Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng không có nghĩa là buông lỏng

01-03-2018 22:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo Phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) do Cục ATTP - Bộ Y tế tổ chức ngày 28/2 là công tác quản lý nhà nước về ATTP sẽ thay đổi lớn theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN) như cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, song trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc DN tự công bố sản phẩm nhưng nếu công bố không đúng thì không những bị xử phạt nặng mà còn bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng sản xuất...

Có khoảng 75% sản phẩm bao gói sẵn trên thị trường được tự công bố sản phẩm

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP gồm 13 chương, 44 điều, với 11 nội dung chính được điều chỉnh so với Nghị định 38 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 2/2 và có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký. Nghị định được đánh giá là đã tạo cuộc “cách mạng” trong quản lý ATTP, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ cùng nhiều cơ quan liên quan.

Một trong những nội dung được cộng đồng DN, cá nhân kinh doanh thực phẩm đặc biệt chú ý là quy định về thực hiện tự công bố sản phẩm, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh: Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố. Cụ thể, các DN sẽ tự công bố sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ, không tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Theo đó, các DN tự công bố sản phẩm của mình và nộp 1 bản đến cơ quan quản lý nhà nước. Ngay sau khi tự công bố, DN được sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Cơ quan nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm. So với quy định cũ, sẽ có tới 75% sản phẩm bao gói sẵn trên thị trường được tự công bố sản phẩm.

134 người bị ngộ độc thực phẩm trong tháng 2/2018

Báo cáo về công tác y tế tháng 2/2018 của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, trong tháng qua, cả nước đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm làm 134 người mắc, 133 người đi viện và không có trường hợp tử vong nào vì ngộ độc thực phẩm. Như vậy, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm làm 279 người mắc, 278 người phải nhập viện.

Ông Phong cho biết thêm, nếu trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra. Phương thức kiểm tra theo Nghị định 15 cũng có sự thay đổi đột phá. Cụ thể, với kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ), cơ quan chức năng sẽ chỉ tiến hành kiểm tra xác suất, tối đa 5% hồ sơ trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do hải quan lựa chọn ngẫu nhiên... Những lô hàng này trước đó đã được xác nhận đạt yêu cầu của nước đã ký Điều ước Quốc tế thừa nhận lẫn nhau mà Việt Nam là thành viên hoặc đã có 3 lần liên tiếp trong 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc được sản xuất theo hệ thống GMP, HACCP, ISO 22000...

Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong quản lý nhà nước về ATTP

Cũng theo TS. Nguyễn Thanh Phong, với nghị định mới này, Bộ Y tế chỉ yêu cầu các DN phải đăng ký bản công bố sản phẩm với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, Nghị định 15 cũng thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ trong trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP nhằm giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ, ngành, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện.

Đồng thời, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của địa phương cũng được tăng cường. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Nghị định 15 không quy định trực tiếp cho đơn vị nào của địa phương quản lý mà giao cho UBND tỉnh, thành phố quyết định, dựa theo tình hình thực tế của từng địa phương. Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương nhanh chóng thực hiện, không để thời gian chuyển tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”.

Theo ước tính, việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên hết, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của DN lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.


Thái Bình
Ý kiến của bạn