Hà Nội

Tập luyện khí công chữa di chứng đột quỵ

SKĐS - Đột quỵ, thuộc phạm vi chứng Trúng phong trong Đông y, là một trong những căn bệnh nguy hiểm và thường để lại di chứng nặng nề.

Để khắc phục di chứng đột quỵ, việc sử dụng các biện pháp của Đông y như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... là hết sức hữu ích, trong đó còn có việc tập luyện khí công. Bài viết này xin được giới thiệu một quy trình cụ thể để độc giả tham khảo và vận dụng khi cần thiết trong hoàn cảnh phù hợp.

Bước 1: Tiến hành xoa bóp toàn thân, nhất là bên liệt khoảng 15 phút, giúp người bệnh vận động co và duỗi các chi thể. Nếu có thể chủ động vận động được thì làm tiếp các động tác sau:

- Nằm ngửa, hai bàn tay nắm chặt lại, cánh tay và đùi thay nhau co duỗi.

- Tập tự ngồi dậy, ban đầu có sự trợ giúp, sau đó tự tập ngồi dậy.

- Ngồi dậy, nâng chân và giẫm chân tại chỗ 10-15 lần.

- Chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng, tựa vào mép giường hoặc thành ghế đứng dậy.

- Giẫm chân tại chỗ 10-15 lần.

- Hai chân thay thế nhau nâng lên một lát 10 lần.

- Dựa vào thành giường hoặc ghế mà bước đi. Dần dần tập đi chống gậy rồi tiến tới độc lập tự đi được.

- Tiếp tục tập bước lên hoặc xuống các bậc thang gác hoặc đi bộ cự ly ngắn.

- Tay tập viết chữ, nắm bóp quả cầu nhỏ.

- Tập ngồi xổm rồi đứng dậy.

Tập luyện khí công giúp hạn chế di chứng đột quỵ.

Tập luyện khí công giúp hạn chế di chứng đột quỵ.

Các thao tác trên đây lựa chọn tập lần lượt và tiến tới tùy theo mức độ phục hồi của bệnh nhân và tuân thủ nguyên tắc từ dễ đến khó, từ nhiều đến ít, từ dài đến ngắn, không nóng vội và bỏ qua giai đoạn.

Bước 2: Tập luyện Phóng tùng công, công pháp thuộc Tịnh công, lấy việc thư giãn thần kinh, thả lỏng cơ thể, hơi thở điều hòa tự nhiên, niệm chữ “lỏng” và thể nghiệm, quan sát cảm giác thả lỏng. Trước khi luyện khí công hãy chia thân thể thành hai bên là tiền diện, hậu diện và 3 đường (tuyến).

Tuyến 1- (2 bên): Hai bên đầu → hai bên cổ → vai → cánh tay → khớp khuỷu → cẳng tay → khớp cổ tay → hai bàn tay → mười ngón tay.

Tuyến 2 – (tiền diện = mặt trước): Mặt → cổ → ngực → bụng → khớp gối → hai cẳng chân → mười ngón chân.

Tuyến 3 (hậu diện = mặt sau): Sau đầu → sau cổ → eo lưng → mặt sau hai đùi → hai bụng chân → hai bàn chân (mặt dưới).

Sau khi nắm vững ba tuyến mới bắt đầu luyện tập. Dùng tư thế ngồi hoặc nằm. Trước tiên chú ý vào một bộ vị, sau mới niệm chữ “lỏng”. Lại chú ý đến dưới một bộ vị và niệm chữ “lỏng”. Bắt đầu tập luyện từ tuyến 1 theo thứ tự từ trên xuống dưới, thả lỏng từng bộ phận làm cho thư giãn. Tuyến 1 thả lỏng xong thì làm tiếp tuyến 2 rồi đến tuyến 3 xong đến bộ vị sau cùng thì nghỉ 1-2 phút. Sau khi thả lỏng cả ba tuyến thì ý thủ tại rốn trong 3-4 phút. Công pháp này có thể luyện khoảng 3 vòng, mỗi ngày 1 lần.


ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn