Trong đợt khám từ thiện này, đoàn chuyên gia Hoa Kỳ (bao gồm các chuyên gia phẫu thuật viên, gây mê hồi sức, điều dưỡng...) sẽ tiến hành phẫu thuật cho khoảng 60 bệnh nhân dị các dị tật vành tai, khiếm khuyết vành tai do tai nạn… bằng sụn sườn và vạt da tự do.
Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương, phương pháp này giúp ích rất lớn cho bệnh nhân trong việc định hướng chức năng nghe, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, đẹp không kém gì so với vành tai tự nhiên.
Hiện nay tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính tỉ lệ bệnh nhân dị tật vành tai bẩm sinh ở nước ta khá cao so với các nước trên thế giới. Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị khuyết tật vành tai tại BV Tai Mũi Họng Trung ương có xu hướng gia tăng đáng kể. Đa số trẻ em bị thiểu sản vành tai độ 3, không có hoặc có rất ít khung sụn vành tai.
“Vành tai tuy nhỏ nhưng có tác dụng trong việc định hướng âm thanh, hoặc đơn giản như việc đeo kính, đeo khẩu trang nếu không có vành tai thì rất khó khăn. Việc áp dụng phương pháp chỉnh hình vành tai bị khiếm khuyết vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa giúp người bệnh tự tin hơn trong cuộc sống, giao tiếp xã hội và sớm hòa nhập cộng đồng"- PGS. Cảnh nói.
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh thăm khám cho bệnh nhân.
Để tạo hình vành tai, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo khung sụn lấy từ sụn xương sườn, tạo hình khung sụn vành tai giống hệt vành tai thật. Sau đó tiến hành cấy vào vị trí vành tai, dựng vành tai lên để có góc giống với vành tai thật. Trung bình một cuộc phẫu thuật chỉnh hình vành tai thì 1 sẽ mất khoảng 4-5 giờ đồng hồ bao gồm việc lấy sụn, tạo hình sụn và cấy vào tai. Ở những thì 2, thì 3 việc chỉnh hình vành tai đơn giản và đỡ mất thời gian hơn.
PGS. Cảnh cũng cho biết thêm, phẫu thuật chỉnh hình vành tai phức tạp ở chỗ cấu trúc vành tai khá đặc biệt, yêu cầu làm sao để tạo hình vành tai giống với vành tại tự nhiên. Bên cạnh đó còn là các tiêu chí về mặt thẩm mỹ như góc, cạnh, kích thước, màu sắc da phải giống với vành tai còn lại để người ngoài nhìn vào khó có thể phân biệt được. Đây cũng là phẫu thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công tạo hình mới tạo được vành tai hoàn chỉnh, nếu sơ xảy dễ nhiễm trùng khó khắc phục…
Lứa tuổi để phẫu thuật lý tưởng thường từ 9-10 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này, trẻ đáp ứng đủ tiêu chuẩn về cân nặng, sức khỏe để tiến hành gây mê trong một cuộc phẫu thuật kéo dài. Điều quan trọng nữa là đảm bảo lấy được đủ sụn tạo hình vành tai. Trong khi đó, ở người lớn, xương sườn thường bị xương hóa, phần sụn lấy được ít hơn, việc tạo hình vành tai cũng bị hạn chế hơn.
So với phương pháp tạo hình vành tai bằng silicon thì việc tạo hình vành tai bằng vật liệu tự thân từ sụn xương sườn dễ thích nghi với cơ thể hơn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên thăm khám định kỳ để bác sĩ đánh giá sự tiến triển của phần sụn.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân mới phẫu thuật cần tránh va chạm vào vùng vành tai phẫu thuật vì trong vành tai là sụn cứng, ngoài là màng da rất mỏng dễ làm tổn thương da và sụn.
Đoàn các chuyên gia Hoa Kỳ thăm khám cho bệnh nhân.
Một số trường hợp dị tật vành tai đến BV Tai Mũi Họng Trung ương khám ngày 3/32019.