Thời gian người bệnh chung sống “hòa bình” cùng bệnh ung thư ngày càng tăng nhờ những tiến bộ không ngừng của khoa học y sinh học trong việc chẩn đoán và điều trị. Mặc dù vậy, để duy trì trạng thái thể lực – dinh dưỡng tốt nhằm đương đầu với diễn biến của bệnh lý và các biến chứng, tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị như hóa chất, xạ trị lâu dài không phải là điều dễ dàng. Bệnh nhân mắc bệnh ung thư thường có tâm lý lo lắng, chán nản, buông xuôi, cùng với tình trạng mệt mỏi do dinh dưỡng kém hay do chính khối u nên càng ít chú ý hoạt động thể lực. Đồng thời từng tồn tại nhận thức cho rằng bệnh nhân ung thư nên nghỉ ngơi và giảm các hoạt động thể lực do gây đau, gây khó thở, mệt mỏi. Tuy nhiên, chính vì không hoặc ít hoạt động thể lực mà thực tế rất nhiều bệnh nhân buộc phải ngưng điều trị do thể trạng suy kiệt. Mặt khác, nhiều nghiên cứu chỉ ra mối tương quan giữa lối sống tĩnh tại, thừa cân – béo phì với các bệnh lý ung thư khác nhau, là nguyên nhân của ¼ các trường hợp mới mắc ung thư trên toàn thế giới. Như vậy, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác dụng của hoạt động thể lực không chỉ trong bảo vệ phòng chống một số bệnh ung thư mà còn có hiệu quả trong phối hợp điều trị và chăm sóc phục hồi bệnh.
Tác dụng của hoạt động thể lực hợp lý với sức khỏe người bệnh thể hiện ở tác động tích cực đến nhiều cơ chế sinh học ảnh hưởng đến sự phát triển và nguy cơ tái phát ung thư thông qua các cơ quan khác nhau trong cơ thể như các chức năng hô hấp, tiêu hóa, chuyển hóa, tình trạng miễn dịch, hormon, cân bằng năng lượng... Ít hoạt động thể lực dẫn tới giảm sức vóc, kém linh hoạt, tăng cân không có lợi, cũng như các rối loạn khác trong cơ thể.
Tập luyện giúp phòng chống ung thư
Lợi ích của hoạt động thể lực
Hô hấp: tăng trao đổi khí, giảm thể tích cặn tồn dư, nhờ đó làm giảm thời gian tế bào phổi tiếp xúc với các chất độc hại.
Tuần hoàn: cải thiện lưu lượng máu toàn thân và tại chỗ, nhất là hệ thống cơ, cải thiện chức năng tim mạch, vận động, dự phòng huyết khối.
Tiêu hóa: hoạt động thể lực tiêu hao năng lượng, vì vậy gián tiếp kích thích hệ tiêu hóa tăng cường chức năng, rút ngắn thời gian vận chuyển thức ăn qua dạ dày-ruột.
Hệ cơ xương khớp: tăng cường sức mạnh, sự dẻo dai, sự cân bằng, linh hoạt của cơ khớp, giúp người bệnh tự chủ trong các hoạt động, sinh hoạt cá nhân, giảm phụ thuộc vào sự trợ giúp của người khác.
Chuyển hóa năng lượng: tăng cường chuyển hóa, cân bằng năng lượng, giảm mô mỡ dự trữ, duy trì cân nặng hợp lý.
Hormon/các chất nội tiết: hoạt động thể lực tác động khác nhau đến các hormon sinh dục, insulin có tác dụng giảm nguy cơ ung thư vú, tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt, đại tràng.
Chức năng miễn dịch: những người mắc các bệnh miễn dịch di truyền hoặc thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ cao bị ung thư, hoạt động thể lực cải thiện chất lượng và số lượng các thành phần đặc hiệu trong hệ miễn dịch.
Tinh thần: tăng cường giải phóng các endorphin nội sinh, giúp giảm đau, tăng hưng phấn thần kinh, sự tự tin, giảm suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, trầm cảm. Cải thiện khả năng tự kiểm soát, giảm phụ thuộc, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các tác dụng khác: giảm mệt mỏi, giảm triệu chứng buồn nôn, nôn do bệnh lý hay do tác dụng phụ của liệu pháp điều trị.
Tập luyện như thế nào?
Hoạt động thể lực nhằm mục đích dự phòng khác rất nhiều so với mục đích điều trị và phục hồi chức năng trong bệnh lý ung thư. Khi tập luyện dự phòng, người tập có thể áp dụng tất cả các loại hình tập luyện khác nhau, tất nhiên tùy mỗi cá thể, tuổi, giới, tình trạng sức khỏe, thể hình chung cũng như mục đích tập luyện là để giảm cân, tăng cường sức mạnh, độ linh hoạt hệ cơ khớp hay cải thiện các chức năng của các hệ cơ quan khác nhau mà thực hiện bài tập với tần suất, cường độ, thời gian khác nhau.
Mục tiêu của hoạt động thể lực trong phối hợp điều trị và phục hồi chức năng bệnh ung thư là nhằm duy trì và nâng cao sức khỏe để tối ưu hóa khả năng đáp ứng của người bệnh với các liệu pháp điều trị, giảm triệu chứng của bệnh cũng như triệu chứng do tác dụng phụ của liệu pháp điều trị gây ra, giảm mệt mỏi.
Các dạng hoạt động thể lực: các hoạt động sử dụng các nhóm cơ lớn như đi bộ, đạp xe, bơi. Nên tránh các hoạt động chịu tải lớn như lên cầu thang, mang xách nặng... nhất là đối với những người thừa cân hoặc có bệnh lý cột sống thắt lưng, khớp gối, ung thư hệ xương, khớp, thần kinh gây đau đớn. Trong nhiều trường hợp người bệnh đau hoặc không thể di chuyển được có thể tập tại giường, ghế trong tư thế nằm hoặc ngồi bất cứ động tác, bộ phận cơ thể nào có thể. Cũng có thể thay thế việc tập luyện theo một dạng bài tập cố định nào đó dễ gây nhàm chán bằng những công việc hàng ngày hứng thú hơn như làm vườn, chăm sóc cây cảnh, động vật...
Tần suất hoạt động thể lực: hàng ngày nếu có thể.
Cường độ: tùy thuộc khả năng của mỗi cá nhân, cố gắng thực hiện tập từ đơn giản đến khó dần, từ cường độ thấp đến vừa và tới cao. Đối với những trường hợp mệt mỏi rõ rệt sau vận động nên giảm cường độ vận động về mức thấp hơn cho đến khi cảm thấy dễ chịu trong và sau khi tập.
Thời gian: điều chỉnh theo tình trạng bệnh, sức khỏe bệnh nhân, tuổi, tiền sử tập luyện trước đó. Thời gian tối thiểu từ 10-15 phút, trong trường hợp không đau, không khó thở khuyến cáo nên tập từ 30-60 phút. Thời điểm tập luyện tốt nhất là sau bữa sáng khoảng 1,5 giờ, sau giấc ngủ trưa. Không nên tập khi đói, quá gần giờ đi ngủ.
Những lưu ý khi luyện tập
Mức độ hoạt động thể lực tập luyện của người bệnh phụ thuộc vào chế độ điều trị, thuốc điều trị, khoảng thời gian từ lần điều trị trước đó và tình trạng sức khỏe, thể lực của người bệnh. Vì vậy, trong quá trình điều trị và tập luyện cần phối hợp với bác sĩ điều trị và chuyên gia vật lý trị liệu để điều chỉnh hoạt động thể lực cho phù hợp.
Đối với những bệnh nhân ung thư máu, ung thư phổi, những người suy nhược có số lượng hồng cầu, nồng độ hemoglobin máu thấp, do nhu cầu oxy cao khi hoạt động thể lực, nên cân nhắc loại hình vận động thích hợp như các bài tập thở, các bài tập yoga ít đòi hỏi vận dụng cơ lớn. Đề phòng nguy cơ nhiễm khuẩn đối với những người có số lượng bạch cầu thấp, nguy cơ va chạm chảy máu với những trường hợp có số lượng tiểu cầu thấp.
Môi trường tập luyện cũng cần được quan tâm thích đáng, tránh tập luyện ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, nơi tù túng thiếu trao đổi khí, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như độ ẩm cao, quá nóng, quá lạnh hay gió quá mạnh. Những người bị suy giảm miễn dịch, có lở loét ở da nên tránh tập luyện dưới nước.
Hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nghiên cứu về mức độ hoạt động thế nào là “vừa đủ”. Về cơ bản, phương pháp tự theo dõi đánh giá của người bệnh thông qua mức độ khó thở, tần số tim được sử dụng gần đây và tương đối khách quan.
Những bằng chứng qua các nghiên cứu đến nay cho thấy, các hoạt động thông thường tại nhà, nơi làm việc, hoặc tập luyện đều đặn các môn thể thao tùy theo tần suất, cường độ và thời gian hoạt động có thể làm giảm 20-60% nguy cơ ung thư đại tràng, 30-50% nguy cơ ung thư vú, cũng như có tác dụng với các nguy cơ ung thư cổ tử cung, phổi, tuyến tiền liệt. Mặt khác, đối với những người bệnh ung thư, hoạt động thể lực phù hợp không những không gây mệt mỏi mà còn giúp tăng cường thể chất, cải thiện cơ lực, sức vóc, khả năng dung nạp thuốc, giảm được các triệu chứng của bệnh/tác dụng phụ của liệu pháp điều trị và tăng cơ hội phục hồi, giảm nguy cơ tái phát, giúp người bệnh thoải mái, tự tin và thêm yêu cuộc sống.