Sáng ngày 3/11/2021, tại hội trường Trung tâm chính trị huyện. Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em Thanh Hóa, tổ chức tập huấn bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn huyện Như Thanh.
Tham dự khai mạc lớp tập huấn, có bà Lê Ngọc Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh hội Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi; đại diện lãnh đạo các ngành, cơ quan chuyên môn liên quan, cùng các thành viên trong BCH Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi huyện Như Thanh; cán bộ chính sách; Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi 14 xã, thị trấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo vệ quyền trẻ em.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Lê Ngọc Hoa, Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao những kết quả đạt được của đội ngũ cán bộ Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi các cấp trong huyện trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở địa bàn dân cư trong thời gian qua.
Bà Lê Ngọc Hoa đề nghị, các học viên tham gia lớp tập huấn cần tích cực học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để nắm bắt những kỹ năng cơ bản để áp dụng vào thực tế của địa phương, nhằm hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó tạo cho trẻ em môi trường sống an toàn, thân thiện, có điều kiện phát triển toàn diện.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được các thành viên trong Thường trực Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Thanh Hóa phổ biến các văn bản liên quan đến bảo vệ trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn; thực trạng nguyên nhân và các giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em; vai trò của tổ chức hội với việc bảo vệ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn và phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em, cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến Luật Trẻ em; các chính sách Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; vấn đề về nạn bạo hành, xâm hại trẻ em; những nguy cơ và dấu hiệu nhận biết trẻ em đang bị bạo hành và xâm hại; hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em khi phát hiện trẻ em bị bạo hành, xâm hại…
Cũng tại lớp tập huấn, các học viên được trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, những giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực tế làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại đơn vị mình. Từ đó, có thể trang bị cho bản thân thêm những kiến thức và nâng cao hiệu quả công tác tại đơn vị. Đồng thời, lớp tập huấn còn giúp cho các học viên nắm rõ hơn các chương trình, kế hoạch, dự án về quản lý nhà nước, triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình dựa vào cộng đồng, mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật; mô hình phòng ngừa, giúp trẻ em lang thang, trẻ em làm việc nặng nhọc, trẻ em bị xâm hại tình dục,… đặc biệt là nâng cao kỹ năng công tác xã hội với trẻ em.
Thông qua lớp tập huấn, nhằm góp phần bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ cơ sở, để mỗi học viên sẽ là một tuyên truyền viên giúp các em thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, góp phần thực hiện tốt thông điệp "lắng nghe trẻ em bằng trái tim, giúp đỡ trẻ em bằng hành động".