Tập luyện cho người bệnh lao phổi cần lưu ý gì?

18-03-2024 09:21 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Việc luyện tập thể dục thể thao góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp kiểm soát bệnh lao phổi và phục hồi những tổn thương do di chứng bệnh để lại.

Người bệnh lao phổi ngoài việc tuân thủ điều trị thì chế độ dinh dưỡng và vận động tập luyện cũng rất quan trọng trong hỗ trợ điều trị bệnh.

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh lao phổi

Lao phổi là bệnh lý còn gặp nhiều ở nước ta. Người mắc bệnh lao phổi nếu được chẩn đoán sớm, tuân thủ đúng và đầy đủ phác đồ điều trị bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Đối với người mắc bệnh lao phổi, việc tập thể dục sẽ giúp cải thiện được nhịp thở, tăng mức năng lượng, giảm căng thẳng và stress hiệu quả. 

Ngoài ra, tập thể dục còn giúp cải thiện hệ tim mạch và tuần hoàn, từ đó cải thiện sức khỏe nói chung về mặt tâm lý và thể lực.

Tuy nhiên, người bệnh lao phổi nên lựa chọn cho mình những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp. Nếu thực hiện chế độ tập luyện quá nặng hay tập luyện trong một môi trường không phù hợp sẽ gia tăng nguy cơ khiến cho bệnh trở nên nặng hơn.

2. Khi đang bị lao phổi có được tập thể dục không?

Phổi là nơi trao đổi oxy và cacbonic giữa cơ thể với môi trường bên ngoài để duy trì sự sống. Oxy do phổi hấp thụ được máu vận chuyển đến cơ để tạo ra năng lượng cho quá trình vận cơ. Trong khi tập luyện, quá trình trao đổi chất của cơ thể tăng cao, phổi và tim phải tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ bắp. Do đó, bất kỳ bệnh lý hay tổn thương nào ở phổi cũng có thể ảnh thưởng đến chức năng hô hấp của phổi và khả năng vận động của cơ thể.

Lao phổi cũng như các bệnh lý hô hấp mạn tính khác cơ bản được khuyến cáo cần vận động tập luyện kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng hô hấp và nâng cao sức khỏe thể chất chung. Tuy nhiên, những người đang mắc lao cấp tính, sốt, ho ra máu, phổi có hang lao sẽ không được chỉ định vật lý trị liệu và tập luyện thể chất, ngay cả tập thở cũng cần thận trọng theo chỉ định của bác sĩ.

Những bệnh nhân lao đang trong giai đoạn điều trị tấn công (khoảng 2 tháng đầu) và không có biểu hiện cấp tính cũng chỉ nên tập thở nhẹ nhàng, các bài tập thể dục toàn thân, đi bộ chậm, tránh tập nặng, tập các môn cường độ cao, đòi hỏi nhiều thể lực.

Khi kết thúc điều trị tấn công chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì, bệnh nhân không sốt, hết ho, hết khạc đờm, không thấy mệt mỏi nhiều, có thể bắt đầu tập luyện thể lực, vật lý trị liệu, vận động trị liệu và hồi phục chức năng.

Tập luyện cho người bệnh lao phổi cần lưu ý gì?- Ảnh 1.

Tập yoga giúp người bệnh lao phổi sớm phục hồi chức năng hô hấp.

3. Tập luyện như thế nào phù hợp với người bệnh lao phổi?

Triệu chứng điển hình của những người mắc các bệnh lý hô hấp mạn tính nói chung và người mắc bệnh lao phổi nói riêng là biểu hiện khó thở do tình trạng tắc nghẽn mạn tính đường thở và tăng tính đáp ứng của đường thở đối với nhiều kích thích khác nhau, đặc biệt là các hoạt động gắng sức. Điều đó làm giảm sút khả năng hoạt động thể lực, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Vì vậy, phục hồi chức năng hô hấp thông qua các phương pháp tập thở, các bài tập vận động phù hợp sẽ góp phần nâng cao khả năng hoạt động thể lực, cải thiện thông khí hô hấp, giảm bớt tình trạng khó thở chung và khó thở gây ra do gắng sức.

Trong giai đoạn bệnh lao phổi còn nguy cơ lây nhiễm, cần cách ly hay hạn chế tiếp xúc, người bệnh nên chọn địa điểm tập luyện đảm bảo an toàn, có thể tập luyện tại nhà hay những nơi có không gian thoáng đãng, tránh những nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

Những hoạt động thể chất đơn giản tại nhà bao gồm các bài tập thở, tập yoga, tập đi bộ trong nhà, lên xuống cầu thang, nhảy dây, đạp xe tại chỗ, các bài tập thể dục toàn thân hoặc các bộ phận cơ thể, các bài tập với những dụng cụ đơn giản như tạ tay, dây chun, xà…. Hay đơn giản chỉ là thực hiện các công việc sinh hoạt cá nhân, lau nhà, làm vườn, tưới cây…. hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu vận động tập luyện của mỗi người mà không đòi hỏi không gian quá rộng hay phải trang bị những phương tiện tập luyện phức tạp, đắt tiền.

