Hà Nội

Tập Dịch cân kinh hỗ trợ điều trị viêm quanh khớp vai

SKĐS- Điều trị viêm quanh khớp vai có nhiều phương pháp như điều trị bằng thuốc, điều trị bằng y học cổ truyền, điều trị phẫu thuật với thể đứt rách dây chằng chóp xoay. Đặc biệt điều trị bằng các tác nhân vật lý kết hợp tập vận động là phương pháp được lựa chọn tối ưu nhất với cả thầy thuốc và bệnh nhân.

Khớp vai là khớp linh hoạt nhất của cơ thể. Nó có nhiều động tác, động tác của cánh tay (ra trước, ra sau, lên trên, vào trong, ra ngoài, xoay tròn) và động tác của riêng vai (lên trên, ra trước, ra sau). Khớp vai có vận động linh hoạt nhưng bao khớp mỏng, lỏng lẻo, dây chằng không đủ chắc nên nó cũng dễ bị tổn thương nhất. Trong đó bệnh lý viêm quanh khớp vai (VQKV) là tổn thương rất hay gặp. VQKV là tên gọi của các trường hợp đau và hạn chế vận động khớp vai mà tổn thương ở phần mềm quanh khớp vai chủ yếu là gân, cơ, dây chằng, bao khớp.

Điều trị VQKV có nhiều phương pháp như điều trị bằng thuốc, điều trị bằng y học cổ truyền, điều trị phẫu thuật với thể đứt rách dây chằng chóp xoay. Đặc biệt điều trị bằng các tác nhân vật lý kết hợp tập vận động là phương pháp được lựa chọn tối ưu nhất với cả thầy thuốc và bệnh nhân. Với những bệnh nhân đến điều trị tại khoa Vật Lý Trị Liệu – Phục Hồi Chức Năng (VLTL-PHCN) Bệnh viện Quân Y 175 sau khi được hướng dẫn tập bài tập Dịch cân kinh kết hợp, tập hàng ngày, tại nhà đã đem lại kết quả điều trị rất khả quan và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người bệnh, không chỉ riêng bệnh lý khớp vai mà tình trạng sức khỏe cũng các như bệnh lý khác cải thiện rõ.


Dịch Cân Kinh hay Đạt Ma Dịch Cân Kinh hay Vẩy tay Đạt Ma Dịch Cân Kinh do Đạt Ma Sư tổ, sư trụ trì đầu tiên chùa Thiếu Lâm truyền đạt. Năm Đinh Sửu (theo công lịch là năm 917) nhà sư Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc thuyết pháp, truyền giáo rồi ở lại Trung Sơn, Hà Nam (của Trung Hoa) xây dựng Thiếu Lâm Tự (Chùa Thiếu Lâm). Việc truyền tụng một tín ngưỡng mới, khác với niềm tin cũ của người bản xứ, thường dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột nên các đệ tử của Ông vừa lo tu dưỡng, học Phật pháp, vừa phải ra công luyện tập võ nghệ để tự vệ. Từ đó môn võ Thiếu Lâm ra đời và tồn tại mãi đến ngày nay.

Nhiều người xin nhập môn nhưng thể chất kém không thể luyện võ được. Sư Tổ Đạt Ma bèn dạy cho một cách tập luyện để nâng cao thể lực gọi là Dịch Cân Kinh.

“Dịch – thay đổi, Cân – gân cốt, Kinh – sách quí”

Cách tập này rất đơn giản, chỉ cần kiên trì tập vẩy tay đúng phương pháp là sẽ đạt hiệu quả rất lớn: ăn ngon, ngủ tốt, gân cốt thư thái sức khỏe tăng cường và đặc biệt là trừ được bệnh tật như: suy nhược thần kinh, cao huyết áp, hen suyễn, các bệnh tim mạch, dạ dày, đường ruột, thận, gan, ống mật, trĩ nội … hay bán thân bất toại, đột quỵ, méo mồm lệch mắt, … đều tiến triển rất tốt. Nhất là các loại bệnh mạn tính của người cao tuổi hay gặp là thoái hóa cột sống, thoái hóa xương khớp. Trong đó có bệnh lý viêm quanh khớp vai rất thường gặp ở cả người cao tuổi cũng như người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Phương pháp tập luyện:

