Hà Nội

Tạo điều kiện để người nghèo mắc bệnh nặng được lên tuyến trên điều trị

01-10-2024 09:45 | Y tế
google news

SKĐS - Đây là một trong những đề xuất tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 30/9. Theo các đại biểu, khi tuyến dưới không đủ năng lực, người dân nghèo mắc bệnh khó nên được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên.

Phát biểu tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT mới đây, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Luật BHYT sau 15 năm triển khai trên thực tiễn đã khẳng định rõ tính đúng đắn, cần thiết và phù hợp của chính sách BHYT đã và đang được áp dụng trên thực tế cuộc sống, thể hiện có tới hơn 93% dân số tham gia BHYT.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nội dung về chính sách BHYT để đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, quá trình triển khai Luật Bảo hiểm y tế phát sinh một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần được khắc phục cũng như còn một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan. Vì vậy, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Tạo điều kiện để người nghèo mắc bệnh nặng được lên tuyến trên điều trị- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Tạo điều kiện cho người nghèo mắc bệnh nặng

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với các trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… sẽ được chuyển thẳng lên cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục và tạo thuận lợi, chi phí cho người dân cũng như tiết kiệm chi phí cho quỹ. Trong dự thảo còn bổ sung thêm hình thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng đặc thù là lực lượng vũ trang, nhân dân ở khu vực biên giới, các xã đặc biệt khó khăn, biển đảo.

Đồng tình với dự thảo, tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, nhiều đại biểu quan tâm đến về vấn đề chuyển tuyến điều trị. Theo đó, các đại biểu cho rằng, cần tạo điều kiện cho người dân nghèo mắc bệnh hiểm nghèo được lên tuyến trên điều trị khi tuyến dưới không đủ năng lực, người dân tự đi khám và điều trị tuyến trên.

Đối với người bệnh mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, viêm gan siêu vi... đưa về tuyến cơ sở quản lý, có hệ thống lưu trữ rõ ràng, điều kiện khi chuyển lên tuyến trên điều trị kèm hồ sơ bệnh án tuyến cơ sở để tuyến trên tiếp tục và có cơ sở dữ liệu giảm thiếu mất thời gian về hồ sơ bệnh án.

Tạo điều kiện để người nghèo mắc bệnh nặng được lên tuyến trên điều trị- Ảnh 2.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với các trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… sẽ được chuyển thẳng lên cấp chuyên môn cao.

Đề xuất trẻ em dù có giấy khai sinh hay không vẫn được đảm bảo hưởng BHYT

Đại diện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - đại biểu Lê Thái Bình Khang - đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để trẻ em dù có giấy khai sinh hay không vẫn được đảm bảo hưởng BHYT; xem xét nghiên cứu quy định các đối tượng có thời gian đóng BHYT lâu hơn sẽ có quyền lợi cao hơn cũng như nghiên cứu về khả năng cho phép các cá nhân trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có khả năng đóng cao hơn quy định được đóng BHYT để hưởng mức BHYT cao hơn.

Ngoài ra, ông Lê Thái Bình Khang đề nghị, dự thảo Luật bổ sung thêm quy định cho phép thanh toán bảo hiểm y tế đối với hoạt động áp dụng thêm phác đồ điều trị của các hiệp hội, tổ chức y tế để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Lập luận về đề xuất đóng cao hơn được hưởn mức BHYT cao, đại biểu cho rằng, hiện nay với BHYT có người đóng nhiều năm, người đóng ít năm, dẫn đến việc nhiều người sẽ than phiền đóng trong thời gian dài nhưng lúc bệnh lại được hưởng giống như người mới đóng. Do vậy, BHYT nên xem xét thời gian đóng của mỗi người, như thời gian đóng từ 5 - 10 năm, hoặc hơn có thể hưởng chi phí BHYT cao hơn.

Góp ý về vấn đề thanh toán BHYT, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Anh Dũng cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm việc thanh toán BHYT khi chuyển thuốc và vật tư giữa các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong điều kiện cấp cứu.

Hiện nay, ngành y tế TPHCM đã có ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu giữa các cơ sở y tế để liên hệ sử dụng thuốc trong tình huống khó khăn, kịp thời điều trị cho người bệnh. Do đó, ông Nguyễn Anh Dũng đề nghị BHYT chi trả cho các trường hợp cấp cứu ngoài bệnh viện.

Hệ thống Cấp cứu 115 đã phủ sóng khắp cả nước, việc thanh toán BHYT là nhu cầu cần thiết. Các trường hợp ngưng tim, ngưng thở, đột quỵ, tai nạn cần được thanh toán BHYT để hệ thống cấp cứu phát triển bền vững, để bác sĩ không phải lo cứu người mà lo không được thanh toán bảo hiểm.

TPHCM đề xuất hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho người nghèo, tăng hỗ trợ từ ngân sách cho học sinh, sinh viênTPHCM đề xuất hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho người nghèo, tăng hỗ trợ từ ngân sách cho học sinh, sinh viên

SKĐS - Chiều 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.


Trần Hải
Ý kiến của bạn