Hà Nội

Tập huấn kỹ năng truyền thông giảm thiểu số ca mắc bệnh Thalassemia

25-10-2023 16:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngày 25/10, Chi cục Dân số - KHHGĐ Nghệ An phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông giảm thiểu bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) năm 2023.

Tham dự Hội nghị có BSCKI Phan Văn Huê - Phó Chi cục trưởng; đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu và toàn bộ viên chức dân số huyện, xã, thị trấn cùng các nhân viên Y tế, CTV dân số thôn, bản, xóm đóng trên địa bàn huyện.

Thông qua Hội nghị, các báo cáo viên hướng tới mục tiêu: Giảm số ca phù thai do bệnh Thalassemia, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân hiện tại. Đây là hoạt động nằm trong chương trình phòng, chống bệnh Thalassemia thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua chương trình này, nhằm cung cấp thông tin cơ bản về bệnh Thalassemia giúp cho viên chức dân số cấp huyện và xã, cộng tác viên Y tế - Dân số thôn, bản kỹ năng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình tại đơn vị công tác.

Tập huấn kỹ năng truyền thông giảm thiểu số ca mắc bệnh Thalassemia- Ảnh 1.

Tập huấn kỹ năng cho các CTV dân số.

Các hoạt động phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là bước tiến quan trọng trên chặng đường đẩy lùi bệnh Thalassemia. Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh (Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An) được lựa chọn triển khai thí điểm trong giai đoạn 1 của chương trình.

Đây là nội dung nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong dự án 7 Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Thalassemia là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Là một trong những căn bệnh đã và đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến giống nòi. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi có hiểu biết đầy đủ về bệnh và cách phòng tránh.

Theo số liệu thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Việt Nam có khoảng 14 triệu người, tương đương 13% dân số mang gene bệnh. Trong đó đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ từ 20 - 40%. Mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó khoảng 2.000 trẻ em bị bệnh thể nặng, khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai và 10 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Những số liệu trên đã cho thấy thực trạng bệnh tan máu bẩm sinh tại Việt Nam hiện rất đáng báo động.

Tập huấn kỹ năng truyền thông giảm thiểu số ca mắc bệnh Thalassemia- Ảnh 2.

Toàn cảnh lớp tập huấn.

Tại Nghệ An, theo báo cáo của Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An, hàng năm, số bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm khoảng 350 - 400 người. Trên địa bàn huyện Quỳ Châu, số người mắc bệnh là 251 người. Đây chỉ là số bệnh nhân được phát hiện và đang điều trị tại một số bệnh viện. Thực tế ở cộng đồng, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cao, số lượng bệnh nhân chưa được phát hiện khá lớn. Điều đó cho thấy, chưa có đánh giá cụ thể thực trạng bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh tại Nghệ An.

14 triệu người Việt mang gene bệnh Thalassemia, nhiều người không hay biết14 triệu người Việt mang gene bệnh Thalassemia, nhiều người không hay biết

SKĐS - Với tỷ lệ mang gene Thalassemia trên 13% thì ước tính có khoảng 14 triệu người Việt mang gene bệnh. Nhiều dân tộc tỷ lệ mang gene Thalassemia lên tới 30-40%, riêng dân tộc Kinh là 9,8%.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đào tạo cô đỡ thôn bản - Khó khăn và thách thức.



V. Đồng
Ý kiến của bạn