Tạo môi trường để phụ nữ khẳng định vị thế và đóng góp cho xã hội

25-12-2021 13:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong thời gian qua, các cơ quan ban ngành trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nghiêm túc của chủ trương của Trung ương về công tác phụ nữ, tạo sự bình đẳng và góp phần giúp phụ nữ ngày càng khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của mình, có nhiều đóng góp vào sự ổn định và phát triển thành phố.

Nhiều hoạt động nâng cao vai trò của phụ nữ

Các phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm với các chương trình, phong trào gắn liền, tạo nên "thương hiệu" của phụ nữ Đà Nẵng như: Phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ chuyển đổi số, phụ nữ xây dựng văn hóa, văn minh thương mại, phụ nữ tham gia xử lý rác thải tại nguồn… đã thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ tham gia. Đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên.

Công tác xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" gắn với triển khai phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" được đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức ở các cấp như: Ngày hội "Gia đình hạnh phúc - Khởi nghiệp sáng tạo"; "Sắc màu yêu thương; Gia đình chia sẻ".

Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, qua đó nâng cao nhận thức của xã hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Chương trình "Sắc cam - Thắp sáng và Hành động" với nhiều hoạt động đã tổ chức 171 điểm truyền thông về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em cho 11.664 lượt người dự; xây dựng đường dây nóng và địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình tại 56/56 xã, phường; 53/56 xã, phường xây dựng mô hình phòng chống bạo lực gia đình; 15 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, 56 Câu lạc bộ quyền trẻ em tại cộng đồng, 56 điểm tư vấn cộng đồng; 159 điểm tư vấn trường học, phòng công tác xã hội tại các bệnh viện.

Tạo môi trường để phụ nữ khẳng định vị thế và đóng góp cho xã hội - Ảnh 2.

Lan tỏa thông điệp “Cùng thắp sáng và hành động” đến tất cả người dân thành phố

Hội Nữ trí thức thành phố đã phát huy vai trò tập hợp, kết nối đội ngũ cán bộ, công chức viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, trách nhiệm góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị và thành phố. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhiều đề tài do phụ nữ chủ trì được khai thác, chuyển giao, đưa vào ứng dụng đạt hiệu quả cao.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ lớn (nữ chiếm 89,36% trên tổng số cán bộ, giáo viên của toàn ngành giáo dục; nữ chiếm 72,4% lực lượng lao động toàn ngành y tế) đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp trồng người và chăm sóc sức khỏe. Nhiều chị em phụ nữ thành phố ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ mạnh dạn tham gia nhiều ngành nghề, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng.

Cùng với đó, xuất hiện nhiều nhân tố mới với những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, những tấm gương người tốt việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đã có trên 1.000 sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến tiết kiệm, cải cách thủ tục hành chính… của tác giả là nữ công nhân viên chức lao động mang lại giá trị làm lợi gần 2,1 tỷ đồng; 05 chị được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công nhận Bằng Lao động sáng tạo; 04 chị đạt giải Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc...

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình, ngoài xã hội, vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.

Trong đại dịch COVID-19, các cấp Hội phụ nữ thành phố đã có những đóng góp quan trọng, tích cực góp phần cùng thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Nổi bật, thông qua chương trình "Phụ nữ Đà Nẵng san sẻ yêu thương" và mô hình "Đi chợ giúp dân". Hơn 5.500 cán bộ Hội, tình nguyện viên/hội viên phụ nữ đăng ký hỗ trợ đi chợ giúp dân tại các khu dân cư, gần 432.000 đơn hàng và hơn 109 tỷ đồng.

Các cấp Hội phụ nữ thành phố đã kịp thời động viên, san sẻ những phần quà thiết thực đến các hội viên phụ nữ khó khăn, các cơ sở y tế, các lực lượng chốt chặn, lực lượng tuyến đầu; đồng thời góp công, góp sức cùng với các lực lượng khác cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm đến người dân trong những ngày thực hiện chủ trương dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố.

Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm, giao trọng trách quan trọng

Thực hiện "Đề án Phát triển và tạo nguồn cán bộ nữ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý đến năm 2020", hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã tăng nhanh. Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm, giao trọng trách quan trọng trên cương vị lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, 7/26 giám đốc các sở, ban, ngành thành phố và tương đương; 10/65 phó giám đốc các sở, ban, ngành thành phố và tương đương; 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, 01 Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố.

Số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, nhiệm kỳ này tăng hơn so với nhiệm kỳ trước ở cả 3 cấp: Cấp xã/phường đạt tỷ lệ 35,46% (tăng 2,61%) - địa phương cao nhất đạt 60%; cấp quận/huyện đạt tỷ lệ 24,4% (tăng 3,43%) - đơn vị cao nhất đạt 30%; cấp thành phố đạt tỷ lệ 21,57% (11/51), tăng 8,11%, cao hơn mức quy định chung của Trung ương là từ 15% trở lên.

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình, ngoài xã hội, vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.

Trên cơ sở các đề án, thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; tiếp tục chủ động trong tham mưu, tạo nguồn cán bộ nữ; phấn đấu nâng cao tỷ lệ và chất lượng nữ trong các cơ quan dân cử, các cấp chính quyền.

Trong công tác thực hiện bình đẳng giới và đảm bảo an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, các địa phương cần phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, công tác tạo nguồn cán bộ nữ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý có nơi còn lúng túng, bị động, khép kín trong công tác quy hoạch cán bộ, chưa chú trọng giới thiệu cán bộ nữ ứng cử.

Tạo môi trường để phụ nữ khẳng định vị thế và đóng góp cho xã hội - Ảnh 4.

Một số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành, mặt trận, đoàn thể tuy có quan tâm đến công tác phòng chống bạo lực gia đình, nhưng việc chỉ đạo, đầu tư chưa nhiều, còn quan niệm coi bạo lực gia đình là "chuyện riêng của mỗi nhà", là trách nhiệm của hội phụ nữ nên kết quả công tác phòng chống bạo lực gia đình chưa cao như mong muốn. Việc bạo hành phụ nữ, xâm hại trẻ em vẫn còn tiềm ẩn, xảy ra.

Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành chức năng liên quan tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phụ nữ trong tình hình mới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ nữ, hoạt động của các cấp hội và phong trào Phụ nữ thành phố; tăng cường giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về phụ nữ và bình đẳng giới. Quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, nhất là nông thôn, nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương như: phụ nữ nghèo, phụ nữ cao tuổi, đơn thân, tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em gái… nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội thành phố và các tổ chức hội vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; tăng cường công tác giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về phụ nữ và trẻ em.

Song song với đó, tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những phụ nữ có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý.

Tăng cường khả năng nhận diện về bất bình đẳng giới trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mỗi ngành, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Đặc biệt, tiếp tục vận động các nguồn lực để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời phụ nữ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần cùng với thành phố chăm lo tốt công tác an sinh xã hội và sớm đưa Đà Nẵng trở lại trạng thái bình thường mới.

Giải pháp trước thực trạng bất bình đẳng giới gia tăng trong đại dịch COVID-19Giải pháp trước thực trạng bất bình đẳng giới gia tăng trong đại dịch COVID-19

SKĐS - Dịch COVID-19 dường như khiến tình trạng bất bình đẳng giới gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ tư tưởng 'trọng nam khinh nữ'. Theo các chuyên gia, điều này cũng khiến cho việc thu hẹp khoảng cách giới chậm lại.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hà Nội điều trị F0 4 tại chỗ, đáp ứng kịch bản 100.000 ca bệnh.


Công Tâm
Ý kiến của bạn