Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của đơn vị, doanh nghiệp và người dân, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Giám đốc BHXH tỉnh chỉ đạo các phòng trực thuộc, BHXH cấp huyện xây dựng phương án ứng phó, phòng chống bão lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, hồ sơ, tài sản của cơ quan BHXH các cấp; phân công cán bộ thường trực tại trụ sở cơ quan BHXH để kịp thời tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT cho đơn vị, doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, nghiêm túc quán triệt và thực hiện đầy đủ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn về phòng, chống bão lũ; có trách nhiệm cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tại địa phương tham gia ứng trực, cứu hộ, giúp đỡ nhân dân vùng bão lũ.
BHXH các địa phương chủ động, áp dụng các biện pháp linh hoạt để thực hiện việc thu tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT như: trực tiếp thu tiền của người dân trong trường hợp người dân đến nộp tiền để gia hạn thẻ BHYT do Đại lý thu không thu tiền vì lý do bất khả kháng; trường hợp Đại lý thu đã thu tiền đóng BHYT các trường hợp tăng mới hoặc gia hạn thẻ BHYT nhưng chưa nộp tiền ngay cho cơ quan BHXH thì hướng dẫn Đại lý thu thực hiện gửi tin nhắn cam kết với cơ quan BHXH để kịp thời cấp mới, gia hạn thẻ cho người tham gia; đẩy mạnh giao dịch điện tử, thanh toán điện tử song phương thu BHXH, BHYT 24/7; giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công ngành BHXH Việt Nam...
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh trao số tiền hỗ trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ của ngành BHXH đến Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kịp thời tạm ứng đủ kinh phí cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT để phục vụ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; cấp thuốc điều trị đối với các trường hợp mắc bệnh mạn tính, điều trị dài ngày phù hợp với điều kiện đi lại của người bệnh; hỗ trợ về thủ tục hành chính trong chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh (tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị cách ly, cô lập do bão lũ...).
Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan bưu điện xây dựng phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN phù hợp với diễn biến bão lũ tại địa phương; chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách BHXH, BHTN cho người tham gia, đồng thời đảm bảo an toàn trong quá trình chi trả; áp dụng linh hoạt các biện pháp chi trả, kể cả phương án chi trả trực tiếp tại nhà cho người hưởng; thông tin trước 02 ngày cho người hưởng biết về phương thức chi trả, thời gian chi trả.
BHXH các tỉnh ngoài các địa phương nêu trên, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương tăng cường các biện pháp để đôn đốc thu, phát triển đối tượng, giảm nợ đọng, đảm bảo hoàn thành toàn diện chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2020. BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện; trường hợp phát sinh tình huống bất thường, kịp thời báo cáo về BHXH Việt Nam để có phương án xử lý, giải quyết.
Tại buổi lễ, lãnh đạo BHXH Việt Nam và các đơn vị trực thuộc đã trực tiếp quyên góp. Đồng thời, Văn phòng BHXH Việt Nam trích số tiền từ Quỹ hoạt động tình nghĩa của ngành BHXH Việt Nam do công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đóng góp để hỗ trợ người dân miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ. Sau lễ quyên góp, thay mặt lãnh đạo BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đã trao số tiền ủng hộ đến Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành công văn gửi các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh thành phố kêu gọi, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành bằng cả tình cảm, trách nhiệm, tấm lòng nhân ái chung tay quyên góp, ủng hộ một phần thu nhập, đồng thời tùy theo khả năng của mình ủng hộ nhiều hơn về tinh thần, vật chất để giúp đỡ nhân dân vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.