Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (hay còn gọi là PrEP) là một biện pháp dự phòng có hiệu quả đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ và có những thông tin chuyên môn chuyên sâu nên việc tập huấn này sẽ giúp cho đội ngũ phóng viên có hiểu biết rõ hơn về PrEP, từ đó có thể viết đúng, truyền tải chính xác, sinh động tới cộng đồng. Thông qua báo chí, việc truyền thông về PrEP giúp cộng đồng, đặc biệt là các nhóm đối tượng đích như MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) hiểu rõ được lợi ích của PrEP trong phòng ngừa lây nhiễm HIV, giúp tăng cường lượng khách hàng tiếp cận với PrEP.
Thông tin cho biết, mặc dù dịch HIV ở nước ta tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của dịch có xu hướng chậm lại và cảnh báo nguy cơ gia tăng số người nhiễm HIV trong nhóm MSM. ThS.BS Cao Kim Thoa, Phó trưởng phòng Phòng dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện vẫn còn khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới mỗi năm ở nước ta (mục tiêu phải giảm dưới 1.000 người/năm); đặc biệt là tăng tỷ lệ nhiễm HIV mới trong nhóm MSM, do đặc điểm trong nhóm này là: Trẻ tuổi, tỷ lệ sử dụng bao cao su thấp, sử dụng ma túy và quan hệ tình dục với nhiều người…
Hiện nay với mục tiêu 90-90-90, nước ta mới đạt được 83% mục tiêu 90 thứ nhất (số người biết tình trạng nhiễm HIV); 76% mục tiêu 90 thứ hai (số người điều trị ARV và 96% mục tiêu 90 thứ 3 (số người có tỷ lệ virus dưới ngưỡng ức chế). Như vậy, còn hai mục tiêu (thứ nhất và thứ 2), chúng vẫn đang cần tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới.