Táo bón ở trẻ: Khi nào cần đi khám?

04-05-2023 06:47 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Ở trẻ nhỏ khi mắc rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy thì cha mẹ rất lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ bị táo bón thì cha mẹ thường chủ quan và không quan tâm. Điều này thực sự là một sai lầm.

Các lưu ý chăm sóc trẻ bị táo bón cha mẹ nên đọcCác lưu ý chăm sóc trẻ bị táo bón cha mẹ nên đọc

SKĐS - Táo bón là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo thống kê, có khoảng 10% trẻ em bị táo bón, trong đó có khoảng 30% trường hợp cần có sự can thiệp của bác sĩ.

Táo bón là vấn đề rất hay gặp ở trẻ nhỏ, nếu không cải thiện, để tình trạng này kéo dài có thể gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe. Trẻ bị táo bón có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể gây trĩ, tắc ruột…

Biểu hiện khi trẻ bị táo bón

Ở trẻ nhỏ việc ăn uống và đại tiện tùy thuộc vào độ tuổi, chế độ ăn rất nhiều. Thời kỳ sơ sinh, việc đại tiện có thể không vấn đề gì, bởi khi đó trẻ bú mẹ hoàn toàn. Và do thời kỳ sau sinh người mẹ có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất hơn.

Bước vào giai đoạn 3 tháng và thời gian sau đó, người mẹ phải đi làm, ăn uống cũng không được như những ngày ở cữ nên tình trạng táo bón ở trẻ có thể sẽ xảy ra. Đặc biệt ở lứa tuổi ăn dặm và thời kỳ mọc răng ở trẻ.

Việc trẻ ăn ít chất xơ và uống sữa công thức không hợp cũng có thể dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ.

Khi trẻ bị táo bón thường có các biểu hiện dễ nhận thấy là đại tiện phân cứng, trẻ đau khi mỗi lần đi đại tiện.

Ở trẻ nhỏ khi bị táo bón có thể cong chân hoặc lưng, khóc khi đi đại tiện. Trẻ lớn hơn thì sợ, nên tránh vào nhà vệ sinh, trẻ trốn vào một góc và nhón gót khi có cảm giác mắc đi đại tiện.

Táo bón ở trẻ: Khi nào cần đi khám? - Ảnh 2.

Táo bón là vấn đề rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Ảnh minh hoạ.

Trẻ nào dễ mắc táo bón?

Trên thực tế trẻ nhỏ nào cũng có thể mắc táo bón. Tuy nhiên, theo thống kê tình trạng táo bón gặp nhiều hơn gấp 3 lần ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, cụ thể:

- Trẻ dễ táo bón ở thời kỳ sau khi bắt đầu ăn dặm

Ở thời kỳ ăn dặm, trẻ cũng dần đi vào nếp sinh hoạt ở một giờ nhất định, nên thời gian đại tiện cũng vậy. Tuy nhiên, do từ bú mẹ hoàn toàn, trẻ chuyển sang tập ăn dặm nên rất dễ bị táo bón, bởi chưa quen với các thức ăn. Mặt khác, cũng có thể do chế độ ăn, thực phẩm ít chất xơ, nên dễ bị táo bón hơn. Bởi vậy, cha mẹ nên chú ý các khoảng thời gian này, giúp trẻ phòng ngừa táo bón, nhận biết ngay nếu trẻ có táo bón và can thiệp sớm, để tránh táo bón ảnh hưởng nhiều đến trẻ.

- Táo bón ở độ tuổi đi học

Khi trẻ bắt đầu đi nhà trẻ, đến lớp học… lúc đó môi trường mới xa lạ nên trẻ ngại xin phép cô giáo, hoặc sợ bẩn không muốn đi đại tiện, sau vài lần như thế sẽ làm cho đại tràng dãn to, vì vậy phân phải tích nhiều ngày mới đủ kích thích đại tràng, gây phản xạ đi ngoài. Trẻ thường đi ngoài phân khuôn to như người lớn, phân cứng và khô.