Trong giai đoạn điều trị duy trì, bệnh ổn định, thể trạng hồi phục, người bệnh có thể tăng cường khối lượng và cường độ tập luyện theo khả năng của cơ thể.

Tập luyện cho người bệnh lao phổi cần lưu ý gì?- Ảnh 2.

Các bài tập sức bền như aerobic cũng giúp người bệnh lao phổi phục hồi chức năng hô hấp.

- Các bài tập sức bền (aerobic, đi bộ, chạy chậm, đạp xe, bơi…) là trọng tâm của chương trình vận động phục hồi chức năng hô hấp, là cách tốt nhất để tăng cường khả năng chịu đựng của hệ tuần hoàn - hô hấp.

- Các bài tập sức mạnh, tăng cơ lực (nâng tạ, chống đẩy, tập xà…) có tác dụng hỗ trợ nâng cao năng lực gắng sức.

- Các bài tập tăng cơ lực cơ thân, chi trên như cơ thang, cơ rộng lưng, cơ nhị đầu, tam đầu cánh tay, các cơ ngực, cơ vai, cơ liên sườn… phối hợp với các bài tập thở vừa giúp tăng cơ lực vừa có tác dụng tăng thông khí nhờ tăng hoạt động của các cơ hô hấp và sự giãn nở của lồng ngực.

Mỗi bài tập nên thực hiện 8 - 12 lần trong 2 - 3 lượt với cường độ khoảng 50 - 70% khả năng tối đa mà người tập có thể thực hiện.

- Các bài tập cử động vùng cổ, vai, ngực, đùi giúp tăng độ dẻo dai được lồng ghép xen kẽ trong mỗi buổi tập. Các bài tập tăng lực cơ chi dưới ít tác động trực tiếp đến chức năng hô hấp, nhưng cũng góp phần nâng cao năng lực thể chất chung.

4. Lưu ý khi tập luyện

Đảm bảo tuân thủ đúng các nguyên tắc vệ sinh an toàn tập luyện.

- Tuần tự tăng dần: Tập từ dễ, đơn giản đến khó, phức tạp. Tăng dần khối lượng, cường độ tập luyện một cách thích hợp. Người tập có thể gián tiếp đánh giá cường độ vận động của bản thân dựa trên mức độ khó thở trong khi tập.

Luyện tập với cường độ cao gây ra những thay đổi đáng kể về sinh lý và thể chất, do đó đem lại hiệu quả tốt hơn, đặc biệt khi việc luyện tập ở cường độ gần với ngưỡng gây khó thở. Tất cả các hoạt động không gây kiệt sức được đánh giá là luôn có lợi cho bệnh.

Tuy nhiên, tập luyện ở cường độ thấp cũng có thể đạt được sự cải thiện đáng kể về triệu chứng giúp dễ dàng thực hiện công việc, sinh hoạt và tuân thủ điều trị, gia tăng chất lượng cuộc sống.

Đối với những người mới tập nên bắt đầu với cường độ thấp. Có thể tập ngắt quãng 2 - 3 phút tập cường độ cao xen kẽ 1 - 2 phút cường độ thấp hoặc nghỉ ngơi mà vẫn có tác dụng tương đương.

- Tập luyện một cách hệ thống: Xây dựng thói quen vận động tập luyện như một nhu cầu thiết yếu. Việc tập luyện cần kiên trì, đều đặn.

- Phương pháp tập luyện phải phù hợp với đặc điểm hình thể, sức khỏe của người tập, mỗi giai đoạn của bệnh. Không tập luyện trong đợt cấp tính hoặc phải có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt trong việc phối hợp thuốc điều trị.

- Kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý: Thời gian tập luyện phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể. Không nên quá sớm, hoặc quá muộn trong ngày; quá xa hoặc quá gần bữa ăn chính (2 giờ sau bữa ăn chính là thích hợp nhất). Trang phục cá nhân phải tiện lợi, đảm bảo phù hợp với thời tiết khí hậu.

- Môi trường tập luyện thông thoáng, không khí trong lành: Tập ngoài trời phải đảm bảo thời tiết, nhiệt độ, nắng, gió ôn hòa.

-Tuân thủ chế độ kiểm tra sức khỏe, đánh giá chức năng trước và trong quá trình luyện tập để giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra trong khi tập cũng như đảm bảo việc xây dựng chương trình tập luyện phù hợp và thuận lợi cho việc đánh giá kết quả luyện tập. Một số chỉ số người bệnh có thể được hướng dẫn tự đánh giá như tần số tim (mạch), mức độ khó thở, mức độ gắng sức…

Lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền và cách điều trịLao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền và cách điều trị

SKĐS - Lao phổi là thể bệnh hay gặp nhất. Nguồn lây bệnh lao cho người lành chủ yếu là người bệnh mắc lao phổi, đặc biệt là người bệnh có vi khuẩn tìm thấy được bằng xét nghiệm đờm soi kính trực tiếp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Xẹp phổi, vôi hóa màng phổi - di chứng nặng nề của lao phổi.


TS. BS. Phạm Quang Thuận
Bệnh viện Thể thao Việt Nam
Ý kiến của bạn