Táo bón do sa trực tràng kiểu túi

01-12-2015 14:15 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sa trực tràng kiểu túi thường gặp ở 2 đối tượng: nếu do nguyên nhân bẩm sinh thì gặp ở các thiếu nữ 16 - 20 tuổi với triệu chứng đi cầu khó, kéo dài thời gian rặn để đại tiện; ngược lại nếu do nguyên nhân sinh đẻ ngõ âm đạo thì gặp ở phụ nữ trung niên, sinh đẻ nhiều lần.

Sa trực tràng kiểu túi (rectocele) được định nghĩa là sự sa hay nhô của thành trước trực tràng vào thành âm đạo. Sa trực tràng kiểu túi thường liên quan đến tuổi, quá trình sinh nở và sự sa nhão sàn chậu. Khoảng 1% số bệnh nhân đến khám bác sĩ vì táo bón kéo dài là sa trực tràng kiểu túi. Sa trực tràng kiểu túi chiếm từ 20 - 80% số phụ nữ đến khám tại đơn vị điều trị bệnh sàn chậu.

Nguyên nhân và hậu quả của bệnh:

Nguyên nhân của bệnh sa trực tràng kiểu túi là do tổn thương vách trực tràng - âm đạo và trực tràng quá dài. Tổn thương vách trực tràng - âm đạo có thể là bẩm sinh hoặc do quá trình sinh đẻ qua ngõ âm đạo. Hậu quả của sa trực tràng kiểu túi là gây ra các triệu chứng hậu môn - trực tràng cũng như triệu chứng ở âm đạo. Người bệnh có thể có các triệu chứng thường gặp như cảm giác đi cầu không hết phân, són phân, phải dùng tay đè ép vào âm đạo hay vùng tầng sinh môn để trợ giúp khi đại tiện. Triệu chứng ở bên âm đạo là khối phồng hay khối u ở âm đạo, nhìn thấy rõ nhất khi đại tiện.

Những biện pháp để phòng ngừa bệnh?

Phòng ngừa chỉ có thể đặt ra ở bệnh nhân sinh đẻ nhiều lần qua ngõ âm đạo. Sau khi sinh con ngõ âm đạo, phụ nữ cần được hướng dẫn và tập luyện các bài tập vật lý trị liệu giúp sàn chậu vững chắc hơn. Ngoài ra, cần tránh táo bón mạn tính ở phụ nữ vì táo bón cũng góp phần làm nặng nề thêm triệu chứng của sa trực tràng kiểu túi.

Bệnh có thể điều trị dứt điểm hay không?

Bệnh được điều trị khỏi. Phương pháp điều trị là phẫu thuật. Có nhiều phương pháp phẫu thuật qua ngõ âm đạo, ngõ tầng sinh môn hoặc ngõ hậu môn. Các biện pháp phẫu thuật nhằm mục đích phục hồi lại mạc trực tràng - âm đạo bị hư tổn và cắt bỏ phần trực tràng dài. Đây là một loại phẫu thuật cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa về sàn chậu.

Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị:

Sau phẫu thuật điều trị sa trực tràng kiểu túi, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ trong việc ăn uống, các ống thông tiểu và chăm sóc vết thương. Nếu phẫu thuật qua ngõ âm đạo thì sau 6 tuần bệnh nhân mới có thể giao hợp được. Một số biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật bao gồm: chảy máu vết mổ, hẹp trực tràng hay dính âm đạo. Về lâu dài, sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng cần phòng ngừa tình trạng táo bón kéo dài bằng cách cải thiện chế độ ăn: ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước để tránh bệnh tái phát.


ThS.BS. LÊ CHÂU HOÀNG QUỐC CHƯƠNG (BV. Đại học Y Dược TP.HCM)
Ý kiến của bạn