó thở do tập luyện.

Khởi động luôn có vai trò rất quan trọng, hãy cho trẻ khởi động khoảng 10-15 phút nhằm giúp cơ thể trẻ thích nghi dần với lượng vận động tập luyện.

Có thể tập ngắt quãng 2-3 phút với cường độ cao xen kẽ với các bài tập cường độ thấp/trung bình và 1-2 phút nghỉ giữa các bài tập. Có thể chia thành nhiều lần tập luyện với thời lượng mỗi lần ngắn hơn trong ngày.

Cần đa dạng hóa tối đa các hình thức hoạt động tập luyện nhằm cải thiện toàn diện về thể chất và làm cho việc tập luyện trở thành hình thức vui chơi thể thao phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Trẻ em theo bản năng luôn muốn được chạy nhảy, luôn có nhu cầu vui chơi hoạt động thể lực. Trong cuộc sống hiện đại, cơ giới hóa ngày nay, các hoạt động thể lực thông qua việc di chuyển đi lại, lao động, sinh hoạt ngày một bị thu hẹp. Cùng với yêu cầu về thời gian và áp lực học tập văn hóa khiến trẻ ngày càng thụ động và ngại hoạt động thể lực. Tình trạng này có thể là nguy cơ của nhiều vấn đề về sức khỏe ngay từ những năm tháng thơ ấu tới khi trưởng thành. Vì vậy, trong điều kiện cho phép, người lớn hãy khuyến khích và để cho trẻ được hoạt động thể lực theo nhu cầu và phù hợp với tính cá thể của mỗi trẻ.


TS. BS. Phạm Quang Thuận
Ý kiến của bạn
Tags: