Hà Nội

Tập luyện để giảm đau xương khớp

15-12-2015 08:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thoái hóa khớp, viêm khớp, bệnh khớp... là một loại bệnh mạn tính, thường phát sinh sau tuổi trung niên. Từ tuổi trung niên trở đi ít nhiều chúng ta thường thấy chân tay mình ít nhiều ê ẩm, đặc biệt ở các khớp quan trọng như cổ, eo, hông gối, cổ chân và tay... Các chuyên gia y tế cho rằng, luyện tập giảm đau khớp quan trọng hơn cả phẫu thuật khớp và tránh được tác dụng không mong muốn của thuốc giảm đau chống viêm.

Nguyên nhân và tác dụng của tập luyện

Khi lớn tuổi, xương sụn trên mặt khớp suy thoái dần, mềm, yếu và tính đàn hồi kém đi. Các khớp bắt đầu đau. Bệnh phát từ từ, lúc đầu chỉ thấy khớp cứng, sau khởi động sẽ đỡ đau nhưng lúc vận động nhiều lại thấy đau, nghỉ ngơi đỡ đau. Sau đó đau tăng dần lên, đau diễn biến thành từng đợt, hết đợt có thể hết đau sau đó tái phát đợt khác, hoạt động rất hạn chế, miễn cưỡng, đau nhức thật khó chịu. Đây cũng là căn bệnh được nói đến đa chiều, thuốc vô hiệu không ít và cách điều trị bệnh cũng nhiều. Đó là bệnh do biến đổi sinh lý bình thường theo lứa tuổi, không ai có thể tránh được, chỉ có khác ở chỗ bệnh nặng hay nhẹ, sớm hay muộn là do lao động, sinh hoạt, tập luyện và mức thích ứng của từng người khác nhau. Tuy vậy nhờ vào kiên trì tập luyện, vận động hợp lý mà các màng hoạt dịch khớp linh hoạt, các dây chằng bao khớp vững, các cơ không bị teo mà co duỗi, đàn hồi tốt, bệnh nhẹ dần, ít tái phát, thậm chí không đau nữa.

Tập luyện thường xuyên không chỉ cải thiện sức mạnh của cơ xương khớp, cải thiện chất lượng của sụn khớp, phòng ngừa xốp xương, loãng xương mà còn giúp giảm cân, từ đó giảm trọng tải lên khớp.

Duy trì thói quen tập luyện thường xuyên giúp giảm đau xương khớp.    Ảnh: Trần Minh

Hình thức tập luyện nào là phù hợp?

Người bị bệnh về khớp nên coi trọng vận động toàn diện như đi bộ, đạp xe, tập thái cực quyền, cầu lông, bóng bàn, khiêu vũ... tuy nhiên mỗi một hình thức tập đều có những ưu, khuyết điểm riêng.

Đi bộ an toàn hầu hết cho người bệnh khớp, dễ thực hiện, trong quá trình đi bộ, sự co duỗi ở khớp gối cơ bản trên một trục thẳng, biên độ vận động không lớn, sự ma sát ở các khớp không mạnh phòng chống được các suy thoái khớp. Tuy vậy, khi đi bộ, một số khớp trọng điểm ở các vị trí hông, gối và mắt cá chân thường bị đau, không phù hợp với người bị thoái hóa khớp nặng.

Đạp xe là hình thức tập luyện hiệu quả giúp kích thích các nhóm cơ lớn ở chân, khi đó các cơ được vận động tối đa mà ít gây trọng tải lên các khớp nhưng đạp xe ngoài trời vị trí của yên xe khi duỗi gối hết mức phải thẳng chân đòi hỏi khả năng giữ thăng bằng và tay lái phản xạ nhạy bén.

Tập thái cực quyền: là hình thức vận động một chỗ nhưng là vận động toàn thân, các động tác áp đùi, giãn hông, gập eo duy trì tính linh hoạt của khớp. Mỗi động tác chậm, nhẹ, nhịp nhàng, thở sâu làm cho khí huyết lưu thông, hệ thần kinh thư thái giúp giảm đau. Tuy nhiên tập thái cực quyền khi phải co khom gối và hông quá mức gây trở ngại cho khớp gối, quá trình tập luyện rất dễ bị gián đoạn.

Máy đi bộ: là hình thức dễ sử dụng, có thể điều chỉnh tốc độ, chuyển động trên một bề mặt bằng phẳng, tránh được vấp ngã. Tuy nhiên khi thể lực giảm, khớp cứng, cảm giác kém mà tập luyện trên máy đi bộ đòi hỏi cần giữ thăng bằng tốt yêu cầu máy phải đủ độ dài, độ rộng, có tay vịn dọc theo hai bên.

Khiêu vũ: các nghiên cứu cho thấy khiêu vũ với mức độ vừa phải giúp cho các cơ và dây chằng - cử động của các khớp dẻo dai, linh hoạt; cải thiện chất lượng của sụn khớp gối. Khiêu vũ đều đặn giúp giảm cân, từ đó giảm trọng tải lên khớp, giảm đau, giảm bệnh và chống trầm cảm. Tuy nhiên hình thức tập luyện này nguy cơ chấn thương cao.

Hiểu về bệnh để dự phòng và kiên trì tập luyện

Nhiều khi chúng ta bị đau nhức, mỏi lưng, đau gối khi có áp thấp nhiệt đới hay trời trở lạnh. Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt của dịch khớp, sự kết tủa của muối, thay đổi nồng độ hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch. Chính sự thay đổi nội môi này góp phần làm xuất hiện các đợt đau xương khớp. Một bằng chứng là khi trời trở lạnh thì các khớp trở nên cứng hơn, đau hơn, vận động trở nên kém linh hoạt. Nói điều này để thấy các yếu tố môi trường, khí hậu bên ngoài cộng với yếu tố nội sinh trong cơ thể, tâm lý “khi trở trời” cũng ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh lý xương khớp. Hiểu về bệnh  để dự phòng và hình thành thói quen tập luyện thường xuyên có thể tránh và giảm đau khớp đáng kể. Hơn nữa, nếu tập luyện sớm khi còn trẻ, sẽ làm cho xương khớp thích ứng với mọi sự thay đổi, tăng sức cơ, tăng sức ép lên các yếu tố thần kinh cơ, duy trì cân nặng, tối ưu hóa lực đè ép lên khớp.

Khi bắt đầu tập luyện, sẽ có cảm giác tình trạng đau tăng lên. Tuy nhiên tình trạng đau sẽ giảm dần sau khi tập và không tăng theo thời gian. Khi khớp bị sưng đau, có thể chườm nóng và nghỉ ngơi. Chờ khỏi đau, hết sưng đỏ hãy tập lại chỗ đó, mặt khác vẫn nên tập luyện với cường độ thấp ở các khớp riêng lẻ là những bộ phận không đau, kiên trì tập luyện, đừng bỏ cuộc. Nếu phải phẫu thuật khớp, vẫn nên tập luyện lại từ từ theo sự hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng.


BS. Đinh Gia Hòa
Ý kiến của bạn