Táo bón – thủ phạm gia tăng bệnh đái dầm ở trẻ em

12-01-2016 12:00 | Thông tin dược học

SKĐS - Nhóm chuyên gia Trung tâm y học Baptist North Carolina, Mỹ (MCN), phát hiện thấy táo bón là một trong những lý do làm tăng bệnh đái dầm ở trẻ nhỏ.

Sau khi nghiên cứu ở 30 trẻ em đang điều trị bệnh đái dầm, nhóm chuyên gia Trung tâm y học Baptist North Carolina, Mỹ (MCN), phát hiện thấy táo bón là một trong những lý do làm tăng bệnh đái dầm ở trẻ nhỏ và sau 3 tháng điều trị bằng thuốc nhuận tràng, 25 trong số này đã khỏi bệnh. Liên quan vến đề này, Viện hàn lâm Bệnh tâm thần trẻ em của Mỹ cho biết, tại quốc gia này hiện có khoảng 15% số trẻ em trên 3 tuổi mắc tật đái dầm, trong đó các bé trai có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Phần lớn nhóm mắc bệnh thường có lượng phân trong trực tràng nhiều hơn so với những em không mắc bệnh. Trong nghiên cứu của MCN có 19 bé trai, 11 bé gái tuổi từ 5 – 15 tuổi, đều đang được điều trị, tất cả được chụp X-quang. Kết quả, phân trong trực tràng của những bé này nhiều hơn so với những em không mắc bệnh.

Trước nghiên cứu này, người ta cũng phát hiện thấy hiện tượng trên song không biết cách điều trị, chỉ dùng chất làm mềm phân để giúp trẻ đi đại tiện dễ dàng chứ không dùng thuốc nhuận tràng. Theo TS. Steve Hodges, người chủ trì nghiên cứu, ngoài táo bón, còn có nhiều nguyên nhân khác, vì vậy nhóm đề tài đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra thủ phạm đích thực và thuốc đặc trị. Tuy nhiên, khi trẻ mắc bệnh không nên cấm uống nước mà phải bổ sung nước nhiều hơn nhằm hạn chế tình trạng mất nước và không làm cho tình trạng táo bón thêm trầm trọng.

(Theo FO)

KHẮC NAM


Ý kiến của bạn