Tập đoàn Tuấn Ân mua bán hơn 1000 hóa đơn khống và hối lộ lãnh đạo Điện lực Bình Thuận

20-04-2025 10:17 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân bị cáo buộc có hành vi đưa hối lộ cho các lãnh đạo, cán bộ tại Công ty Điện lực Bình Thuận và được trúng thầu với giá cao, trái quy định.

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị viện kiểm sát truy tố bị can Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân về các tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Trong vụ án, có 2 cựu Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận) bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ" gồm Trần Ngọc Linh và Nguyễn Thành Ngôn.

Cùng tội danh này tại PC Bình Thuận, cơ quan điều tra đề nghị truy tố với ông Trương Tấn Đạt, cựu Phó giám đốc; Lê Quang Nghĩa, cựu Trưởng Phòng Kế hoạch vật tư.

Ngoài ra, có 5 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; 5 người khác bị đề nghị truy tố "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và 10 bị can chịu cáo buộc tội "In, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Tập đoàn Tuấn Ân mua bán hơn 1000 hóa đơn khống và hối lộ lãnh đạo Điện lực Bình Thuận- Ảnh 1.

Bị can Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân. Ảnh: Bộ Công an.

Theo kết luận, Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân thành lập năm 2009 tại Long An với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là bị can Huỳnh Tuấn Ân cùng 2 con gái của ông. Nhà máy Tuấn Ân Long An hoạt động từ năm 2010, nhưng đến năm 2016, Tập đoàn Tuấn Ân mới cung cấp thiết bị cho Điện lực Bình Thuận với số lượng ít, giá trị nhỏ.

Cuối năm 2016, ông Ân chủ động gặp, đề nghị ông Trần Ngọc Linh tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng các gói thầu cung cấp thiết bị cho Điện lực Bình Thuận và cam kết sẽ chi tiền ngoài hợp đồng 5-6% cho Điện lực Bình Thuận, và riêng cá nhân ông Linh là 1,5% (sau đó tăng lên 2% từ năm 2019).

Ngoài ra, ông Ân cũng hứa số tiền chi này không cố định mà thay đổi tùy thuộc lợi nhuận của Tập đoàn Tuấn Ân, đồng thời cho ông Linh góp vốn 500 triệu đồng vào tập đoàn để làm cổ đông chiến lược, mỗi năm được trả khoảng hơn 20% tiền lãi.

Sau đề nghị của ông Ân,  ông Linh đồng ý và chỉ đạo cấp dưới làm việc, đảm bảo Tập đoàn Tuấn Ân sẽ trúng thầu.

Theo kết luận điều tra, quá trình ông Linh làm Giám đốc Điện lực Bình Thuận, doanh nghiệp này đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng 23/26 gói thầu, đã quyết toán hơn 90,6 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45,2 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021, ông Ngôn được bổ nhiệm làm Giám đốc Điện lực Bình Thuận.

Giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân Nguyễn Trung Quân đã gặp ông Ngôn đề nghị tiếp tục "kế thừa" từ giai đoạn ông Linh để Tuấn Ân được tạo điều kiện trúng thầu. Lúc này, tỷ lệ chi ngoài hợp đồng tăng lên 21% và 25% trên tổng giá trị của 2 gói thầu (hơn 9,3 tỷ đồng).

Thỏa thuận được chấp nhận, Tập đoàn Tuấn Ân trúng tiếp 2 gói thầu số 25 và 26, tổng trị giá hơn 9,3 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 4,5 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Linh đã nhận hối lộ tổng hơn 2,3 tỷ đồng từ Tập đoàn Tuấn Ân; ông Ngôn nhận hơn 1,3 tỷ đồng; Trương Tấn Đạt, cựu Trưởng phòng kế hoạch vật tư Công ty Điện lực Bình Thuận, nhận tổng 4,1 tỷ đồng; Lê Quang Nghĩa nhận 460 triệu đồng và Tạ Thúc Thông, cựu nhân viên Phòng Kế hoạch vật tư, nhận hơn 1,17 tỷ đồng, hưởng lợi 875 triệu.

Qua hành vi đưa hối lộ như trên, Tập đoàn Tuấn Ân cung cấp số thiết bị trị giá hơn 47 tỷ đồng cho PC Bình Thuận nhưng được thanh toán hơn 97 tỷ đồng nên gây thiệt hại hơn 49 tỷ đồng.

Ngoài hành vi trên, kết quả điều tra còn xác định Tập đoàn Tuấn Ân có 26 công ty thành viên, hoạt động theo chuỗi sản xuất - phân phối - kinh doanh. Quá trình đấu thầu, cung cấp hàng hóa cho các đơn vị thuộc EVN, Huỳnh Tuấn Ân đã chỉ đạo các công ty thành viên thực hiện phương thức, thủ đoạn nâng giá.

Cụ thể, giá vốn các mặt hàng được ấn định 10% lợi nhuận (giá gốc +10%); Trước khi bán cho PC Bình Thuận và các khách hàng khác, Công ty Tuấn An Long An phải bán qua đại lý của Tập đoàn Tuân Ân và được kê giá tiêp từ 20% đên 40%; Sau đó mới tới tay đơn vị mua theo giá trúng thầu.

Từ việc kê giá theo phương thức trên, Tập đoàn Tuấn Ân thu một khoản lợi nhuận rất cao, trung bình hơn 40%, riêng 26 gói thầu tại PC Bình Thuận có lợi nhuận 45%.

Nếu hạch toán đầy đủ vào sổ kế toán thuế, thì Tập đoàn Tuấn Ân sẽ chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất lớn. Do vậy, Huỳnh Tuấn Ân chỉ đạo cấp dưới lập 2 hệ thống kê toán, một để theo dõi doanh thu thực tế và một để khai báo nộp thuế.

Qua đây, Tập đoàn Tuấn Ân gây thiệt hại về thuế hơn 156 tỷ đồng, gồm thuế GTGT hơn 48,3 tỷ và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 107 tỷ đồng. Góp sức cho việc gây thiệt hại tiền thuế nêu trên là việc Tập đoàn Tuấn Ân mua bán 1.163 hóa đơn khống của 11 công ty, trị giá 544 tỷ đồng.

Xem thêm video được quan tâm:

Viện Kiểm sát đề nghị giảm án cho bà Trương Mỹ Lan trong phiên phúc thẩm giai đoạn 2 | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn