Tạo cơ chế tăng thêm thu nhập để giữ chân bác sĩ

29-09-2017 14:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sự việc trong gần 2 năm, gần một trăm bác sĩ đang làm tại BV công ở Đồng Nai xin nghỉ việc để đầu quân cho các bệnh viện tư đã làm dấy lên lo ngại về tình hình thiếu nguồn nhân lực bác sĩ tại địa phương.

Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Huy Anh  Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai về vấn đề này.TS.BS. Phan Huy Anh Vũ.

TS.BS. Phan Huy Anh Vũ.

PV: Hiện nay các BV đều “đau đầu” về tình trạng bác sĩ nghỉ việc. Tình trạng này có cao hơn và nghiêm trọng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Xin bác sĩ cho biết, con số cụ thể của bác sĩ nghỉ việc tại các đơn vị?

TS. Phan Huy Anh Vũ: Từ đầu năm 2017 đến nay, các cơ sở y tế trong toàn ngành Đồng Nai, bác sĩ xin thôi việc vẫn xảy ra. Bác sĩ xin thôi việc đều được cấp chứng chỉ hành nghề, có thâm niên từ 5 - 7 năm trở lên, đã có kinh nghiệm và được bệnh viện gửi đi đào tạo về chuyên khoa về các chuyên ngành.

Số lượng bác sĩ giảm, mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp như thực hiện chính sách thu hút bác sĩ, đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ sử dụng, đào tạo liên thông... Tuy nhiên, số lượng bác sĩ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc nhiều bác sĩ thôi việc ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu bác sĩ/vạn dân theo Nghị quyết Đại hội tỉnh, mặt khác ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Việc nhiều bác sĩ xin thôi việc gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, công tác phòng chống dịch bệnh và gây khó khăn trong phát triển kỹ thuật chuyên môn, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại các khoa/phòng của bệnh viện, trung tâm y tế và ngành y tế.

Đến hết tháng 8/2017, bác sĩ xin thôi việc là 45, so với cùng kỳ này năm 2016 giảm 7 bác sĩ (năm 2016 bác sĩ xin thôi việc là 52). Như vậy cũng không cao hơn nhiều so với năm 2016.

PV: Trong số các bác sĩ nghỉ việc có nhiều người là trưởng, phó khoa, thậm chí là người cơ cấu làm Phó Giám đốc BV. Nhưng họ vẫn quyết nghỉ việc ở BV công sang BV tư làm. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

TS. Phan Huy Anh Vũ: Bác sĩ làm công tác lãnh đạo, quản lý ở một số BV xin thôi việc (cụ thể, bác sĩ Phó Giám đốc BVĐK Thống Nhất và một số trưởng, phó khoa của các bệnh viện, trung tâm y tế) đã gây ảnh hưởng đến tâm lý của các bác sĩ khác trong đơn vị. Trong thời gian qua có một số khoa, phòng của một số BV tuyến tỉnh có nhiều bác sĩ xin thôi việc gây tình trạng khó khăn, thiếu bác sĩ ở khoa đó, một số chuyên khoa bác sĩ có chuyên môn tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm nên không thể ngay một lúc có thể đào tạo được bác sĩ khác thay thế.

Đa số bác sĩ này đều chuyển ra làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân vì lý do thu nhập, bởi các BV, phòng khám tư sẵn sàng chi trả mức lương cao từ 30-50 triệu đồng/tháng/bác sĩ (tùy vị trí, tay nghề). Trong khi tại BV dù có nỗ lực lắm cũng chỉ có thể trả cho bác sĩ có thâm niên 10-12 năm từ 15-18 triệu đồng/tháng; bác sĩ mới ra trường khoảng 5 triệu đồng/tháng. Việc bác sĩ nghỉ việc hàng loạt ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của BV, nhất là trong phát triển các chuyên khoa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động chuyên môn của các khoa. Có bác sĩ được quy hoạch phó giám đốc BV nhưng vẫn nghỉ việc khiến hoạt động của nhiều khoa gặp khó khăn, còn BV ngày càng thiếu bác sĩ như BV Nhi đồng.

PV: Theo ý kiến của ông, tình trạng bác sĩ nghỉ việc ở BV công liệu có dừng lại hay vẫn còn tiếp diễn?

TS. Phan Huy Anh Vũ: Việc bác sĩ nghỉ việc trong y tế công lập có thể nói sẽ không dừng và vẫn tiếp tục tiếp diễn ra trong thời gian tới vì lý do sau: Sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân đã góp phần chia sẻ với ngành y tế về công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, góp phần giảm tải tại các BV. Y tế công lập và ngoài công lập bình đẳng trước pháp luật, việc chuyển dịch lao động (bác sĩ từ công sang tư) là phù hợp quy luật kinh tế thị trường.

Cán bộ y tế nói chung nhất là bác sĩ trong hệ thống y tế công lập được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bài bản, có kiến thức, có kỹ năng tay nghề cao trong phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Khi y tế ngoài công lập có nhu cầu tuyển dụng, mức lương hấp dẫn, một số bác sĩ sẵn sàng xin thôi việc, bỏ việc để sang BV tư nhân làm việc.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch nhân lực y tế nhất là bác sĩ chỉ xảy ra ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển của y tế ngoài công lập, khi đi vào ổn định hoạt động thì việc tiếp nhận xảy ra bình thường, thậm chí là hạn chế không thể còn làn sóng như hiện nay. Mặt khác, y tế ngoài công lập luôn chi trả thu nhập ở mức cao, nên khi nguồn thu này bị hạn chế do nhiều nguyên nhân tất sẽ dẫn đến hạn chế thu nhận bác sĩ, đồng thời bác sĩ có ý định chuyển đổi công việc vì lý do thu nhập cũng sẽ đắn đo, suy nghĩ khi quyết định rời ra y tế ngoài công lập làm việc.Chăm sóc bệnh nhân tại BVĐK khu vực Định Quán Đồng Nai.

Chăm sóc bệnh nhân tại BVĐK khu vực Định Quán Đồng Nai.

PV: Vậy trước tình trạng trên,  ngành y tế Đồng Nai có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

TS. Phan Huy Anh Vũ: Thu nhập của viên chức (bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế) trong hệ thống y tế công lập thấp, trong khi mức lương, thu nhập ở các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 - 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 - 6 lần thu nhập ở y tế công lập. Mặt khác, do áp lực công việc, sự quá tải của các cơ sở y tế công lập và áp lực từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân phát triển có nhu cầu tuyển bác sĩ, nhất là bác sĩ có chuyên môn sâu, chuyên khoa, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nên sẵn sàng đưa ra mức lương cao để thu hút.

Hiện nay, tỉnh đã có chế độ thu hút và ưu đãi bác sĩ về Đồng Nai làm việc. Cụ thể, mức thu hút từ 100-150 triệu đồng/bác sĩ và hỗ trợ 1,2-1,8 triệu đồng/bác sĩ/tháng. Tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng ở những cơ sở y tế tuyến huyện và các BV chuyên khoa. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân “trải thảm đỏ”, mức thu nhập hấp dẫn từ 30-80 triệu đồng để thu hút hàng loạt bác sĩ từ các BV công lập về làm việc, nhất là các BV tuyến tỉnh.

Do đó, sẽ đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng mức thu hút này cho các BV tuyến tỉnh và số TTYT còn lại. Bên cạnh đó, ngoài các giải pháp cho bác sĩ đi đào tạo chuyên khoa, phát triển các dịch vụ trong BV để nâng cao thu nhập, ở mỗi BV cần có chính sách để giữ chân các bác sĩ giỏi, tạo ra môi trường làm việc tốt. Sở Y tế sẽ tham mưu tỉnh mở rộng đối tượng được hỗ trợ 1,6 - 1,8 triệu đồng/người/tháng cho tất cả bác sĩ làm ở các cơ sở y tế công lập (thay vì chỉ ở tuyến huyện và các BV chuyên khoa). Ưu tiên các bác sĩ đào tạo theo địa chỉ tốt nghiệp loại giỏi được chọn về làm việc ở các BV tuyến tỉnh. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là thực hiện Nghị định 16 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Từ nay đến năm 2020 sẽ từng bước tính đủ chi phí vào giá khám chữa bệnh, giúp các BV tự chủ tài chính, tạo cơ chế tăng thêm thu nhập cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế.


Minh Đức (thực hiện)
Ý kiến của bạn