Theo Christian Science Monitor, trong ấn phẩm mới nhất của mình, tạp chí Charlie Hebdo đã đưa hình ảnh nhà tiên tri Mohammed lên trang nhất với tuyên bố “Tôi là Charlie”.
Điều này đã làm dấy lên những tranh luận về vấn đề tự do ngôn luận trong xã hội, một chủ đề đến nay vẫn còn “nóng hổi” tại các quốc gia phương Tây, vốn rất tôn trọng quyền này.
Tổng thống Pháp François Hollande nêu rõ, cuộc tuần hành tại Paris ngày 11/1 với sự tham gia của 40 lãnh đạo toàn cầu là một tuyên bố rõ ràng nhất về sự ủng hộ quyền tự do ngôn luận và phản đối mọi hành vi bạo lực.
Tuy nhiên, thảm kịch tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo lại dấy lên một câu hỏi về việc khi nào những tuyên bố hoặc những lời châm biếm đi quá giới hạn và trở thành những lời lẽ mang tính chất khiêu khích hoặc thậm chí gây hận thù cũng như việc liệu những lời lẽ ấy có thể được “khuyến khích” dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Gần một thập kỷ qua, Charlie Hebdo đã xuất bản hàng loạt các tranh biếm họa “không chừa một ai” kể cả Đức Giáo hoàng. Tuy nhiên, gần đây, tạp chí này tỏ ra “đặc biệt quan tâm” đến nhà tiên tri Mohammed với nhiều bức tranh gây nhức nhối với các tín đồ Hồi giáo, đặc biệt là bức tranh nhà tiên tri Mohammed tự vấn mình: “Sao mình lại được những kẻ ngu ngốc đến vậy thờ phụng”.
Ông Peter Hervik, một nhà dân tộc học người Thụy Điển đã từng phân loại nhiều bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed được xuất bản tại nước này vào năm 2005, tuyên bố, quan điểm “mọi hình thức (châm biếm) đều có thể chấp nhận được” thường dẫn đến việc “chấm dứt mọi cuộc tranh luận, kích động hận thù và gây chia rẽ tại Thụy Điển”.
Ông Hervik tuyên bố, truyền thông Thụy Điển dù hoạt động dưới hình thức nào, cũng sẽ không đăng tải những hình ảnh mang tính chất bôi nhọ đạo Hồi và các tôn giáo khác.
“Điều này không phải bởi lý do bị kiểm duyệt mà truyền thông Thụy Điển có nhiệm vụ phải bảo vệ nền dân chủ của đất nước, một giá trị khác cũng cần phải được coi trọng”, ông Hervik nói.
“Điều này hoàn toàn không có nghĩa là Thụy Điển không có một nền báo chí tự do”, ông Hervik khẳng định.
Trong khi đó, rất nhiều tờ báo, tạp chí, các bài phát biểu của giới chức sắc tôn giáo, các chính trị gia, các họa sỹ châm biếm và người dân trên thế giới viết bằng tiếng Anh cũng bày tỏ những hoài nghi về quyền tự do ngôn luận một cách tuyệt đối nhất là khi điều này đồng nghĩa với việc khiến những người khác bị tổn thương.
Chủ tạp chí Tikkun có trụ sở tại California, Mỹ, ông Rabbi Michael tuyên bố, tự do tuyệt đối là một trong những giá trị cốt lõi của phương Tây. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “Giá trị quan trọng nhất của chúng tôi là đối xử với mọi người bằng tình yêu, lòng tốt và sự hào phóng”.
Quan điểm này được họa sỹ biếm họa Jacob Canfield chia sẻ trên tờ New York Times rằng: “Trong khi đối mặt với cuộc tấn công khủng khiếp nhằm vào quyền tự do ngôn luận, chúng ta cần tránh tuyên truyền một cách mù quáng cho những kẻ phân biệt chủng tộc điên cuồng”.
Ngay sau vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hedbo, nhiều người đã lên tiếng vì việc cần phải đặt ra những giới hạn để cản trở những kẻ luôn “vỗ ngực” ủng hộ tự do ngôn luận một cách thái quá.
Trên tờ Guardian ngày 9/1, họa sỹ Joe Sacco đã mô tả những hình ảnh châm biếm quá đà như hình ảnh một người da đen ngã từ trên cây xuống trên tay vẫn cầm một quả chuối hay hình ảnh về một kẻ cho vay nặng lãi người Do Thái.
Theo ông Sacco, những hình ảnh này hoàn toàn có thể được đăng tải trên các báo châu Âu và Mỹ trong vài thập kỷ trước nhưng hiện nay lại bị coi là không thể chấp nhận được.
“Việc cấm móc máy hoặc bôi nhọ các biểu tượng tôn giáo hoặc dân tộc đã được Pháp đưa vào các quy định pháp luật”, ông Jonathan Laurence, một học giả về Hồi giáo châu Âu tại Đại học Boston cho biết, “việc bài xích hoặc bôi nhọ những người Do Thái bị diệt chủng sẽ bị coi là tội ác.
Theo VOV