Ngoài ra, khi trẻ chuyển chế độ ăn, chẳng hạn như mẹ đi làm nên phải bú sữa công thức, từ ăn bột sang ăn cháo… cũng dễ bị táo bón.

Thời kỳ trẻ tập ngồi bồn cầu cũng có thể khiến trẻ bị táo bón, vì nếu trẻ chưa sẵn sàng đi đại tiện, trẻ có thể nín lại và sẽ gây táo bón. Đối với trẻ bị đau khi đi tiêu hoặc tiêu khó, trẻ càng có khuynh hướng nhịn đi tiêu và làm cho táo bón nặng hơn.

Nên cho trẻ ngồi trên bồn cầu và có chỗ để chân, đặc biệt khi trẻ sử dụng bồn cầu dành cho người lớn. Nên khuyến khích trẻ đi tiêu vào thời gian thong thả, nhất định mỗi ngày, tốt nhất là sau bữa ăn, vì sau khi ăn sẽ kích thích trẻ đi đại tiện.

Táo bón ở trẻ: Khi nào cần đi khám? - Ảnh 3.

Cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và các thức ăn có nhiều chất xơ để phòng bệnh táo bón.

Trẻ bị táo bón khi nào cần khám?

Câu hỏi đặt ra của nhiều cha mẹ là khi nào cần cho trẻ đi khám nếu bị táo bón. Liệu có cần phải đi khám không. Thực tế cho thấy trẻ táo bón thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe, sẽ gây nhiều hệ lụy. Vì vậy, những trường hợp sau, cha mẹ cần cho trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám.

  • Trẻ bị táo bón dưới 4 tháng tuổi.
  • Trẻ bị táo bón thường xuyên, hay tái phát.
  • Đã điều trị táo bón, nhưng trẻ vẫn chưa đi đại tiện sau 24 giờ.
  • Trẻ táo bón và thấy có máu trong phân hoặc máu dính ở tã, quần lót.
  • Trẻ táo bón có thêm các biểu hiện đau bụng hoặc đau hậu môn.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ táo bón?

Trước hết cha mẹ cần chú ý thay đổi chế độ ăn của trẻ, thông thường nếu trẻ bị táo bón nhẹ hoặc trong thời gian ngắn, sẽ giảm hoặc hết táo bón nếu cha mẹ cho trẻ ăn theo chế độ như:

- Cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và các thức ăn có nhiều chất xơ. Tránh cho trẻ ăn yogurt, phô mai, kem...

- Cần cho trẻ uống các loại nước trái cây có thể giúp trẻ làm mềm phân như: Nước mận, táo, lê... Tuy nhiên, không dùng quá 180ml nước trái nguyên chất cho trẻ 1 - 6 tuổi.

- Cho trẻ uống đủ nước, ít nhất 960ml nước (không phải sữa)/ngày. Không cần thiết cho trẻ uống một lượng nước lớn để trị táo bón, nhưng cần bảo đảm trẻ uống đủ (uống nhiều lần trong ngày). Đối với trẻ > 1 tuổi, lượng nước (không phải là sữa) cần thiết là 960 ml hoặc nhiều hơn/ngày. Không cho trẻ uống nhiều hơn nếu trẻ không khát.

- Cần có một chế độ ăn uống khoa học. Cho trẻ ăn chế độ ăn cân bằng, bao gồm ngũ cốc, trái cây và rau. Không cần ép trẻ ăn nhiều những thức ăn này và dùng chế độ ăn nhiều chất xơ.

- Đối với trẻ tập đi vệ sinh, cha mẹ cho trẻ ngồi trên bồn cầu 5 -10 phút sau bữa ăn. Nên khuyến khích trẻ ngồi trên bồn cầu 5 đến10 phút, một đến 2 lần/ngày sau bữa ăn. Khen ngợi và thưởng trẻ cho việc này, ngay cả khi trẻ chưa đi tiêu.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân.



ThS. BS Nguyễn Diệu Vinh
Ý kiến của bạn