Trong đợt phẫu thuật từ thiện lần này, đoàn bác sĩ đến từ Mỹ gồm 25 chuyên gia y tế là các bác sĩ phẫu thuật, gây mê, hồi sức sang Việt Nam cùng với các y bác sĩ của Khoa Phẫu thuật chỉnh hình Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiến hành phẫu thuật cho 55 trường hợp bị khuyết tật không có vành tai, trong đó có 20 bệnh nhân mổ lần đầu, số còn lại là mổ các lần tiếp theo. Thông qua tổ chức Hãy giúp chúng tôi mang lại nụ cười (Help Us Give Smiles Foundation), mỗi năm 1 lần đoàn các bác sĩ của Mỹ sang Bv Tai Mũi Họng Trung ương để phẫu thuật đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những bệnh nhân Việt Nam không may mắc dị tật vành tai, khiếm khuyết vành tai khiến bệnh nhân luôn có mặc cảm, tự ti về vẻ bề ngoài của mình.
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu hay thống kê chính thức, nhưng mỗi năm BV Tai Mũi Họng TƯ mổ từ 20-30 trường hợp khiếm khuyết vành tai mới, ngoài ra còn rất nhiều trường hợp mổ tạo hình lần 2, lần 3, đưa tổng số ca tạo hình vành tai mỗi năm ở bệnh viện lên tới hàng trăm trường hợp.
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Phó Giám đốc BV Tai mũi họng TƯ và GS Vito Quatela, trưởng đoàn phẫu thuật Mỹ
Mang dị tật khuyết vành tai hơn 20 năm
Bệnh nhân Vũ Thị H, ở Đức Trọng, Lâm Đồng (21 tuổi) với khuôn mặt xinh xắn, trắng trẻo, vui vẻ tâm sự, em vừa trải qua ca phẫu thuật tạo hình vành tai lần thứ 2. Ca phẫu thuật lần 1 tiến hành cách đây 1 năm. Mang dị tật không có vành tai từ khi sinh ra, cô bé H thường bị bạn bè trêu chọc là không có tai khiến em rất tự ti, nên mỗi khi đi chơi hay đi học em thường để tóc dài che đi, nhưng có những lúc tập thể dục phải buộc tóc lên làm em ngại và mất tự tin. Từ hồi nhỏ, em đã được đưa đi khám ở nhiều bệnh viện, nhưng các bác sĩ đều lắc đầu là không chữa được. Một lần tình cờ đi thăm họ hàng ở miền Bắc, em được người nhà đưa đi khám ở BV Tai mũi họng thì H. được biết, em có cơ hội có vành tai như mọi người. Các bác sĩ cho biết, H sẽ phải phẫu thuật thêm từ 1-2 lần nữa để hoàn thiện vành tai mới của mình.
Vành tai của bệnh nhân H. sau 2 lần phẫu thuật.
Anh Nguyễn Minh T. (41 tuổi), bố của bệnh nhân N.T.N (13 tuổi) ở thành phố Hải Phòng cho biết, từ khi sinh ra, cháu đã không có vành tai, lại mất ống tai bên trong, nên chức năng nghe của tai bị khuyết hoàn toàn không có, cháu chỉ nghe bằng 1 tai. Cháu không chỉ bị các bạn trêu là không có tai mà khả năng nghe kém do chỉ nghe 1 bên nên ảnh hưởng không nhỏ tới học tập. Anh T. đã đi nhiều nơi tìm hiểu cách để chữa bệnh cho con, xong bác sĩ nói phải chờ cháu lớn thêm 1 chút. “Dịp này có đoàn chuyên gia nước ngoài đến bệnh viện, tôi đưa cháu lên để được phẫu thuật lần đầu tiên”, anh T nói. Bác sĩ cho biết, N. sẽ phải phẫu thuật ít nhất 1 lần nữa để “trả lại” cho bé hình dáng tai bên ngoài như những bạn bè khác.
1 ngày sau ca phẫu thuật vành tai của bệnh nhân N.
Thách thức của ca phẫu thuật tạo hình vành tai từ sụn sườn
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh cho rằng, thiểu sản vành tai hay còn gọi là không có vành tai là một dị tật bẩm sinh ở trẻ, hoặc nguyên nhân do tai nạn, do bệnh tật để lại… Dị tật không có vành tai chia làm 4 mức độ: vành tai nhỏ hơn bình thường, vành tai thiếu 1 phần vành tai, vành tai chỉ còn 1 ít thit, hoặc mức độ cao nhất là không có vành tai.
Kỹ thuật tạo hình vành tai từ sụn xương sườn không chỉ khó, phức tạp mà đòi hỏi người bệnh phải kiên trì. Một ca tạo hình vành tai thành công ít nhất phải mất 1 năm với 2 lần phẫu thuật, ca phẫu thuật lần đầu kéo dài từ 5- 6 tiếng, lần 2 từ 3-4 tiếng, các ca phẫu thuật thường cách nhau từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu tổn thương phức tạp, có người phải mổ tới 3, 4 lần mới có được vành tai như ý, PGS Cảnh chia sẻ.
Bác sĩ James Pearson - một trong những phẫu thuật viên của đoàn phẫu thuật Mỹ
Trước khi phẫu thuật, phẫu thuật viên không chỉ phải nghiên cứu từng chi tiết của tai lành để tạo hình khuôn vành tai sao cho giống nhất với tai của bệnh nhân. Nhưng cũng có những bệnh nhân bị khuyết cả 2 tai, cần phải dựa vào hình mẫu vành tai của bố mẹ. Theo PGS Cảnh, những trẻ em bị dị tật bẩm sinh vành tai thường phải chờ đến khoảng 9 tuổi, khi đủ cân nặng và sức khỏe để trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, thời gian gây mê dài như vậy. Hơn nữa, trẻ từ 6 tuổi trở lên, vành tai sẽ ổn định, không to thêm nữa, tuổi này sụn xương sườn cũng đủ lớn để bác sĩ lấy ra tạo hình vành tai. Với người già không thể phẫu thuật được do không đủ sụn ở xương sườn để tạo hình vành tai.
Theo PGS Cảnh, ca phẫu thuật tạo hình vành tai lần đầu tiên, phẫu thuật viên sẽ tạo một hốc đủ lớn ở vùng xương chũm để đưa sụn đã được tạo hình vào, cần có đủ thời gian để khuôn sụn đó được nuôi “sống”, sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật lần 2. Ở lần 2, phẫu thuật viên sẽ lấy da, tạo hình vành tai, nâng vành tai lên vị trí như những tai bình thường. Các ca phẫu thuật kéo dài vài tiếng đồng hồ, đòi hỏi phẫu thuật viên phải thận trọng, tỉ mỉ từng chút từ khâu lấy sụn sườn, đến tạo hình, cấy vào dưới da làm sao để sụn “sống”… Nếu không cẩn thận, trong quá trình lấy sụn sườn có thể chạm vào phổi, hoặc khi cấy sụn vào , dễ bị chảy máu hoặc nhiễm trùng…. ,do đó bác sĩ phải rất có kinh nghiệm và cẩn trọng.
Phẫu thuật viên James Pearson trong đoàn công tác cho biết: “Tôi cảm thấy rất may mắn khi đã đến Việt Nam 7 lần, tôi cho rằng các hoạt động này rất tốt, và chuyến đi này rất quan trọng đối với tôi. Tôi rất vui và tự hào khi được làm việc với các bác sĩ Việt Nam, họ thật tuyệt vời.