Bảo vệ nguồn tài nguyên dược liệu trong nước
Theo giới chuyên gia, về cơ chế chính sách phát triển dược liệu, cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, nguồn vốn… để tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn và phát triển dược liệu. Xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung theo nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) đối với các loài dược liệu trong quy hoạch, gắn liền với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để bảo vệ quyền lợi của người trồng dược liệu.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về dược liệu, luật bảo hiểm y tế…
Xây dựng chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, đáp ứng thực tiễn, phù hợp quy định hiện hành, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thị trường tiêu dùng thuốc đông y, thuốc từ dược liệu của Việt Nam. Ưu tiên sử dụng thuốc Y học cổ truyền, thuốc chế biến và sản xuất từ dược liệu trong nước tại các cơ sở y tế công lập, trong đấu thầu mua thuốc từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí bảo hiểm y tế và các chương trình y tế quốc gia.
Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất nguyên liệu dược liệu làm thuốc.
Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích cho hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu các sản phẩm dược liệu của Việt Nam.
Rà soát danh mục các loài cây thuốc, bài thuốc y học cổ truyền; ban hành danh mục dược liệu cấm khai thác, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại để bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trong nước.
Phân công đầu mối quản lý và trách nhiệm cụ thể giữa các Bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực dược liệu một cách cụ thể rõ ràng về chức năng nhiệm vụ, phối hợp liên ngành, tránh sự chồng chéo…
Cần áp dụng công nghệ tiên tiến
Về giải pháp về đầu tư, tài chính, cần ưu tiên đầu tư công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cây thuốc phục vụ công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu ở quy mô lớn; đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ và tái sinh dược liệu. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác nghiên cứu tại các vùng trồng dược liệu trọng điểm. Đầu tư kinh phí sự nghiệp khoa học cho các đơn vị nghiên cứu về dược liệu phù hợp. Tạo điều kiện cho bà con nông dân, người bảo tồn và phát triển cây dược liệu, cũng như doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực này được tiếp cận vay vốn ngân hàng một cách dễ dàng và ưu đãi về lãi suất…
Tăng cường cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu phát triển giống dược liệu, các trường đại học, các trường dạy nghề theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Nâng cấp các cơ sở chiết xuất dược liệu, sản xuất nguyên liệu dược, nghiên cứu sản xuất các dạng bào chế theo công nghệ tiên tiến, hiện đại góp phần tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh thay thế nguyên liệu nhập khẩu.
Đầu tư xây dựng mới theo hướng đồng bộ, hiện đại một số trung tâm nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu; trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có hàm lượng khoa học cao, tạo ra giá trị gia tăng, tập trung phát triển các sản phẩm quốc gia từ dược liệu; một số cơ sở sản xuất thuốc và các sản phẩm từ dược liệu với công nghệ bào chế hiện đại. Đầu tư xây dựng mới nhiều vườn cây thuốc quốc gia phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen và giống dược liệu.
Về khoa học công nghệ, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao, trong sơ chế và chiết xuất dược liệu, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, có sức cạnh tranh trên thị trường phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và ít gây ô nhiễm.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.