Tạo cơ chế cho hoạt động nuôi trồng, phát triển dược liệu

24-10-2023 10:23 | Xã hội

SKĐS - Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị cạn kiệt, nhiều loại cây không còn khả năng tái sinh, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng...

Phát triển dược liệu mở ra hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thực tế cho thấy hiện nay, nguồn cung dược liệu của tỉnh chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác từ tự nhiên, chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh, dẫn đến nguy cơ suy giảm nhanh về số lượng, thành phần loài cây thuốc, cây dược liệu quý. Việc trồng, chế biến cây thuốc, cây dược liệu chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát.

Ngoài ra, trên địa địa bàn tỉnh thiếu doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu quý vẫn đang là điều mà các địa phương có thế mạnh mong muốn được thực hiện.

Tạo cơ chế cho hoạt động nuôi trồng, phát triển dược liệu - Ảnh 1.

Bắc Kạn có nhiều chính sách tạo cơ chế cho hoạt động nuôi trồng, phát triển dược liệu

Trong những năm qua các sở ngành liên quan của tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai một số nhiệm vụ khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu, như đề tài: Nghiên cứu phát triển trồng dược liệu tỉnh Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu (Hoài Sơn và Địa Hoàng) theo chuỗi giá trị tại Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ trồng và bao tiêu sản phẩm cây cà gai leo tại tỉnh Bắc Kạn các dự án đã tiến hành điều tra một số cây dược liệu trong tự nhiên như ba kích tím, hà thủ ô đỏ, dong riềng đỏ, đẳng sâm, ban lá dính, hoài sơn, địa hoàng.

Cùng với đó, các sở, ngành phối hợp nghiên cứu xác định được vùng trồng, loại cây dược liệu có năng suất, chất lượng tốt, thích hợp sản xuất hàng hóa và có thị trường tiêu thụ ổn định. Xây dựng được một số mô hình trồng cây dược liệu. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật từ nhân giống, trồng, thâm canh, sơ chế, bảo quản dược liệu.

Hiện nay, việc phát triển trồng cây dược liệu đã và đang mở ra hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp đồng bào tỉnh Bắc Kạn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Việc đưa cây dược liệu vào quy hoạch vùng trồng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các huyện trên địa bàn, qua đó thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, chuyển đổi từ cây có giá trị thấp sang trồng theo mô hình công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Kạn thăm mô hình trồng cây dược liệu tại xã Quân Hà, huyện Bạch Thông.

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành chính sách hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các nội dung hỗ trợ tập trung vào tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ máy móc thiết bị để thực hiện dự án liên kết; xây dựng mô hình khuyến nông; tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì nhãn mác…

Cụ thể, hỗ trợ HTX Giáo Hiệu (Pác Nặm) xây dựng được 01 dự án liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ; hỗ trợ HTX Mộc Lan Rừng, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) xây dựng 01 mô hình trồng cây khôi nhung tía, với quy mô 10ha; hỗ trợ HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) kinh phí xây dựng nhà xưởng;…

Ngoài ra, từ nguồn khuyến công của Trung ương và của tỉnh, nhiều HTX được hỗ trợ máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu có chất lượng cao.

Tạo cơ chế cho hoạt động nuôi trồng, phát triển dược liệu

Được biết, năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 8/2/2023 Triển khai thực hiện Dự án Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Dự án 3 tiểu dự án 2, nội dung số 02 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Dự án dược liệu quý).

Triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Viện Dược liệu tổ chức khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm triển khai vùng trồng dược liệu, tổ chức thẩm định Dự án dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Dự án sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng chính sách xã hội của Trung ương và địa phương; vốn xã hội hóa từ đóng góp của các cá nhân, tổ chức, đơn vị và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển ổn định, hiệu quả vì thực tế giá trị của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Tới đây, nhiều HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, gieo ươm nhân giống để người dân trong vùng cùng tham gia trồng, nhằm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu

Trước đó ngày 19/10/2022, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định về Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030. Để thực hiện mục tiêu chung là phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, tại Kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gồm:

Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền, giúp Nhân dân hiểu đúng về tác dụng, hiệu quả của thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền; về các thành tựu của y dược cổ truyền, tổ chức các hoạt động tôn vinh danh y, thầy thuốc y dược cổ truyền; tăng cường công tác quản lý thông tin, tuyên truyền, quảng cáo về y dược cổ truyền.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng quy mô 75 giường bệnh. Khuyến khích thành lập và phát triển các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh y dược cổ truyền - phục hồi chức năng ngoài công lập.

Tạo cơ chế cho hoạt động nuôi trồng, phát triển dược liệu - Ảnh 2.

Đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện

Nâng cấp, đầu tư trang thiết bị y tế, từng bước hiện đại hóa Khoa Y học cổ truyền tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Khoa Y học cổ truyền hoặc Tổ Y học cổ truyền tại Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố và các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với khả năng ngân sách và tình hình thực tế của tỉnh.

Tăng cường vai trò của Hội Đông y tỉnh, hỗ trợ ngân sách, cơ sở vật chất, biên chế cho Hội Đông y các cấp hoạt động theo quy định hiện hành.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển y dược cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Chuyển COVID-19 sang nhóm B: Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang thế nào?Chuyển COVID-19 sang nhóm B: Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang thế nào?

SKĐS - Liên quan đến việc có cần thiết đeo khẩu trang khi chuyển COVID-19 sang nhóm B, Cục trưởng Phan Trọng Lân cho biết việc đeo khẩu trang trong tình hình hiện nay là khuyến khích để phòng các bệnh đường hô hấp khác chứ không riêng gì COVID-19...


Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn