Hà Nội

Tạo hình âm đạo - Giấc mơ làm mẹ

06-06-2014 14:28 | Giới tính
google news

SKĐS - Phụ nữ không có tử cung, không có âm đạo sẽ được tạo hình âm đạo. Nhờ vậy, họ có thể thực hiện được chức năng làm vợ, thậm chí làm mẹ.

Những bé gái hay những phụ nữ vốn phải ngặm nhấm với nỗi đau mang tên “Thạch nữ”, Giờ đây, nhờ bàn tay tài hoa của các bác sĩ họ đã tìm ra được lối thoát. Phụ nữ không có tử cung, không có âm đạo hay teo âm đạo sẽ được tạo hình âm đạo. Nhờ vậy, họ có thể thực hiện được chức năng làm vợ , thậm chí làm mẹ.

Nỗi đau mang tên “thạch nữ”!

“Thạch nữ” là từ dân gian thường gọi những phụ nữ sinh ra không có âm đạo và tử cung. Kể lại bệnh tình của mình cho bác sĩ nghe mà nước mắt của chị T.T.D (27 tuổi ngụ tại TP.HCM) cứ rơi lã chã: “Đêm tân hôn với tôi thực sự là địa ngục. Chồng loay hoay mãi cũng không thể gần gũi vợ. Trong khi đó, tôi đau đớn đến muốn ngất xỉu đi. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Đau đớn, tủi nhục và thấy vô cùng xấu hổ với chồng. Nỗi đau lên đến tột đỉnh khi mẹ chồng biết chuyện và bà bảo chồng tôi đã lấy phải “thạch nữ” chứ không phải lấy đàn bà về làm vợ. Bao nhiêu ngày sau đó, tôi phải sống trong sự ghẻ lạnh và đay nghiến. Trước khi bà về quê, không quên nói lại với tôi: là “thạch nữ” thì không thể làm vợ được nên tự biết cách mà xử lý. Ý bà là tôi phải ly hôn với chồng. Giờ đi khám, bác sĩ cho biết tôi bị dị tật sinh dục nữ bẩm sinh: không có tử cung, không có âm đạo”.

Gọi điện thoại đến đường dây nóng của Khoa Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Từ Dũ, bạn N.T.T (20 tuổi), hốt hoảng hỏi: sao quan hệ tình dục với bạn trai mà không thể thực hiện được? T. kể lại, quen bạn trai đã được 3 năm, cả hai cũng đã tính đến việc lập gia đình. Gần đây, khi hai người quan hệ tình dục thì không thể nào thực hiện được. Thời gian đầu cả hai đều nghĩ chắc do quan hệ không đúng cách. T. và bạn trai đã mua cả sách và đĩa “phim cấp 3” về xem nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Lên mạng tìm hiểu thì thấy mình giống với trường hợp bác sĩ ghi là “bất sản âm đạo”.

Một ca sinh năm tại Bệnh viện Từ Dũ

Một ca sinh 5 tại Bệnh viện Từ Dũ

Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, cũng đã từng phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhi bị bất sản âm đạo. Bệnh nhân N.T.H (13 tuổi, TP.HCM) có những biểu hiện đau bụng theo chu kỳ hàng tháng. Mỗi đợt đau bụng như vậy kéo dài khoảng 3 - 4 ngày liên tục như đau bụng kinh. Tuy nhiên người nhà kiểm tra thì không thấy ra máu kinh. Người nhà có đưa bé H. đi siêu âm, kết quả cho thấy u nang buồng trứng và chỉ được theo dõi. Những đợt đau bụng vùng bụng dưới gần đây ngày càng nặng nề hơn các lần trước đó, bé càng ngày càng khó đi tiểu… Khi H. bị đau bụng dữ dội, bụng phình to và bí tiểu, người nhà đã đưa vào một bệnh viện tuyến quận để cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán màng trinh của bé H. không có lỗ để thoát máu kinh và dịch ra bên ngoài. Vì thế, bé H. được phẫu thuật rạch mép màng trinh. Sau khi phẫu thuật, bé H. vẫn đau bụng dưới và bí tiểu nên phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, bé H. đã được các bác sĩ chẩn đoán ứ máu kinh trong tử cung âm đạo nhưng do nguyên nhân là bất sản âm đạo. Bé đã được phẫu thuật cấp cứu nhằm giải thoát tức thì lượng máu kinh ứ đọng trong nhiều tháng liền và tái tạo lại âm đạo.

