Ngành công nghiệp thực phẩm thải ra nhiều chất gây ô nhiễm ra sông ngòi, nhưng các biện pháp xử lý nước thải thường tốn kém và không thân thiện với môi trường. Có khoảng 22 nghìn nhà máy xử lý nước thải ở châu Âu, tiêu thụ tới hơn 1% lượng điện ở EU.
Nông trại tảo Camporosso ở vùng tây bắc nước Ý nằm trong dự án Saltgae của châu Âu, nhằm triển khai lợi ích của tảo trong xử lý nước. Công nghệ này giúp các ngành sản xuất có thể đáp ứng được nhu cầu về tài chính và bảo vệ môi trường của EU. Nhà kính công nghệ sinh học được bao quanh bởi các “tấm tường xanh”, chính là các lò phản ứng quang hợp sinh học. Nước được lọc trước khi chuyển sang giai đoạn 2 để nuôi trồng tảo siêu nhỏ ở các hồ nước.
Sau khi thu hoạch tảo, ta có nước được xử lý, không còn chất ô nhiễm. Các loại tảo siêu nhỏ như spirulina đã tồn tại khoảng 3 tỷ năm và có thể trồng trong nước biển. Ánh sáng, CO2 và nước thải là những gì loại tảo này cần để mọc. Quá trình này có thể sản sinh ra 20kg tảo khô mỗi ngày. Bột tảo này có thể dùng để sản xuất mỹ phẩm, phân bón, thức ăn gia súc, và thậm chí cả nguyên liệu in 3D.
Ở tại Slovenia, lượng nước thải ở đây mặn gấp 3 lần nước biển, nên rất khó xử lý và tốn rất nhiều oxy. Nhưng tảo trộn lẫn vi khuẩn hấp thụ CO2 và chuyển thành oxy. Nó giúp tiết kiệm 50-70% năng lượng sử dụng trong xử lý nước thải. Hiện nay, nhiều loại tảo khác nhau được thử nghiệm và nuôi trồng gần các nhà máy ở châu Âu để mở đường cho nền kinh tế quay vòng xanh hiệu quả.