Trước khi tập, chọn nơi thoáng mát, yên tĩnh càng tốt, đứng bình tĩnh cho tâm được thoải mái, đầu óc được thư thái để chuyển hóa về sinh lý và tâm lý. Có thể làm những động tác khởi động nhẹ nhàng thoải mái. Phải đi chân trần và đứng trên một tấm thảm lót chân hoặc bất cứ miếng đệm lót nào, nhằm ngăn cách sự tiếp xúc của bàn chân với mặt đất, nếu không luồng điện sinh học trong quá trình tập luyện sẽ bị thất thoát làm bài tập hiệu quả không cao.

Đứng thẳng người ưỡn ngực ra để cột sống được tự nhiên, hai bàn chân song song với nhau dạng ra, ngang với tầm vai của mình. Co các đầu ngón chân lại, bám chặt vào mặt thảm như vậy bắp chân và đùi sẽ săn chắc. Thót hậu môn, niệu đạo lại, giống như động tác nín đi cầu và nín đi tiểu, như vậy tầng sinh môn, mông và vùng tiểu khung cũng sẽ săn chắc, đồng thời thả lỏng cơ thể từ vùng thắt lưng trở lên. Suốt buổi tập hai chân như trồng cây xuống đất, từ thắt lưng trở xuống luôn luôn cứng chắc, không suy chuyển. Tóm lại đó là tư thế đứng tấn của người luyện võ, cả buổi tập phải làm đúng như thế, nếu không công phu luyện tập sẽ mất gần hết không mang lại kết quả mong muốn.


Đầu như dây treo để cổ được thẳng, mặt hướng về phía trước, mắt nhìn một điểm cao hơn mình một tý để cổ không chùng xuống. Miệng ngậm tự nhiên, hai hàm răng chạm nhau, lưỡi cong lên, đầu lưỡi chạm vùng lợi giữa hai chân răng hàm trên (huyệt ngân giao), để luồng điện được lưu thông khép kín vòng nhâm đốc. Hơi thở bình thường, tư tưởng tập trung trên đỉnh đầu.

Ở mỗi bàn tay, năm ngón tay luôn dính vào nhau, thả lỏng tự nhiên chứ không xòe ra. Khi đánh tay, lòng bàn tay hướng về phía sau (tức mu tay hướng ra trước). Động tác duy nhất là đánh hai tay từ phía sau. Khi đưa hai tay ra phía trước, hai cánh tay sẽ hợp với thân người một góc 30 độ, Khi đánh tay ra phía sau một góc 60 độ. Tóm lại, khi đánh hết tay thì đưa tay ra phía trước chỉ là một cái trớn, không dùng sức, chỉ do quán tính của việc đánh tay từ phía sau còn lại mà thôi, do đó chỉ tầm 30 độ. Mỗi lần đánh tay từ phía trước ra phía sau thì tính một cái đánh tay (thời gian 1 giây).

Trên phải không, dưới nên có (thượng hư hạ thực). Đầu nên lơ lửng, miệng không hoạt động, bụng phải mềm, lưng nên thẳng, thắt lưng mềm dẻo, cánh tay phải vẫy, cùi chỏ thẳng và mềm, cổ tay trầm, bàn tay quay lại phía sau, ngón tay khép tự nhiên. Khi vẫy, lỗ đít phải thót, bụng dưới thót, gót chân lỏng, hậu môn phải chắc, bàn chân phải cứng, ngón chân bấm chặt đất như trên đất trơn. Đây là những quy định cụ thể của các yếu lĩnh khi luyện “Vẩy tay Đạt Ma Dịch Cân Kinh’. Dựa trên yêu cầu này, khi tập vẫy tay, thì từ cơ hoành trở lên, phải giữ cho được trống không, buông lỏng thảnh thơi, đầu không nghĩ ngợi lung tung, chỉ chú ý tập chung vào tập, xương cổ cần buông lỏng để cho có cảm giác như đầu treo lơ lửng, mồm giữ tự nhiên (không mím môi), ngực nên buông lỏng để cho phổi thở tự nhiên, cánh tay buông tự nhiên, giống như hai mái trèo gắn vào vai. Từ cơ hoành trở xuống phải giữ cho chắc, đủ sức căng, bụng dưới thót vào, hậu môn nhích lên, mười ngón chân bấm chặt vào mặt đất, giữ cho đùi và bắp chân trong trạng thái căng thẳng, xương hông thẳng như cây gỗ.

