Tập luyện giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị mòn răng

12-10-2024 18:09 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mòn răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Răng bị mòn nhiều có thể làm lộ lớp ngà răng gây ê buốt, vì vậy dễ gặp cảm giác ê buốt răng ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng ăn nhai...

1. Vai trò của tập luyện trong phòng và hỗ trợ điều trị mòn răng

Mòn răng gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Khi bị mòn răng, hệ thống cơ nhai phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến hiện tượng co thắt cơ nhai, lâu ngày sẽ dẫn đến tổn thương khớp hàm.

Khi men răng bị mài mòn, đến một mức độ nào đó sẽ gây tổn thương cho ngà răng. Khi đó, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập, tấn công vào cấu trúc răng gây nên các vấn đề như sâu răng. Nghiêm trọng hơn, tủy răng cũng sẽ bị ảnh hưởng dẫn tới viêm tủy, chết tủy răng.

Hơn nữa mòn răng còn khiến cho chức năng nhai giảm. Khi giảm khả năng ăn nhai như nghiền và cắt thức ăn dễ dẫn đến bệnh lý tiêu hóa.

Tập luyện giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị mòn răng- Ảnh 1.

Tập Yoga giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen tập thể dục ít nhất 15 phút mỗi ngày như đi bộ, đạp xe, Yoga… giúp:

- Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

- Kích thích hệ tiêu hóa và sản sinh vi khuẩn có lợi trong đường ruột, hỗ trợ điều hòa đường ruột giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa hiệu quả.

Tập thể dục kết hợp cùng vệ sinh răng miệng giúp phòng ngừa tối đa mắc các bệnh lý đường tiêu hóa - hệ lụy do mòn răng gây ra.

2. Những bài giúp hỗ trợ điều trị những hệ lụy do mòn răng gây ra

2.1. Bài tập hỗ trợ điều trị bệnh lý đường tiêu hóa giúp ngừa mòn răng

Những bài tập cho người bị mòn răng là những bài tập có tác dụng hỗ trợ điều trị những hệ lụy do mòn răng gây ra như: co thắt cơ nhai, tổn thương khớp hàm cũng như bệnh lý đường tiêu hóa,...

Đi bộ giúp cải thiện tiêu hóa

Đi bộ sau bữa ăn 10 phút giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Đi bộ hỗ trợ tiêu hóa bằng cách thúc đẩy sự di chuyển của thức ăn qua hệ thống tiêu hóa, ngăn ngừa chứng khó tiêu và đầy hơi bằng cách kích thích các cơ của đường tiêu hóa.

Tập luyện giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị mòn răng- Ảnh 2.

Đi bộ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Đạp xe giúp tăng cường nhu động ruột

Đạp xe là một loại bài tập aerobic giúp tăng tốc nhịp thở và nhịp tim, giúp kích thích sự co bóp của cơ ruột. Điều này sẽ ngăn chặn cảm giác trướng bụng và giúp cải thiện nhu động ruột.

Đạp xe còn giúp tăng cường hoạt động cơ bắp, đặc biệt là các cơ bụng. Khi đạp xe, cơ bụng co bóp liên tục, giúp kích thích quá trình tiêu hóa và thúc đẩy sự di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa. Điều này giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng.

Tập luyện giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị mòn răng- Ảnh 3.

Đạp xe giúp kích thích tiêu hóa.

Tập luyện Yoga tốt cho hệ tiêu hoá

Các tư thế Yoga giúp tăng cường và làm căng vùng bụng, hỗ trợ cơ quan tiêu hoá tốt hơn. Nhiều tư thế đòi hỏi sự chuyển động nhanh, gấp và kéo dài, vặn xoắn vùng bụng giúp cải thiện tình trạng lưu thông máu tốt hơn. Đồng thời tạo ra sự co bóp và giải phóng các cơ quan để hỗ trợ cải thiện chức năng tiêu hóa, kích thích loại bỏ độc tố hiệu quả.

2.2. Bài tập hỗ trợ giảm co thắt cơ nhai, tổn thương khớp hàm - hậu quả do mòn răng

Bài tập thư giãn hàm:

Để đầu lưỡi nhẹ nhàng lên vòm họng phía sau răng cửa hàm trên.

Há miệng nhẹ nhàng trong lúc cơ hàm thư giãn, đầu lưỡi vẫn giữ vị trí chạm mặt trong răng cửa hàm trên.

Thực hiện động tác này 6 lần trong một lần tập.

Thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.

Tập luyện giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị mòn răng- Ảnh 4.

Bài tập thư giãn hàm.

Bài tập chuyển động hàm sàng hai bên

Bài tập chuyển động hàm làm tăng tính di động cho khớp thái dương hàm đồng thời giúp thư giãn, giảm đau, giảm căng cứng các vùng cơ xung quanh. Bạn có thể cải thiện khả năng cử động của khớp hàm với các động tác như sau:

Đặt một vật có độ dày khoảng 1cm giữa răng cửa của hai hàm như que đè lưỡi xếp chồng lên nhau hoặc cục cắn bằng silicone.

Từ từ di chuyển hàm từ bên này sang bên kia.

Giữ nguyên 2 - 3 giây ở cuối mỗi chuyển động.

Lặp lại 10 lần cho mỗi bên (bạn có thể tăng độ dày của vật đặt giữa hai hàm mở rộng phạm vi hoạt động của khớp thái dương hàm).

Tập luyện giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị mòn răng- Ảnh 5.

Bài tập chuyển động hàm làm tăng tính di động cho khớp thái dương hàm.

Bài tập chuyển động hàm về phía trước

Các động tác chuyển động hàm về phía trước cũng mang lại nhiều lợi ích cho khớp thái dương hàm như bài tập chuyển động hàm sang hai bên với cách thực hiện khá giống nhau:

Đặt một vật có độ dày khoảng 1cm giữa răng cửa của hai hàm như que đè lưỡi xếp chồng lên nhau hoặc cục cắn bằng silicone.

Từ từ di chuyển hàm dưới về phía trước để răng hàm dưới ở phía trước răng hàm trên.

Giữ 2 - 3 giây ở cuối mỗi chuyển động.

Lặp lại 10 lần (có thể tăng độ dày của vật đặt giữa hai hàm mở rộng phạm vi hoạt động của khớp thái dương hàm).

Tập luyện giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị mòn răng- Ảnh 6.

Bài tập chuyển động hàm về phía trước giúp tăng tính di động cho khớp thái dương hàm.

3. Những lưu ý khi tập luyện

3.1. Tuyệt đối không tập luyện lúc đói bụng

Nên có một bữa ăn nhẹ trước khi tập thể dục khoảng 30 - 45 phút để cơ thể có thời gian tạo năng lượng giúp kích thích quá trình đốt cháy mỡ thừa khi tập luyện.

3.2. Không được tập luyện ngay sau bữa ăn

Tập thể dục ngay sau bữa ăn gây ảnh hưởng không tốt cho dạ dày từ đó sinh ra hiện tượng đau tức bụng.

3.3. Không chọn thời điểm tập luyện quá sớm

Sáng khi trời còn chưa hửng là thời điểm cây xanh vẫn thải khí CO2 và hít O2 nên nếu tập thể dục vào thời điểm này bạn sẽ dễ bị khó thở, mệt mỏi, không kéo dài được bài tập.

3.4. Thời lượng tập luyện hợp lý

Thời gian tập thể dục trung bình nên duy trì 30 - 45 phút/buổi tập là hợp lý nhất.

3.5. Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể khi tập luyện

Khi tập thể dục cần chú ý uống nước để đảm bảo sao cho suốt quá trình tập luyện không cảm thấy khát nước.


BS. Nguyễn Thị Hằng
Ý kiến của bạn