Mường Lát chuyển biến để vươn lên
Nghị quyết số 88/2019/QH19 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết 88) và Chương trình mục tiêu quốc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719) được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo định hướng, động lực, giải pháp để các địa phương vùng dân tộc thiểu số nói chung và Mường Lát nói riêng thay đổi.
Xác định với vai trò, vị trí rất quan trọng, phát triển Mường Lát thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, thu hẹp khoảng cách so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng mang ý nghĩa sâu sắc về chính trị cũng như về các mặt quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thanh Hóa.Để tháo gỡ những khó khăn, giúp Mường Lát vươn lên thay đổi diện mạo một cách căn cơ và cụ thể, đặt ra từng chỉ tiêu cho từng giai đoạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11, với nhiều nội dung, chính sách ưu tiên. Đây là thời cơ và cũng là thách thức, với mục tiêu chung là tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phấn đấu đạt các mục tiêu của Nghị quyết 88 đến năm 2030.
Một số nội dung để Mường Lát cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030 như, khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm nền tảng, gắn với cơ cấu lại sản xuất theo hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật; thu hút và phát triển hợp lý các ngành công nghiệp giải quyết nhiều việc làm, công nghiệp chế biến, nông lâm sản; mở rộng dịch vụ, thương mại ở những nơi có điều kiện
Tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 95,2% dân số toàn huyện. Là một huyện có địa hình phức tạp, đồi núi cao, độ dốc lớn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp và không đồng đều. Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, sản xuất nông lâm nghiệp là chủ yếu, năng suất thấp, đa số vẫn mang tính tự cung tự cấp, chưa trở thành hàng hóa, các loại hình kinh doanh ít, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 đạt 22,953 triệu đồng/người/năm. Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022 trên địa huyện còn 4.197 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 47,72%, trong đó số hộ nghèo là người DTTS là 4.197 hộ, chiếm tỷ lệ 99,83% so với số hộ nghèo toàn huyện; số hộ cận nghèo toàn huyện 1.553 hộ, chiếm tỷ lệ 17,6%, trong đó hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số là 1.538 hộ chiếm tỷ lệ 99% so với số hộ cận nghèo toàn huyện.
Trong các giai đoạn trước đây, huyện Mường Lát đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.. Nhiều chính sách dân tộc, Chương trình, dự án được nhà nước đầu tư như: Chương trình 135, Chương trình 30a…
Từ những chính sách đó, kinh tế, xã hội của huyện có bước phát triển; kết cấu hạ tầng được đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần ngày được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm qua các năm, một số bộ phận hộ đồng bào DTTS xóa được nhà tạm, nhà dột nát, có đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt từng bước cải thiện, ổn định nơi ở, ổn định sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, là một huyện vùng cao, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Do sống ở khu vực biên giới, vùng núi cao, sông suối hiểm trở, dưới các tán rừng nên người dân được hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng. Hộ cận nghèo, hộ nghèo còn nhận được nhiều chính sách hỗ trợ khác của nhà nước. Học sinh từ cấp 2 trở lên đi học tại các trường dân tộc nội trú được hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền khoảng 700 nghìn đồng/tháng)...
Những chính sách này cơ bản đã giúp người dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, một bộ phận người dân lại trông chờ vào nguồn chính sách hỗ trợ mà không chịu lao động, không tự vươn lên, đeo bám vào chính sách để sống qua ngày lâu dần thành căn bệnh trầm kha khó chữa...
Tìm hướng phát triển bền vững bằng nhiều mô hình
Với vai trò, vị trí rất quan trọng, phát triển Mường Lát nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thu hẹp khoảng cách so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, mà còn cả về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thanh Hóa.
Để tháo gỡ những khó khăn, giúp Mường Lát vươn lên thoát nghèo, một cách căn cơ và cụ thể, đặt ra từng chỉ tiêu cho từng giai đoạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11, với nhiều nội dung, chính sách ưu tiên. Đây là thời cơ và cũng là thách thức, với mục tiêu chung là tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phấn đấu đến năm 2030 huyện Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.