Khi vẩy tay cần nhớ “lên không, xuống có”, nghĩa là lấy sức vẩy tay về phía sau, khi tay trở lại phía trước là do quán tính, không dùng sức đưa ra phía trước.

“Trên ba, dưới bảy” là phần trên để lỏng chỉ độ 3 phần khí lực, phần dưới lấy gắng sức tới bảy phần thể lực, vấn đề này phải thấu hiểu đầy đủ thì hiệu quả mới tốt.

Mắt nhìn thẳng, đầu không nghĩ ngợi có thể nhẩm đếm số lần vẫy tay.


MỘT SỐ ĐIỂM CẨN CHÚ Ý

1. Tập đúng: Tập phải tuân theo yếu lĩnh như trên.

2. Tập đủ: Thời gian tập phải đủ 30 phút, 30 phút mới là đạt yêu cầu cho một lần tập. Tương ứng với số lần vẩy tay không nên ít: từ 600 lần đến 1.800 lần cho một bài tập. Tập được đến khoảng 20 phút mà thấy trung tiện nhiều chứng tỏ hiệu quả tập rất tốt.

3. Tập đều: Khi đã tập thì tập thường xuyên, tập hàng ngày kể cả các ngày lễ, tết. Bài tập thường sẽ có hiệu quả sau 3 đến 6 tháng tập liên tục. Nếu tập gián đoạn vì một lý do nào đó thì hiệu quả không cao, dẫn đến mất niềm tin vào bài tập. Vì vậy cần phải kiên trì duy trì bài tập hàng ngày ít nhất vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

Bệnh nhân nặng, có thể ngồi mà vẫy tay, tuy ngồi nhưng vẫn phải nhớ thót đít và bấm 10 đầu ngón chân

Số lần tập: Có thể tập càng nhiều càng tốt. Ngưỡng cửa của sự chuyển biến bệnh là 1.800 lần vẫy tay, có bệnh nhân vẫy 3.000 tới 6.000. Nếu sau khi tập thấy ăn ngon, ngủ tốt, đại tiểu tiện điều hòa, tinh thần tỉnh táo, thì chứng tỏ số lần tập là thích hợp.

Tốc độ vẫy tay: Theo nguyên tắc thì nên chậm, chứ không nên nhanh. Bình thường vẫy 1.800 cái hết 30 phút. Vẫy tay tới lúc nửa trừng thường nhanh hơn lúc ban đầu một chút, đây là lục động của khí. Khi mới vẫy rộng vòng và chậm một chút. Khi đã thuần thì hẹp vòng, người bệnh nhẹ thì nên vẫy nhanh và dùng sức nhiều, người bệnh nặng thì nên vẫy chậm và hẹp vòng.

Vẫy tay nhanh quá làm cho nhịp tim đập nhanh, mà vẫy chậm quá thì không đạt tới mục đích luyện tập là cần cho mạch máu và khí huyết lưu thông. Vẫy tay nên dùng sức nhiều hay ít, nặng hay nhẹ ? Vẫy tay là môn thể dục chữa bệnh chứ không phải môn thể thao đặc biệt. Đây là môn thể dục mền dẻo, đặc biệt là không dùng sức. Nhưng nếu vẫy nhẹ quá cũng không tốt bởi vì bắp vai không được lắc mạnh thì lưng và ngực không lưu thông cũng không được.

Tóm lại đây là bài tập kinh điển, tổng hợp động tác của nhiều bài tập hiện đại như bài tập Kegel điều trị bệnh lý vùng tiểu khung, bài tập William và bài tập McKENZIE điều trị bệnh lý cột sống, và bài tập khí công cổ truyền (luyện vòng Tiểu chu sinh), và bài tập quăng tay hỗ trợ điều trị các bệnh về gân - cơ - khớp trong đó rất hiệu quả với các bệnh liên quan đến khớp vai nói chung và viêm quanh khớp vai nói riêng.


BS CK I Trần Quang Khang
Ý kiến của bạn