Trong thời gian 2 ngày các học viên được truyền đạt kiến thức về tình hình sốt rét (SR) và SR kháng thuốc tại Việt Nam; chẩn đoán SR; hướng dẫn sử dụng và bảo quản kiểm tra chẩn đoán nhanh; hướng dẫn sử dụng biểu mẫu báo cáo y tế tư nhân; vai trò và trách nhiệm của y tế tư nhân. Kết thúc khóa học, học viên sẽ được kiểm tra đánh giá và cấp chứng chỉ.
Đây là hoạt động của Dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ SR kháng thuốc artemisinin giai đoạn 2018-2020 nhằm hỗ trợ công tác phòng chống và loại trừ bệnh SR ở Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng. Qua đó góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh SR ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 1920/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/10/2011. Trong đó mục tiêu chung đến năm 2010 khống chế tỷ lệ người dân mắc bệnh SR dưới 0,15/1000; tỷ lệ người dân chết do bệnh SR dưới 0,02/100.000; không còn tỉnh nào trong giai đoạn PCSR tích cực; 40 tỉnh trong giai đoạn đề phòng bệnh SR quay trở lại; 15 tỉnh trong giai đoạn loại trừ SR và 8 tỉnh trong giai đoạn tiền loại trừ bệnh SR vào năm 2020.
Trước đó tại Hội nghị giao ban ngành y tế 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018.Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay bệnh SR có 1.089 ca, tăng 50,4% (chủ yếu trong 6 tháng đầu năm) so với cùng kỳ, trong đó có 1 ca tử vong. Số ca mắc SR tập trung nhiều ở các huyện: Bù Gia Mập 729 ca, chiếm 67,8% số ca mắc chung của tỉnh; Bù Đốp 100 ca, Lộc Ninh 92 ca và Bù Đăng 74 ca. Tại 3 xã trọng điểm về SR (2 xã Đăk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng) có tổng số ca mắc là 531, chiếm 49,4% số ca mắc chung toàn tỉnh và tăng 33% so cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, có đến 180 ca mắc SR ngoại lai từ nước khác và tỉnh khác đến, như: 168 ca mắc SR từ Campuchia, Đắk Nông 8 ca và Lâm Đồng 4 ca. Đánh giá của ngành y tế cho thấy, SR kháng thuốc tại Bình Phước không phải giờ mới có mà được theo dõi từ năm 2009 đến nay. Diễn biến tình hình sốt rét vào quý 4/2017 và quý 1/2018 có gia tăng nhưng sang quý 2/2018 đã giảm số ca mắc mới so với quý trước. Cũng trong giai đoạn này, SR không chỉ tăng ở Bình Phước mà còn ở một số tỉnh khác (các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, một số tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ).
Để khống chế tình hình SR, trong những tháng cuối năm nay, ngành y tế tiếp tục triển khai các hoạt động PCSR trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể: lập kế hoạch thường xuyên phát hiện chủ động can thiệp bệnh SR cho 3 xã vùng SR nặng; tăng cường giám sát công tác phát hiện và điều trị chuẩn ca bệnh SR tại bệnh viện huyện, thị và trạm y tế xã, phường; tuyến y tế cơ sở chủ động tầm soát để phát hiện và điều trị bệnh nhân sốt rét đúng theo phác đồ quy định; cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư... đầy đủ, kịp thời đến tất cả tuyến cơ sở nhằm hỗ trợ triển khai tốt các hoạt động PCSR. Đồng thời tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe PCSR cho cộng đồng, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng đi làm rừng, rẫy, làm thuê theo thời vụ và mới đến định canh tại các rẫy hoặc bìa rừng...