Hà Nội

Táo bón do dùng thuốc chứa sắt ở trẻ vị thành niên: Khắc phục thế nào?

13-08-2018 09:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ở trẻ gái lứa tuổi vị thành niên thường hay bị thiếu sắt, do vậy cần phải bổ sung. Tuy nhiên trong quá trình bổ sung sắt nhiều trẻ gặp triệu chứng táo bón. Vậy cần phải làm gì để giúp trẻ thoát khỏi tình trạng này?

Sắt có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể con người. Đặc biệt, đối với các bé gái tuổi dậy thì, sắt có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Nếu trong chu kỳ kinh nguyệt không được bổ sung thêm sắt sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các bé gái trong độ tuổi dậy thì cần được uống viên sắt dự phòng, hàng tuần - nhất là trước và trong thời kỳ kinh nguyệt để tạo nguồn sắt dự trữ cho cơ thể, đồng thời giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng. Nhưng một trong những tác dụng phụ của sắt là gây táo bón. Để khắc phục được tình trạng táo bón khi sử dụng viên sắt, nên áp dụng các biện pháp sau:

Các biện pháp không dùng thuốc

Uống nhiều nước: Nước chính là “một loại thuốc nhuận tràng” cực kì hiệu quả. Nước  cung cấp thêm chất lỏng cần thiết giúp phân mềm hơn. Nhu cầu nước 1 ngày từ 2.000 - 2.500ml đối với tuổi vị thành niên. Ngoài nước đun sôi để nguội có thể uống các loại nước giàu vitamin C như nước cam, nước chanh, nước ép bưởi, nước dưa chuột, củ đậu, nước bí xanh, nước ép quả bầu... vừa có tác dụng nhuận tràng vừa có tác dụng tăng cường hấp thu sắt, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngăn ngừa mụn nhọt. Nhưng tránh uống các loại đồ uống lợi tiểu như: trà, cà phê, cocacola và chất cồn vì nó có thể gây ra tình trạng khử nước của cơ thể, làm chứng táo bón thêm nặng.

Tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn: Bổ sung thêm lượng chất xơ cho cơ thể bằng cách ăn nhiều các loại rau xanh và trái cây tươi. Lượng chất xơ cao sẽ giúp cải thiện hệ vi sinh vật đường tiêu hóa, tăng cường nhu động ruột, do đó làm cho phân dễ di chuyển hơn. Các loại rau có tính chất nhuận tràng phòng tránh táo bón hiệu quả: mồng tơi, rau khoai lang, rau dền, bầu, bí, mướp... ăn nhiều các loại quả như đu đủ, thanh long, cam, bưởi, chuối tiêu, nên hạn chế ăn các loại quả gây táo bón như: ổi, hồng xiêm, táo. Hạn chế ăn các thức ăn xào, rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thức ăn cay nóng, ăn thịt vừa phải vì ăn quá nhiều chất đạm cũng là nguyên nhân gây táo bón.

Bổ sung lợi khuẩn: Các vi khuẩn có lợi hay còn gọi là các probiotic có tác dụng tăng cường nhu động ruột, cân bằng hệ vi sinh đường ruột nên có tác dụng chống táo bón rất hiệu quả. Bạn nên ăn 200 - 300ml sữa chua mỗi ngày, ngoài ra có thể uống thêm men vi sinh ngày 2 - 3 gói nếu bị táo bón.

Tăng cường các hoạt động thể chất: Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để cải thiện nhu động ruột và chức năng tiêu hóa. Bạn có thể lựa chọn một số hoạt động nhẹ nhàng như: đi bộ, tập các bài aerobics nhẹ nhàng hoặc đi xe đạp, tập yoga...

Có thể massage vùng bụng: Massage giúp lưu thông khí huyết, tăng cường tiêu hóa, kích thích nhu động ruột làm phân luân chuyển nhanh hơn cũng có tác dụng chống táo bón.

Tránh nhịn đi đại tiện: Hãy đi vệ sinh ngay khi có cảm giác muốn đi. Nếu giữ phân trong ruột càng lâu, cơ thể sẽ hấp thụ nước, khiến phân khô hơn và làm cho việc đi tiêu trở nên khó khăn hơn.Nên tập thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định, tốt nhất nên đi vào buổi sáng khi ngủ dậy.

Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả tươi giảm táo bón (ảnh minh họa).

Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả tươi giảm táo bón (ảnh minh họa).

Thay đổi trong cách dùng thuốc

Tăng liều lượng sắt từ từ: Để ngăn ngừa táo bón khi bổ sung sắt, nên uống khoảng nửa liều được đề nghị, sau đó tăng dần liều lượng sau khoảng 3 ngày sử dụng cho đến khi đủ liều lượng sắt được khuyên dùng. Ngoài ra, cũng có thể chia nhỏ lượng sắt bổ sung hàng ngày thành 3 liều nhỏ để uống cũng giúp làm giảm khả năng bị táo bón.

Chọn loại viên sắt phù hợp: Để chống táo bón nên chọn thuốc chứa sắt dưới dạng sắt hữu cơ như sắt fumarat hay sắt gluconat, vì sắt hữu cơ sẽ được cơ thể hấp thụ tốt hơn sắt vô cơ (sắt sunfat) và giảm được tác dụng phụ như kích ứng đường tiêu hóa hay táo bón.

Dùng thuốc nhuận tràng: Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà vẫn bị táo bón, có thể dùng một số loại thuốc nhuận tràng giúp làm mềm phân, tăng hàm lượng nước trong phân, làm cho chúng mềm hơn và dễ dàng di chuyển trong quá trình đi tiêu. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc sử dụng các loại thuốc nhuận tràng kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới chức năng của ruột và dễ bị phụ thuộc vào thuốc, vì vậy tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.


ThS.BS. Lê Thị Hải
Ý kiến của bạn