Bằng kỹ thuật cắt nối và tạo hình khí quản, các bác sĩ Khoa phẫu thuật lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cứu sống được 10 bệnh nhân có khối u khí quản gây tắc đường thở (trong đó có 2 trường hợp khí quản ngực sát chạc ba khí phế quản) và 5 bệnh nhân bị hẹp khí quản sau đặt nội khí quản hoặc mở khí quản.
Những ca bệnh đầu tiên
TS. Hoàng Quốc Toàn, Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tại Việt Nam, lần đầu tiên Bệnh viện 108 đã cắt bỏ toàn bộ khối u xâm lấn khí quản, lấy mạc nối lớn dưới bụng đặt sau xương ức thành vạt ôm phủ khí quản sau cắt nối, cứu sống và cắt triệt để khối ung thư. Thành công này tạo ra nhiều hy vọng mới cho người bệnh.
Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Mai (Hà Nội) bị ung thư tuyến giáp đã được phẫu thuật. Một thời gian sau, u ác tính di căn xuất hiện trong lòng khí quản. Bệnh nhân sang Singapore điều trị, song các bác sĩ ở đây nói không có khả năng phẫu thuật và chỉ định xạ trị 4 liệu trình và được trả về với khối u trong khí quản vẫn tiếp tục phát triển làm bệnh nhân khó thở ngày càng tăng. Bệnh nhân được giới thiệu tới Bệnh viện 108. Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật, cắt bỏ khối u gây tắc đường thở, nối khí quản tận tận. Vì đây là một dạng tổn thương rất khó, sau khi tia xạ, khí quản thiểu dưỡng, miệng nối rất dễ hoại tử không liền, phẫu thuật viên đã lấy mạc nối lớn ở bụng luồn sau xương ức thành vạt ôm phủ khí quản để bảo vệ và tăng cường nuôi dưỡng cho miệng nối. Sau mổ, bệnh nhân hết khó thở và phát âm bình thường. Ca bệnh thứ hai là một bệnh nhân bị tai nạn và hôn mê được mở khí quản để giúp hô hấp, nhưng sau đó cơ quan này bị biến chứng hẹp dần khiến anh có nguy cơ tử vong vì không thở được. Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ đoạn hẹp, nối lại, giúp bệnh nhân tự thở, nói bình thường.
TS. Toàn cho biết, hẹp khí quản gây tắc đường thở rất thường gặp và nhanh chóng gây tử vong cho bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời. Tổn thương hẹp khí quản xảy ra do rất nhiều nguyên nhân như: sau mở khí quản, hẹp bẩm sinh, u nguyên phát tại khí quản, có u trong trung thất, vùng cổ tuyến giáp xâm lấn, lao... và nhất là chít hẹp sau xạ trị ung thư vùng cổ. Cho đến nay các bác sĩ ở đây đã điều trị thành công cho 15 bệnh nhân mắc các chứng bệnh kể trên.
Cắt nối khí quản bằng phương pháp mới ở Bệnh viện Quân đội 108. Ảnh: Tường Linh |
Nhiều ưu việt từ phương pháp mới
ThS. Ngô Vi Hải, người trực tiếp phẫu thuật cho biết, trước đây khi chưa có kỹ thuật cắt nối - tạo hình khí quản, các bệnh nhân bị hẹp khí quản thường được điều trị sẹo hẹp bằng nong, đốt laze, sóng cao tần... Phương pháp này chỉ giải quyết được phần niêm mạc, trong khi tổn thương chiếm toàn bộ chiều dày thành khí quản nên dễ tái phát. Hơn nữa, với tổn thương hẹp do khối u thì không giải quyết được khối u và có nhiều rủi ro trong quá trình can thiệp. Phương pháp phẫu thuật cắt nối và tạo hình không những loại bỏ triệt để phần chít hẹp, loại bỏ u mà còn có tỷ lệ tái phát thấp (dưới 5%).
Theo ThS. Hải, phẫu thuật được chỉ định đối với những trường hợp bị chít hẹp trên 50% đường kính khí quản, bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng khó thở tăng dần và nhiễm khuẩn hô hấp tái đi tái lại do ứ đọng. Đối với các trường hợp bị hẹp do đặt nội khí quản hoặc mở khí quản... sẽ được phẫu thuật cắt bỏ đoạn chít hẹp rồi khâu nối. Trường hợp này, đoạn khí quản tổn thương thường không quá dài (1,5-2,5cm), phẫu thuật thường thuận lợi. Đối với những trường hợp hẹp khí quản do u khí quản nguyên phát hoặc u ở các cơ quan lân cận xâm lấn vào khí quản, yêu cầu đặt ra là vừa giải phóng đường thở và vừa giải quyết triệt để khối u. Các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật cắt toàn bộ khối u, loại bỏ phần chít hẹp giải phóng đường thở và tạo hình. Với kỹ thuật tốt, có thể cắt tối đa đoạn khí quản dài 4 - 6 cm. Các tổn thương u khí quản sau tia xạ thực sự là một thách thức vì sau chạy tia, các tổ chức xung quanh cũng như khí quản bị xơ cứng, thiểu dưỡng, nguy cơ hoại tử sau mổ gây bục miệng nối là rất cao. Các bác sĩ ở đây đã áp dụng kỹ thuật dùng vạt mạc nối lớn dưới bụng luồn sau xương ức kéo lên cổ phủ lên trên khí quản, bảo vệ và tăng cường dinh dưỡng cho miệng nối. Kỹ thuật này đã được tiến hành trên 2 bệnh nhân với kết quả khả quan.
Các bác sĩ cho hay, đây là một kỹ thuật khó (được xem là một trong những phẫu thuật khó nhất của phẫu thuật lồng ngực) do thực hiện trực tiếp trên đường thở trong khi bệnh nhân gây mê nội khí quản, khí quản nằm sâu, cạnh các mạch máu lớn và các cơ quan quan trọng như thực quản, thần kinh. Vì vậy đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề cao, nắm kỹ về giải phẫu của vùng liên quan. Hiện nay các phẫu thuật viên Bệnh viện 108 đã xây dựng và dần chuẩn hóa quy trình phẫu thuật. Nhờ đó, bệnh nhân có thể rút nội khí quản ngay trên bàn mổ và có thể nói được ngay sau mổ, có thê ra viện sau 7 - 10 ngày.
Hà Anh