Ngày 13/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức tập huấn công tác phòng và điều trị bệnh nhân nhiễm virus Ebola cho cán bộ, nhân viên y tế các Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng và các khoa, bệnh viện chuyên ngành truyền nhiễm khu vực phía Bắc.
Tại lớp tập huấn, các cán bộ, nhân viên y tế được phổ biến các nội dung về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do virus Ebola, chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola theo quy định của Bộ Y tế, hướng dẫn thực hiện tờ khai y tế tại khu vực các cửa khẩu… đặc điểm dịch tễ học và chẩn đoán phân biện với các bệnh sốt xuất huyết khác; phân tuyến và cách ly trong điều trị; phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
Hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả đối với bệnh do virus Ebola do đó, việc điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng do virus gây ra. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola, đồng thời giao cho Hội đồng chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola phù hợp theo diễn biến của bệnh dịch.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển- Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương đã hướng dẫn các cán bộ y tế về chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola, đồng thời giao cho hội đồng chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola phù hợp theo diễn biến của bệnh dịch.
TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam đã có 3 phòng sinh học cấp độ 3 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasters Tp.HCM với đầy đủ tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3 theo tiêu chuẩn quốc tế do Nhật Bản xây dựng.
Phòng xet nghiệm cấp độ 3 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Hiện nay Bộ Y tế đang cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giúp Viện Vệ sinh Dịch tế TƯ, Viện Pasters Tp.HCM sẵn sàng năng lực tiếp nhận các bệnh phẩm của bệnh nhân bị nghi nhiễm virus Ebola.
Theo ông Dương, xét nghiệm chẩn đoán Ebola chủ yếu dựa vào kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại nhất. Với điều kiện vật chất, nhân lực hiện có, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasters TP.HCM có đầy đủ năng lực để xét nghiệm về virus Ebola, sẽ cho kết quả trong vòng 24-48 giờ.
Hiện tại, đã có nhà chờ do WHO tài trợ là hệ thống nhà bạt, khử khuẩn, tiệt trùng, làm sạch một cách khẩn cấp. Mục đích để phục vụ cho dịch bệnh khẩn cấp tối nguy hiểm, trong trường hợp thảm họa, đặc biệt là trong trường hợp do hóa chất, khí độc.
Hệ thống nhà bạt được thiết kế cho vùng cửa của ổ dịch, nơi đưa bệnh nhân ra, nhiệm vụ là làm sạch, tiệt trùng, loại bỏ tối đa các tác nhân gây bệnh có trên cơ thể bệnh nhân để đưa lên xe cấp cứu, hạn chế tối đa lây nhiễm khi đi qua khu dân cư. Khi hệ thống này đóng gói lại sẽ chỉ bằng 1 container. Đầu kéo chuyên dụng được thiết kế đảm bảo có thể di chuyển đến tất cả các vùng, miền trong cả nước…
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh, quan trọng nhất là dựa trên những hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC), Bộ Y tế Việt Nam cụ thể là Cục Y tế dự phòng đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC); đặc biệt tổ chức tập huấn cho hệ dự phòng biết cách lấy mẫu dự phòng (máu, dịch tiết của người bệnh) nghi ngờ có nhiễm vi rút Ebola và vận chuyển mẫu đúng cách để tránh lây lan bệnh cho cộng đồng cũng như nhân viên y tế. Sau đó chuyển các mẫu này về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (phía Bắc) và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (phía Nam) để chuyển đi nước ngoài phân lập vi rút Ebola. Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn 1 (chưa có trường hợp mắc bệnh). Mục tiêu cơ bản của giai đoạn này là giúp cho hệ dự phòng giám sát chặt chẽ thông qua kiểm dịch biên giới, kiểm dịch cửa khẩu hàng không, cửa khẩu đường bộ và đường thủy.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế tổ chức tập huấn cho các cán bộ dịch tễ và các cán bộ chăm sóc, điều trị bệnh nhân ở các tỉnh phía Bắc và ngày 14/8 sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tỉnh phía Nam. Nội dung cơ bản là giám sát bệnh dịch, chẩn đoán, điều trị và dự phòng. Trong mục tiêu của giám sát thì cố gắng phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên dựa vào bệnh cảnh lâm sàng và yếu tố dịch tễ; đồng thời tiến hành xét nghiệm để chẩn đoán ca bệnh đầu tiên.
Phát biểu tại lớp tập huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi. Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành với 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh Ebola, ngành y tế các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh này trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, để kịp thời đối phó khi có dịch xảy ra; đồng thời tăng cường truyền thông tình hình dịch bệnh, nguy cơ, hình thức lây truyền và biện pháp phòng chống để nhân dân biết và thực hiện. “Hiện tại, Hướng dẫn chẩn đoán và Điều trị bệnh do virus Ebola chưa cần thay đổi do chưa có ca nào mắc song các cơ sở y tế luôn phải chủ động đối phó với mọi tình huống khi xuất hiện ca bệnh tại Việt Nam”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng