Đó là hiện thực đang khá phổ biến hiện nay ở một số tỉnh miền núi phía bắc. Tảo hôn vẫn và đang là vấn đề nhức nhối bởi nó để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, tinh thần cho người dân- Nó vẫn là những lời ru buồn khuất sau những đỉnh núi.
Làm bố mẹ khi vẫn ở tuổi cắp sách đến trường
Mùa A Vàng ở bản Nậm Pố 3, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, Điện Biên mới 15 tuổi vợ của Vàng 14 tuổi, hai người đã là bố mẹ của trẻ con. Giống như nhiều đứa trẻ khác ở bản, vợ chồng mùa bỏ học giữa chừng để xây dựng gia đình.
Vợ chồng Mùa A Vàng không phải là trường hợp hiếm ở đây, bởi tình trạng tảo hôn ở đây không hề hiếm. Do chưa đủ tuổi kết hôn nên họ không có giấy đăng ký và đứa con họ sinh ra cũng không có tên của bố trên giấy khai sinh, thậm chí không đủ điều kiện làm giấy khai sinh.
Cũng giống như vợ chồng Mùa A Vàng, Lý Mùi Diệp ở Bình Lãng Thông Nông, Cao Bằng khi đang còn cắp sách đến trường thì bố bắt nghỉ học để lấy chồng, chồng Diệp ở cùng bản hơn Diệp 1 tuổi. Cặp vợ chồng trẻ lấy nhau về khi còn quá trẻ chẳng có công ăn việc làm gì mà dựa vào nương rẫy nên cuộc sống vô cùng khó khăn, thế rồi những đứa con lần lượt ra đời cuộc sống vốn đã khó giờ còn khó hơn. Tuổi trẻ chưa có kinh nghiệm chăm con lại nghèo túng nên những đứa con của Diệp đứa nào đứa ấy còi cọc hơn so với tuổi.
Tẩn Mý Dao ở xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ Lai Châu năm nay 22 tuổi nhưng nhìn khuôn mặt khắc khổ, già nua như 40 tuổi. Dao lấy chồng từ năm 16 tuổi, năm nay con trai lớn của Tẩn Mý Dao đã lên 6 và con thứ hai được 3 tuổi. Bước vào đời ở cái tuổi ăn chưa no, nghĩ chưa tới, hàng ngày Dao cùng chồng phải bươn trải với cuộc sống mưu sinh ruộng nương, với hai đứa con nheo nhóc và kinh tế nghèo khó.
Khi lấy chồng rồi thì phải nghỉ học, ở nhà chăm chồng, chăm con, cuộc sống rất vất vả. Những năm đầu sống cùng gia đình chồng, cuộc sống thiếu thốn nên hai vợ chồng thường xuyên xích mích. Giờ ra ở riêng, cuộc sống đỡ vất vả, muốn được quay trở lại lớp học, nhưng lại vướng bận chăm sóc hai con nhỏ.
Tẩn Mý Dao chia sẻ, trong bản em hiện giờ rất nhiều bạn lấy chồng sớm, tảo hôn. Em bảo mấy đứa em gái lấy chồng muộn thôi, đủ tuổi xong mới lấy chồng thì mới không khó khăn về mặt kinh tế. Với lại lấy chồng khi chưa đủ tuổi thì mình sẽ nuôi con khó, con thiếu dinh dưỡng, rồi còi xương...
Bỏ học, không việc làm, lấy nhau bố mẹ nuôi, đó là tình cảnh chung khiến những bà con dân tộc ở miền núi phía Bắc phải đối mặt vì sự thiếu hiểu biết. Cái nghèo nối tiếp cai nghèo chỉ vì tảo hôn. Để thay đổi một hệ tư tưởng của đồng bào vùng cao về tảo hôn là rất gian nan. Tuy nhiên, nhờ có sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương hi vọng tình trạng này sẽ từng bước được cải thiện.
Những hệ lụy buồn
Theo thống kê ở nước ta thì có đến 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc các phụ nữ này đã sống chung như vợ chồng với nam giới trước tuổi 18. Đặc biệt ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác trong cả nước. Trong độ tuổi từ 10 đến 17 tuổi, cứ 10 em trai thì sẽ lại có 01 em có vợ, cứ 05 em gái thì sẽ lại có 01 em đã có chồng. Sau các tỉnh ở Trung du miền núi phía Bắc là Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao thứ hai.
Các tỉnh ở Việt Nam có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trong cả nước bao gồm: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai. Trong số 55 dân tộc anh em trên đất nước ta hiện nay thì các dân tộc thiểu số được thông kê là có tỷ lệ tảo hôn cao gấp 6 lần so với dân tộc Kinh và gấp gần 3,5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước ta
Theo kết quả tổng điều tra năm 2019, tỷ lệ phụ nữ 20 - 24 tuổi kết hôn lần đầu của một số dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn còn cao như: dân tộc Mông 48,5%, dân tộc Dao 35,5%, dân tộc Lô Lô 42,1%. Trong đó, tỉnh Cao Bằng, tỷ lệ này chiếm 31,4%, cao hơn so với cả nước 12,6%.
Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh.
Tảo hôn không chỉ gây hại sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ vị thành niên mà còn ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của nhóm cộng đồng và dân tộc.
Tảo hôn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
Trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe, tử vong sơ sinh cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác.
Bên cạnh đó, phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con rất dễ tử vong, bệnh tật, không có cơ hội lao động. Nhiều trẻ em gái không có cơ hội làm mẹ vì cơ thể yếu ớt, bệnh tật, cơ thể phát triển không toàn diện.
Với những hệ lụy đó, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của đói nghèo, thất học, suy giảm chất lượng dân số, gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển xã hội.
Giải pháp nào?
Tảo hôn là vấn đề xã hội phức tạp, đây cũng là một vi phạm pháp luật và nó có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Do đó, cần có những giải pháp được đưa ra để có thể giảm thiểu nạn tảo hôn ở nước ta như sau:
Thứ nhất tăng cường công tác truyền thông với các hình thức đa dạng, linh hoạt nhằm mục đích để có thể thông qua đó nâng cao nhận thức về pháp luật dân số, hôn nhân, gia đình cho đồng bào.
Thực thi các chính sách để xóa đói giảm nghèo, giáo dục nâng cao dân trí ở các vùng khó khăn từ đó giúp nâng cao mức sống cho người dân đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thuộc các bản xa xôi hẻo lánh.
Cần phải có sự tích cực quyết liệt vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở các địa phương.
Gia tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn.
Giáo dục trong nhà trường về hệ lụy của nạn tảo hôn để làm được việc này vai trò của cấp chính quyền địa phương, công an xã, phụ nữ xã cũng phải vào cuộc tích cực.