Không được để Formosa tái diễn vi phạm
Tham dự hội nghị quan trọng này có Bộ trưởng các Bộ: Bộ Y tế, NN&PTNT, TN&MT,… cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chỉ đạo thực hiện của các địa phương. Thủ tướng cho rằng, đây là sự cố môi trường lớn nhất từ trước đến nay trên đất nước ta, với 510 ngàn dân bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động của BCĐ về các giải pháp ổn định đời sống nhân dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò của BCĐ và các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương, nhất là tổ chức thực hiện vận động quần chúng ở cơ sở; vai trò của lực lượng quân đội, công an… qua đó cho thấy sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng vào cuộc để xử lý. Đối với việc chi trả bồi thường thiệt hại còn phát sinh khiếu nại, Thủ tướng yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm.
Sau những ảnh hưởng nặng nề do Formosa gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là bài học kinh nghiệm. Việc tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhưng phải chú trọng bảo vệ môi trường bền vững, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Mọi sự phát triển phải chú trọng môi trường. Qua đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT giám sát việc xả thải của Formosa. Các hệ thống giám sát, quan trắc phải đảm bảo yêu cầu. Không được để Formosa tái diễn vi phạm.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, về lâu dài, BCĐ đã khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”. Đề án đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ mang tính đồng bộ, toàn diện nhằm khôi phục và ổn định lâu dài đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, phục hồi hệ sinh thái một cách hiệu quả và bền vững. Cụ thể, đó là nhiệm vụ xác định thiệt hại và bồi thường, nhóm chính sách về bảo đảm an sinh xã hội như bảo đảm sức khỏe nhân dân và an toàn thực phẩm; chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp; dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung… Đến nay, số tiền đền bù của Công ty Formosa đã được chi trả bồi thường với gần 7.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại được triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ khác như xây dựng hệ thống quan trắc, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho người dân và phát triển bền vững.
Hải sản tại 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển đã đảm bảo an toàn
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã công bố kết quả giám sát các chỉ tiêu an toàn đối với mẫu hải sản tại 4 tỉnh miền Trung. Cụ thể, sau khi cơ quan chức năng công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung vào tháng 8/2016, Bộ Y tế đã lấy 1.040 mẫu hải sản ở 4 tỉnh và 300 mẫu ở 3 tỉnh đối chứng (Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu). Một tháng sau, Bộ Y tế công bố hải sản an toàn, trừ một số loài tầng đáy ở phạm vi 20km gần bờ. Đến tháng 3/2018, Bộ Y tế tổ chức thêm năm đợt giám sát với 3.900 mẫu tại 15 điểm và đánh giá an toàn thực phẩm với tất cả các loài, đặc biệt là hải sản tầng đáy trong vùng biển 20km gần bờ. Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với hải sản tại tất cả các vùng biển của 4 tỉnh đều tương đương với mẫu đối chứng (được lấy tại những địa phương không bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi và mua cá của ngư dân Quảng Trị. Ảnh: VGP
Liên quan đến vấn đề chất lượng môi trường biển, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT cũng đã triển khai đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và trầm tích biển tại các tỉnh. Đến thời điểm này, chất lượng môi trường biển bao gồm nước biển và trầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và tắm biển, thể thao dưới nước.
Về nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, nhiều loại cá nổi như cá cơm, cá nục, cá khoai, ruốc,... xuất hiện trở lại; người dân tích cực bám biển sản xuất các nghề khai thác cá nổi và từng bước chuyển các nghề khai thác tầng đáy như lồng bẫy, lưới rê đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ. Về nuôi trồng thủy sản, sau khi có công bố môi trường nước biển đã an toàn, người dân đã tích cực cải tạo ao, đầm, đầu tư nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 của 4 tỉnh là 46.900 tấn, tăng 1,4% so với năm 2016. Hoạt động kinh doanh thủy sản đã trở lại bình thường, người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản và giá hải sản ở 4 tỉnh đã theo mặt bằng giá chung của toàn quốc...