Để Mường Lát thay đổi, có hướng khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm nền tảng, gắn với cơ cấu lại sản xuất theo hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật; thu hút và phát triển hợp lý các ngành công nghiệp giải quyết nhiều việc làm, công nghiệp chế biến, nông lâm sản; mở rộng dịch vụ, thương mại ở những nơi có điều kiện.
Tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS, nhất là đồng bào dân tộc Mông thay đổi nhận thức, cách thức, chuyển từ tập quán sản xuất "tự cung, tự cấp" sang sản xuất "hàng hóa"; chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu trong cán bộ, đảng viên và người dân.
Để Mường Lát có hướng phát triển bền vững, mới đây Viện Nông nghiệp Thanh Hóa công bố và bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ Thổ nhưỡng - Nông hoá. Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng để huyện Mường Lát làm cơ sở khoa học, thực tiễn nhằm chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, kinh tế, xã hội của huyện và giúp cho các cấp, ngành địa phương, tổ chức, đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cập nguồn tài liệu này để chủ động trong công tác tổ chức sản xuất của đơn vị mình đạt hiệu quả cao nhất như trồng quế, trồng trẩu, chăn nuôi trâu, bò, gà đen, lợn mán, các con đặc sản, trồng cỏ, trồng dưa, sắn... gắn với địa chỉ bao tiêu sản phẩm.
Không ít các công ty, đơn vị đã được liên hệ về triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng, mô hình trồng rau, hoa quả sạch. Theo chương trình phối hợp, Công ty CP sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh sẽ triển khai mô hình điểm trồng "Cây sắn năng suất cao" trên địa bàn các xã biên giới huyện Mường Lát.
Công ty sẽ đầu tư giống sắn, phân bón và phối hợp cùng các đồn Biên phòng hướng dẫn nhân dân địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao nhất; ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Diện tích ban đầu khoảng 2.000 ha.
Khu vực xã Mường Lý đang triển khai mô hình nuôi cá lồng trên sông Mã. Người dân được tập huấn, hướng dẫn, cán bộ về tận nhà cầm tay chỉ việc, cách trồng, chăm sóc đối với các loại cây, con. Xây dựng từng mô hình nhỏ sau đó triển khai sâu, rộng đối với nhiều hộ dân trong bản. Đối với khu vực rừng nghèo kiệt cần rà soát, quy hoạch chuyển đổi sang trồng rừng sản xuất, trồng cây lương thực một cách phù hợp.
Đồng thời, phối hợp thực hiện các chính sách dân tộc, an sinh xã hội, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện ổn định, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế; thực hiện các mô hình, chương trình: "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng", "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"... "; vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình 1719 và Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Theo ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, nhiệm vụ từ nay tới 2025 và tầm nhìn tới năm 2030 là đưa vùng đất phên dậu này thoát nghèo còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó có những nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng khó mấy thì vẫn phải làm, phải phá được cái thành trì bảo thủ, lạc hậu, trông chờ ở trợ cấp của Nhà nước. Ở đây chỉ là hỗ trợ để dân không bị đói, đứt bữa, chứ muốn vươn lên làm giàu thì phải tự sức của mình. Khi không chịu làm việc thì rất dễ sa vào các tệ nạn rượu chè bê tha, nghiện hút, buôn bán ma túy.
"Chúng tôi đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án… để đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường. Chủ động vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện, từ đó làm thay đổi tính trông chờ, ỷ lại vào chế độ, chính sách của Nhà nước ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cái bệnh này nó đã ăn sâu, bám rễ trong một bộ phận người dân và cả cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy mà phải có cách làm mới, sáng tạo, bốc đúng thuốc và trị đúng bệnh, triển khai thực hiện sâu, rộng, mới có hiệu quả". ông Ca cho biết.