Hà Nội

Táo bón có phải là một triệu chứng của COVID-19 không, ứng phó thế nào?

30-10-2021 19:18 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Táo bón không phải là một triệu chứng điển hình của COVID-19, nhưng COVID-19 có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây táo bón ở một số người bệnh.

1. Nguyên nhân dẫn đến táo bón ở bệnh nhân COVID-19

Các yếu tố như thuốc điều trị, thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi vi khuẩn đường ruột và thay đổi hoạt động thể chất… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến phát triển táo bón ở bệnh nhân COVID-19.

photo-1635579638156

COVID-19 có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây táo bón.

- Thuốc dẫn đến táo bón

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị COVID-19 cũng có thể dẫn đến táo bón. Trong một nghiên cứu đăng trên trang của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ năm 2021, các nhà khoa học đã kiểm tra các liệu pháp tiềm năng để điều trị COVID-19 cho thấy, táo bón là một tác dụng phụ của thuốc famotidine và bevacizumab. 

Một nghiên cứu vào tháng 5/2020, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, 14% những người được điều trị bằng thuốc kháng virus remdesivir bị táo bón.

Các loại thuốc như lopinavir, ribavirin và một số loại thuốc điều hòa miễn dịch cũng có thể gây táo bón ở những người bị COVID-19.

- Táo bón do căng thẳng và lo lắng

Căng thẳng và lo lắng gia tăng khi mắc bệnh cũng có thể làm tăng tình trạng táo bón ở những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) nhiễm COVID-19.

Trong một nghiên cứu vào tháng 3.2021 được công bố trên Tạp chí Clinical Gastroenterology, 44% người trong nhóm bị IBS, khi lo lắng hoặc trầm cảm đã báo cáo tình trạng táo bón gia tăng.

photo-1635579639776

Lo lắng, căng thẳng về bệnh là nguyên nhân dẫn đến táo bón.

- Táo bón do cách ly

Việc thiếu các hoạt động thể chất, ít đi lại, vận động… trong thời gian cách ly có thể dẫn đến tình trạng được gọi là "táo bón cách ly".

Khi ngừng vận động hoặc giảm hoạt động, ruột sẽ không đẩy phân di chuyển một cách hiệu quả. Thời gian ngồi nhiều hơn cũng có thể chèn ép ruột kết và góp phần gây ra táo bón.

Những thay đổi trong chế độ ăn uống, mức độ căng thẳng gia tăng và thay đổi lượng nước cũng có thể góp phần gây ra táo bón nếu bạn ở nhà thường xuyên hơn.

- Các triệu chứng tiêu hóa phổ biến hơn của COVID-19

Các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa được báo cáo lên đến 74% ở những người mắc COVID-19. Các triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 bao gồm:

  • Bệnh tiêu chảy: Được báo cáo trong 2-50% trong số các trường hợp COVID-19 và dường như phổ biến hơn ở những người bị bệnh nặng.
  • Buồn nôn, nôn: Một đánh giá các nghiên cứu được xuất bản trong Alimentary Pharmacology & Therapeuticsphát hiện ra rằng, 1-29,4% những người mắc COVID-19 buồn nôn; 3,6 -15,9% người lớn và 6,5 - 66,7% trẻ em mắc COVID-19 bị nôn mửa.
  • Chán ăn (ăn mất ngon): Đánh giá về 60 nghiên cứu được tìm thấy 26,8% những người bị COVID-19 chán ăn.
  • Đau bụng: Nghiên cứu tương tự được tìm thấy 2,2 -6% người mắc COVID-19 bị đau bụng.

2. Ứng phó với táo bón do đại dịch COVID-19 như thế nào?

Tập thể dục tại nhà, tìm cách giảm căng thẳng, tiếp tục ăn uống lành mạnh và cung cấp đủ nước cho cơ thể… đều có thể giúp giảm các triệu chứng táo bón.
photo-1635579640760

Vận động giúp phòng ngừa táo bón.

Táo bón thường gây khó khăn hoặc đau khi bạn đi vệ sinh. Táo bón có thể gây đau bụng, đầy bụng, chướng hơi làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Táo bón lâu ngày sẽ dẫn đến tổn thương hậu môn, là nguyên nhân dẫn đến trĩ nội, trĩ ngoại hay những bệnh trực tràng khó chữa trị.

Để phòng ngừa và điều trị táo bón, cần:

  • Uống nhiều nước hơn
  • Bổ sung nhiều chất xơ bằng cách ăn nhiều trái cây và rau quả
  • Quản lý căng thẳng và vận động nhiều hơn có thể giúp giảm táo bón
  • Tập thể dục đã được chứng minh là hữu ích trong việc cải thiện hiệu quả của đường tiêu hóa bằng cách giảm thời gian thức ăn di chuyển qua ruột già. Có thể đi bộ, tập yoga và tập cơ sàn chậu là những cách đơn giản để giảm táo bón.
  • Nếu thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt mà táo bón không cải thiện, trong trường hợp cần thiết bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc trị táo bón. Khi dùng thuốc cần dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

Những điểm mới Hướng dẫn thực hiện xét nghiệm để Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


Trịnh Xuân Nguyên
(Theo Healthline, everydayhealth)
Ý kiến của bạn