1. Đặc điểm của cây táo ta
Cây táo là một cây nhỏ, có gai, cành thõng xuống. Lá hình bầu dục ngắn hoặc hơi thon dài; mặt trên xanh lục và nhẵn; mặt dưới có lông, mép có răng cưa, có 3 gân dọc theo chiều lá. Hoa trắng, mọc thành xim ở kẽ lá, trục chính dài 3,7mm. Quả hạch có vỏ ngoài nhẵn, màu vàng xanh, vỏ quả giữa dày, vị ngọt, hạch cứng xù xì. Đập hạch ra sẽ được nhân hạt táo, phơi khô gọi là táo nhân.
Táo được trồng khắp nơi ở nước ta để lấy quả ăn. Vào tháng 2-3 hái quả về, bỏ thịt lấy hạch xay ra được nhân, phơi hay sấy khô. Khi dùng để sống hay sao đen. Nếu dùng sống phải dùng liều thấp.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, táo ta còn gọi là toan táo nhân. Tên khoa học Zizyphus jujuba Lamk. (Zizyphus trinervia Roth.). Thuộc họ Táo Rhamnaceae.
Toan táo nhân (Semen Zizyphi) là nhân phơi hay sấy khô của hạt táo.
2. Công dụng và liều dùng
Theo quan sát trên lâm sàng vị thuốc có tác dụng trấn tĩnh và gây ngủ rõ rệt (Dược học thông báo, 1953). Người lớn uống 15-20 hạt (tương đương với 0,8g-1,8g) thì có công hiệu. Dùng quá liều có thể bị trúng độc và mất tri giác, hôn mê. Nếu dùng liều cao (6-15g) như các sách cổ, cần sao đen đi vì sao đen có lẽ là một hình thức để giảm chất độc đi.
Theo tài liệu cổ, toan táo nhân có vị ngọt, tính bình, vào bốn kinh tâm, can, đởm và tỳ; có tác dụng bổ can, đởm, định tâm, an thần; dùng chữa hư phiền không ngủ được, hồi hộp hay quên, tân dịch ít, miệng khô, người yếu ra nhiều mồ hôi. Những người có thực tà, uất hỏa không dùng được.
3. Đơn thuốc chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược
Toan táo nhân (sao đen) 6g, phục linh 5g, xuyên khung 3g, tri mẫu 4g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
Ngoài hạt táo, nhân dân còn dùng lá táo chữa hen rất có kết quả: Ngày uống 200-300g lá táo sao vàng sắc với 3 bát nước, còn 1 bát chia 2 lần uống vào trước bữa ăn 1 giờ, uống liên tục từ 1 tuần đến 2 tháng.
4. Một số món ăn chữa bệnh có táo nhân
TS. Nguyễn Đức Quang – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội giới thiệu một số món ăn chữa bệnh có táo nhân như sau:
Cháo táo nhân: Toan táo nhân 60g, gạo tẻ 200g, nước thục địa hoàng 100g. Toan táo nhân sắc gạn lấy nước, nấu với gạo thành cháo, khi cháo chín nhừ, cho tiếp nước thục địa vào, đun sôi đều. Ăn tùy ý nhiều lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp đau nhức cơ thể, bồn chồn kích ứng, hồi hộp mất ngủ.
Nước hồ toan táo nhân, nhân sâm, phục linh: Toan táo nhân 30g, nhân sâm 30g, phục linh 30g. Sấy khô, tán bột mịn. Mỗi lần 12 - 16g, hòa tan trong nước cháo loãng (hay nước bột năng). Ăn khi nóng. Dùng cho các trường hợp ra mồ hôi khi ngủ (mồ hôi trộm).
Cháo nhị đông táo nhân: Mạch đông 10g, thiên đông 10g, táo nhân 10g, gạo nếp 100g, đường trắng lượng thích hợp. Đem 3 dược liệu sắc lấy nước, nấu cháo gạo nếp, thêm đường. Dùng cho các trường hợp hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, mất ngủ.
Viên nhục táo nhân thang: Long nhãn 12g, toan táo nhân sao 15g, thêm nước đun cách thủy, cho ăn thường ngày. Dùng cho các trường hợp đau đầu mất ngủ.
Cháo táo nhân: Toan táo nhân 15g, gạo tẻ 150g. Táo nhân sao tán thành bột, nấu với gạo thành cháo, cho ăn khi đói. Chữa các trường hợp hồi hộp mất ngủ kích ứng tăng xúc cảm.
Ăn nhiều thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan.