Tào lao với Tảo

26-06-2011 07:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhà thơ Đoàn Thị Tảo cùng tuổi với tôi. Quen nhau đã lâu nên khi gặp gỡ, chúng tôi thường chỉ gọi tên và nói chuyện rất bỗ bã. Mới rồi có dịp xuống Hải Phòng, tôi gọi điện cho Tảo sẽ ghé xóm Hang Dơi, dưới chân núi Kim Sơn ở Đồ Sơn, thăm chị em Tảo và Đoàn Lê. Tảo vui nhưng lại trách cứ rằng:

Nhà thơ Đoàn Thị Tảo cùng tuổi với tôi. Quen nhau đã lâu nên khi gặp gỡ, chúng tôi thường chỉ gọi tên và nói chuyện rất bỗ bã. Mới rồi có dịp xuống Hải Phòng, tôi gọi điện cho Tảo sẽ ghé xóm Hang Dơi, dưới chân núi Kim Sơn ở Đồ Sơn, thăm chị em Tảo và Đoàn Lê. Tảo vui nhưng lại trách cứ rằng:

- Sao không gọi vào số điện thoại di động mà lại gọi số điện thoại bàn làm Tảo chạy lên nhà trên mệt bở hơi tai.

Tôi ngạc nhiên nhưng chợt hiểu ra, Tảo vờ trách thế để khoe mình đã dùng di động, cũng tân tiến như ai. Bởi lẽ trước đây, đến hơn chục năm qua, mỗi lần ai đến thăm chị em nhà này đều chỉ gọi điện thoại để bàn. Riêng nhà văn Đoàn Lê dùng di động khá sớm nhưng lại hay để quên đâu đó, nên lắm khi có cũng như không. Còn Tảo thì mấy khi có khách và cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc sắm điện thoại di động.

Vậy là một tiếng sau, tôi đã có mặt tại xóm Hang Dơi. Tảo ra đón cùng với con vện lông vàng ươm. Vừa gặp nhau, tôi trêu:

- “Gái” 66 tuổi rồi còn dùng điện thoại di động để chờ ai gọi nữa chứ. Rõ là…

- Rõ là gì, anh ngỡ Tảo không có chàng nào gọi à. Tảo vẫn chờ người ấy đó. Duyên âm mà.

Thấy tôi trố mắt không hiểu vì sao lại nói đến chuyện duyên âm, thế là Tảo khoe vừa hoàn thành tập truyện ngắn, mới đặt tên là Chuyện dông dài. Toàn chuyện thật cả… Những mẩu chuyện rời rạc, nhớ gì viết nấy, vui buồn lẫn lộn trong đó có cái chuyện Duyên âm. Tôi cười rồi trêu sao không đặt là chuyện tào lao cái sự đời. Tảo bật cười nói:

- Ừ nhỉ, chuyện tào lao hay đấy! Nhưng rồi Tảo xỉu mặt nói - Đâu chỉ là chuyện tào lao, toàn chiêm nghiệm cả đấy. Đau ra phết. Buồn tê tái. Nỗi nhớ khôn cùng và cả chuyện ghen tuông nữa.

 Nhà thơ Đoàn Thị Tảo.

Tôi gợi chuyện duyên âm thì Tảo kể đó là câu chuyện có thật trong đời mình, hồi vào tuổi băm, nghe một thầy bói nói mình bị ma tình ám theo suốt cuộc đời, vì thế nên khó lấy chồng. Chuyện rằng, Tảo đã từng hứa hẹn với một người nhưng số người này hẩm hiu chết trẻ, lại được hầu hạ cửa cha, cửa mẹ rồi nên Tảo phải lập bài vị mà thờ người đó như đã từng có một đời chồng. Mãi sau này Tảo mới nhớ ra có một người bạn chết trẻ thật, đó là Khang, cùng học lớp 5A. Một cậu bé đầu trọc ngày ấy, mới 14 tuổi sao lại thích Tảo được chứ? Khi kiệt sức trong bệnh viện, cậu bé Khang luôn miệng nhắc người nhà gọi bạn Tảo đến gặp lần cuối. Nhưng thật tội, Tảo chưa kịp đến thì Khang đã mất. Tảo cho là suốt bao năm tháng qua vong hồn ấy đã theo đuổi và coi sóc mình trong lúc ốm đau, vất vả. Nghe đến đó, tôi xua tay nói:

- Ôi lại chuyện tào lao. Làm gì có chuyện đó!?

- Có đấy! Tảo tin.

Đôi mắt Tảo như có ngấn lệ, tôi ái ngại nên im lặng. Lát sau, Tảo nói như trong mơ:

- Tảo dường như đã tin Khang còn hiện diện trên cõi đời này với một tình yêu chung thuỷ trẻ thơ. Điều đó an ủi rất nhiều khi Tảo đã ở tuổi xế chiều, trong tình trạng lẻ bóng…

Tôi thấy bồi hồi khó tả. Có tiếng lá rơi khô khốc ở ngoài sân. Gió khẽ rung tấm rèm bên cửa sổ. Tảo chậm rãi nói tiếp:

- Tảo thấy ấm lòng hơn khi nghĩ rằng ở cõi thánh thiện kia, vẫn có một chú bé mãi mãi yêu Tảo, luôn dõi theo từng bước chân của người mình yêu thương và mong nhớ.

Giờ đây tôi mới thấm vị cay đắng khi Tảo vẫn như chờ ai đó gọi cho mình, khi sắm điện thoại di động. Có lẽ cậu bé 14 tuổi ấy chăng. Một vong linh trong sâu thẳm một mối tình thơ dại, mãi mãi trẻ trung cho dù mái tóc của Tảo đã rụng và bạc nhiều. Tôi vẫn chờ người ấy đó! Câu nói của Tảo làm tôi thấy xót lòng.

Nắng như ngủ mơ ngoài hè. Lúc này, trời đã ngả chiều, ánh sáng hắt vào cửa sổ làm khuôn mặt của Tảo óng lên màu hồng. Tôi vội lấy máy ảnh chụp. Có lẽ đây là lần đầu Tảo chịu chụp ảnh một mình, bởi những lần trước, Tảo bao giờ cũng đứng cạnh hay nép phía sau Đoàn Lê. Tảo không tự tin về mình, mặc dù đã rất nổi tiếng sau bài hát Chị tôi. Ánh mắt Tảo đượm vẻ buồn vì câu chuyện duyên âm, tôi bèn hỏi lan sang chuyện thơ thì không ngờ Tảo lại đọc ngay mấy câu trong bài Đêm nghe ca kèn đám ma, nghe rợn người:

- “Những lời này tôi viết cho tôi/ Nhờ bác thợ kèn hờ dùm đôi ba tiếng/ Thân xác cỏn con đến mai là tan biến/ Một bình tro qua cửa đài hoá thân…”.

Tôi vội nổi đoá lên, rằng sao Tảo cứ nghĩ đến chuyện ma mị, buồn bã vậy. Tôi động viên, vui lên đi và đọc cho tôi nghe vài bài thơ tình yêu. Im lặng một lúc rồi Tảo khoe mình mới có bài Xẩm chợ, viết đầu xuân vừa rồi, rồi Tảo đọc có câu:

Một đồng mua cái nổi trôi/ Đồng mua duyên hẩm với người ngày xưa”.

Tôi giãy nảy lên khi lại nghe đến chuyện duyên âm nhắc lại trong thơ. Lúc này Tảo mới mỉm cười nói, thôi không chuyện ma mị nữa. Tôi sực nhớ, vào những năm máy bay giặc Mỹ leo thang, đánh phá thành phố Hải Phòng, có người kể về cô gái Đoàn Thị Tảo ngày ấy là một công nhân của Sở Giao thông vận tải đã dũng cảm ngồi trên thuyền hát cho những người thợ lặn dưới biển nghe trong khi làm nhiệm vụ, qua đường dây thông tin. Những người thợ lặn trục vớt những thiết bị và máy móc bị rơi xuống biển. Tảo ngồi trên thuyền liên lạc với những người thợ lặn, điều hành công việc cho an toàn. Để giữ vững tinh thần cho đồng đội, Tảo đã hát và đọc thơ để động viên tinh thần mọi người đang làm nhiệm vụ dưới biển sâu.

Thấy tôi nhắc lại câu chuyện dũng cảm và lãng mạn ấy, Tảo đỏ mặt như nhớ lại thời điểm rất kỳ lạ trong đời mình. Nhưng rồi buồn thay, sau đó là một quãng đời dài sống trong muôn sự nổi trôi của những cuộc tình không tới. Mọi sự lỡ làng như vận hết vào mình, chính vì thế mà Tảo đã từng viết trong tập thơ với những câu: “Mải vui để lỡ chuyến đò/ Ngẩn ngơ trách bến, oán bờ giận sông”. Có lần Tảo tâm sự thật với tôi là mình đã sai lầm khi yêu một người đàn ông có vợ. Bi kịch của sự chờ đợi kéo dài làm cho Tảo mệt mỏi và kết thúc với những câu thơ đọc sao thấy đắng ngắt:

Rút dây bên đường/ Tết con gà trống/ Tết con gà mái/ Mâm xôi dứa dại/ Tôi về/ Làm ma cho thì con gái”.

Đó là bài thơ Vân dại Tảo viết khi quyết định đi ở ẩn cùng chị gái ở xóm Hang Dơi này. Bất ngờ thấy Tảo thở dài, tôi vội xua tay rồi nói:

- Ồ, đang nói chuyện tào lao cơ mà, cười lên chứ nhà thơ một bài.

Tảo cười lớn như muốn xoá đi những muộn phiền vừa dâng lên đôi mắt. Tôi vẫn coi Tảo là nhà thơ nổi tiếng một bài giống như nhà thơ Vũ Đình Liên có mỗi bài Ông đồ. Cho dù Tảo có tới hai tập thơ, toàn thơ nặng lòng và tiếc nuối, nhưng có lẽ chỉ có bài Chị tôi là được nhiều người thuộc và nhớ đến với những giai điệu ấm áp tình yêu thương và phấp phỏng nỗi đau ẩn giấu trong lòng người đa đoan.

Số phận bài thơ thật kỳ lạ, trôi nổi, thăng trầm đúng như cuộc đời của Tảo vậy. Tảo viết bài này khi mới 20 tuổi để tặng chị Đoàn Lê. Ba mươi năm sau, bài thơ mới được phổ nhạc và ngay lập tức nổi tiếng qua giọng hát Mỹ Linh. Mặc dù trước đó bài thơ có tên Cho một ngày chị sinh nhưng sau này bạn đọc nhớ đến Tảo qua cái tên mới của bài thơ là Chị tôi.

Tào lao mãi, nắng chiều đã tắt, tiếng ễnh ương kêu ộp oạp ngoài vườn nhà Tảo, tôi định đứng dậy xin phép ra về thì Tảo đòi xem hình mà tôi mới chụp cho Tảo. Tôi bật máy, Tảo ngắm mình một lúc trên màn hình, rồi bất ngờ đọc mấy câu: “Tôi cô đơn nhất hành tinh - Thế gian thừa đúng một mình tôi thôi”.

Tôi lặng người cố nén tiếng thở dài khỏi bật ra lúc này. Hoa bưởi ngoài vườn thơm ngát. Một làn gió từ ngoài biển thổi vào. Vách núi Kim Sơn như có tiếng vượn hú dội về xóm Hang Dơi.    

  Vương Tâm


Ý kiến của bạn