Ánh sáng trong bóng tối

BS.CKII. Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: bệnh nhân T.T.D mặc dù đã được các bác sĩ khám và cho biết sẽ phẫu thuật tạo hình âm đạo nhưng vẫn rất lo lắng. Phẫu thuật âm đạo là gì? Đối với vấn đề của chị thì phẫu thuật theo phương pháp nào? Thời gian phẫu thuật là bao lâu? Phẫu thuật sau bao lâu vết sẹo lành? Chị băn khoăn không biết cuộc phẫu thuật có thành cồng không? Chị có chắc chắn thực hiện được chức năng làm vợ không? Sau cuộc phẫu thuật gần 1 năm chị gọi điện thoại chia sẻ:

Cuộc sống của chị đã thay đổi hoàn toàn. Chị bị bất sản âm đạo, các bác sĩ tái tạo thành công âm đạo để chị có thể quan hệ bình thường với chồng. Điều này giống như ánh sáng đã lóe lên trong bóng tối. Cảm ơn và biết ơn các y bác sĩ rất nhiều.

Theo BS. Nguyễn Thị Minh Tâm, tình trạng nữ giới không có tử cung và âm đạo ít gặp, nhưng không phải là hiếm. Ước tính cứ 4.000 - 10.000 phụ nữ thì có 1 trường hợp mắc dị tật này. Tại Bệnh viện Từ Dũ, trong 3 năm qua đã có gần 20 ca đến khám và điều trị. Đây là một bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ mà nguyên nhân chưa được xác định. Với những bệnh nhân mắc bệnh lý này thì âm đạo bị bít đường tống thoát nên sẽ gây cản trở bài tiết dịch và máu kinh. Vì thế, lượng dịch và máu kinh sẽ ứ động ở vùng âm đạo. Lứa tuổi biểu hiện bệnh đa phần là ở sơ sinh hoặc dậy thì. Ở trẻ sơ sinh, dưới tác động của estrogen (một loại hoóc-môn do một số cơ quan sinh dục nữ tiết ra) từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo. Trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh lý tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh, thay vì dịch này sẽ được thoát ra ngoài, lại bị ứ lại trong âm đạo. Biểu hiện là bé gái có khối u vùng âm hộ. Ngoài ra còn có các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu (sốt, nước tiểu đục,…). Còn ở trẻ dậy thì, đến tuổi có kinh nhưng bệnh nhân chỉ bị đau bụng theo chu kỳ tháng nhưng không thấy kinh.

Cũng theo BS. Tâm, để có đời sống tình dục bình thường, nữ giới mắc dị tật này cần được tạo hình âm đạo bằng phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là tạo ra một ống âm đạo có kích thước đủ và khả năng bài tiết để cho phép giao hợp được. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật được áp dụng trong tạo hình âm đạo. Sự lựa chọn loại phẫu thuật tùy thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên và đặc tính riêng biệt của từng bệnh nhân. Dị tật không âm đạo hiện nay được tạo hình bằng các vạt da cân (vạt thẹn) đem lại kết quả khả quan cả về mặt chức năng và hình thức. Trong trường hợp đoạn âm đạo bị mất dài 6 - 7cm, không đủ mô âm đạo để khâu nối, các bác sĩ sẽ sử dụng vạt da đùi hoặc một đoạn ruột để làm âm đạo mới, tạo ra đường dẫn. Tại Bệnh viện Từ Dũ còn áp dụng phương pháp Davidov để tái tạo âm đạo. Việc theo dõi và luyện tập sau phẫu thuật ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuộc phẫu thuật. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn và tập nong theo đúng chỉ định của bác sĩ. Thông thường sau phẫu thuật 6 tháng thì người phụ nữ có thể giao hợp được. Tiêu chuẩn vàng để phát hiện dị tật bất sản âm đạo là chụp MRI. Những phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như: đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được… đều phải đi thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân và có hướng giải quyết phù hợp. Vì loại phẫu thuật này thực hiện càng sớm thì cơ hội thành công càng cao.

NGUYỄN HUYỀN


Ý kiến của bạn