TP Hồ Chí Minh: Bệnh sốt xuất huyết tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021

30-05-2022 16:03 | Y tế
google news

Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 10.000 ca sốt xuất huyết, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó số ca nặng tăng 7 lần và có 7 trường hợp tử vong. Thông tin được đưa ra tại Lễ Phát động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 12 năm 2022, tổ chức ngày 30/5.

TP Hồ Chí Minh: Bệnh sốt xuất huyết tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021 ​ - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố đang có diễn biến phức tạp. Số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng từ đầu tháng 4/2022 và tăng mạnh từ đầu tháng 5/2022 đến nay. Các địa phương có số ca mắc tăng cao gồm: huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Quận 12, quận Tân Phú…

Sở Y tế dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp trong thời gian tới do Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ đang "bước sâu" vào mùa mưa. Cùng với việc tập huấn chuyên môn cho đội ngũ nhân viên, Sở Y tế Thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện. Đồng thời, Sở đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết để dịch bệnh lây lan tại địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức quán triệt tinh thần “Quyết liệt - Thực chất - Rốt ráo” trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo sâu sát hơn công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết để giảm thiểu tối đa số ca mắc và tử vong trên địa bàn; đồng thời đánh giá đúng, đầy đủ, toàn diện những yếu tố nguy cơ đặc thù trên địa bàn từ cấp xã đến huyện để có những giải pháp phù hợp; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết.

Một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống sốt xuất huyết, theo ông Dương Anh Đức là phát động chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi ngay chính nơi mình làm việc, sinh sống. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không để tồn tại vật chứa có nguy cơ đọng nước tại nơi làm việc. Phó Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân để dịch bệnh không tiếp tục gây tổn hại về sức khỏe, đời sống của người dân.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 96 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết với 500.000 trường hợp nặng cần nhập viện và khoảng 12.500 trường hợp tử vong. Hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” thể hiện mạnh mẽ sự cam kết chung của cộng đồng 11 nước thành viên với quyết tâm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có sốt xuất huyết.

Cảnh báo trẻ mắc sốt xuất huyết hạ sốt nhưng có thể diễn biến nguy hiểmCảnh báo trẻ mắc sốt xuất huyết hạ sốt nhưng có thể diễn biến nguy hiểm

SKĐS - Ngày 27/5, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đã liên tiếp cấp cứu 2 trường hợp trẻ nhũ nhi sốc sốt xuất huyết nặng chỉ trong 1 đêm. Hai bé đều dưới 1 tuổi và đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch.


Đinh Hằng (Theo TTXVN)
Ý kiến của bạn