Tạo ra thận từ máy in 3D?

26-05-2014 12:21 | Y học 360
google news

SKĐS - Các nhà khoa học của Đại học Queensland, Australia vừa ký một thỏa thuận với một công ty sản xuất máy in 3D với hy vọng trong tương lai sẽ cho ra đời bộ phận cơ thể là quả thận từ máy in 3D.

Các nhà khoa học của Đại học Queensland, Australia vừa ký một thỏa thuận với một công ty sản xuất máy in 3D với hy vọng trong tương lai sẽ cho ra đời bộ phận cơ thể là quả thận từ máy in 3D.

Nghiên cứu này dựa trên cơ sở một nghiên cứu khác cách đây 2 năm của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Queensland, đứng đầu là Giáo sự Melissa Little. Khi đó họ đã phát triển được một quả thận siêu nhỏ trong phòng thí nghiệm chỉ có kích thước 2mm. Nhưng đây được coi là một cuộc cách mạng trong việc phát triển các bộ phận cơ thể người để thay thế cho những người không may mắc bệnh cần phải phẫu thuật ghép tạng.

Phát triển thận trong phòng thí nghiệm

Phát triển thận trong phòng thí nghiệm

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tạo ra một quả thận sinh học cũng phải dựa trên một loại máy in 3D sinh học. Hiện người ta mới tạo ra các bộ phận cơ thể từ máy in 3 D có thể thay thế các bộ phận cho con người như da, mạch máu, sụn tai, phức tạp hơn là bàng quang, tử cung.

Máy in sinh học 3D, tương lai tạo ra các bộ phận thay thế của cơ thể người.

Máy in sinh học 3D, tương lai tạo ra các bộ phận thay thế của cơ thể người.

Tuy nhiên thận là một bộ phận được cho là khó và phức tạp nhất nhưng không có nghĩa là không thể tạo ra, bởi nếu điều này thành công sẽ tạo thêm cơ hội sống cho hàng nghìn bệnh nhân đang chờ ghép thận. Theo Giáo sư Melissa, vì đây là một cơ quan cực kỳ phức tạp nên có thể sẽ mất từ 15-20 năm để tạo ra một quả thận sinh học từ máy in sinh học như vậy.

Giáo sư Melissa Little

Giáo sư Melissa Little

Với 35 loại tế bào khác nhau, mỗi loại đều có chức năng khác nhau và một hệ thống với nhiều ống nhỏ, thận được đánh giá là cơ quan còn phức tạp hơn cả gan, tuyến tụy hay tim.

Việc tạo ra một quả thận sinh học chắc chắn sẽ còn xa mới thực hiện được, nhưng các nhà khoa học đặt ra một mục tiêu ngắn hạn hơn là tạo những quả thận nhỏ trong phòng thí nghiệm để thử nghiệm thuốc. Từ đó, có thể giúp chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh thận do di truyền hoặc đẩy nhanh quá trình sản xuất dược phẩm, để tạo ra những loại thuốc làm tổn thương thận ít nhất.

Hải Yến (Theo Dailymail)

 

 


Ý kiến của bạn