Tần suất mắc bệnh chiếm 3% ở trẻ dưới 4 tuổi, 10% ở trẻ trước tuổi trưởng thành. Trẻ bị táo bón chiếm tỉ lệ 25% lý do tới khám chuyên khoa tiêu hóa, 16% cha mẹ than phiền về lý do táo bón của con…
Táo bón là sự giảm tần suất đi ngoài bình thường kèm theo khó và đau khi đi do phân rắn hoặc quá to. Theo lứa tuổi thì: Trẻ sơ sinh đi dưới 2 lần/ngày. Trẻ bú mẹ đi dưới 3 lần/tuần (trên 2 ngày/lần). Trẻ lớn đi dưới 2 lần/tuần (trên 3 ngày/lần) được cho là bị táo bón.
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị táo bón.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em
Nguyên nhân thực thể: Nguyên nhân ở đại - trực tràng, thần kinh, toàn thân… Tất cả chỉ chiếm 5% các nguyên nhân gây táo bón ở trẻ nói chung. Các nguyên nhân này cần được phân loại sớm để có những biện pháp điều trị đặc hiệu và phòng tránh biến chứng nặng nề như phình to đại tràng (bệnh Hipschsprung) hay bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme).
Nguyên nhân cơ năng: Là hay gặp nhất, chiếm khoảng 90 - 95% các trường hợp trẻ bị táo bón do chức năng ống tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện do việc hấp thu nước và điện giải ở ruột cuối cũng như động tác co bóp đẩy tống phân ra ngoài ở trẻ chưa ổn định; do yếu tố tâm lý - giáo dục và yếu tố dinh dưỡng. Vì vậy, trước khi nghĩ đến các nguyên nhân khác thì người mẹ cần xem lại chế độ dinh dưỡng của con mình đã đầy đủ và hợp lý chưa để điều chỉnh cho phù hợp.
Dùng thuốc như thế nào?
Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn có chậm đi ngoài vài ngày nhưng trẻ vẫn tự đi được và phân vẫn mềm nhuyễn thì hầu hết là bình thường. Cha mẹ cần bình tĩnh và tiếp tục theo dõi thêm.
Nếu trẻ có ứ phân thì phải thụt tháo/xổ phân ngay. Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Có thể chọn một trong các biện pháp sau: Glycerin đặt hậu môn; thụt tháo bằng nước chín nguội, làm mềm phân cho dễ đi ngoài; có thể dùng thuốc lactoluse hoặc sorbitol điều hòa nhu động sinh lý của đại tràng và cũng giúp làm phân mềm hơn. Đối với trẻ trên 1 tuổi: Có thể tháo/xổ phân nhanh bằng glycerin đặt hậu môn hoặc thụt tháo 1-2 lần/ngày. Có thể phối hợp: Ngày thứ nhất thụt tháo, ngày thứ hai, thứ ba dùng viên đặt hậu môn. Nếu cần lập lại liệu trình này 1-2 lần. Tháo/sổ phân chậm bằng lactoluse hoặc sorbitol chia hai lần/ngày x 7 ngày. Lưu ý không áp dụng biện pháp thụt/tháo lâu dài, chỉ áp dụng trong điều kiện cần tháo, xổ phân ra ngoài tức thời khi bị ứ phân lâu ngày.
Cách trị táo bón cho trẻ.
Trong trường hợp không có ứ phân cần điều trị duy trì: có thể dùng nhuận tràng thẩm thấu như lactulose hay sorbitol hay nhuận tràng kích thích như bisacodyl.
Sau khi điều trị được thành công, tức trẻ đi ngoài hơn hoặc bằng 3 lần/tuần, thì việc điều trị phải được duy trì ít nhất 6 tháng (một số trẻ thậm chí cần thời gian nhiều hơn) và sau đó giảm liều chậm. Tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột sẽ mất tác dụng và việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, trẻ cần được: Cung cấp đủ nhu cầu nước hàng ngày, không cần quá nhiều. Cung cấp các thức ăn giàu chất xơ (rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám…). Cần khuyến khích trẻ đi ngoài hàng ngày vào khoảng thời gian cố định. Chú ý cho trẻ chạm chân lên một mặt phẳng khi ngồi đi ngoài. Không hối thúc trẻ. Có thể kết hợp xoa bụng ở trẻ nhỏ. Việc hợp tác giữa cha mẹ, người chăm sóc trẻ và nhân viên y tế rất quan trọng cho việc điều trị thành công.