Táo bón - các loại thuốc trị và phòng ngừa

15-11-2021 10:28 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Táo bón rất phổ biến và có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng, độ tuổi nào. Táo bón gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Vậy, vì sao gặp phải tình trạng này và có loại thuốc nào để điều trị?

Táo bón - các loại thuốc trị và phòng ngừa - Ảnh 1.

1. Táo bón là gì?

Táo bón là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Táo bón là tình trạng khó đi ngoài, thời gian đi lâu hoặc nhiều ngày mới đi một lần và thường ít hơn 3 lần/tuần với phân khô cứng, vón cục, lớn hoặc nhỏ bất thường. 

Mức độ nghiêm trọng của táo bón ở mỗi người khác nhau. Nhiều người chỉ bị táo bón trong một thời gian ngắn, nhưng đối với những người khác, táo bón có thể là một tình trạng lâu dài (mãn tính) gây đau đớn, khó chịu đáng kể và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. 

2. Nguyên nhân gây táo bón

2.1 Nguyên nhân liên quan đến lối sống 

Táo bón có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố lối sống khác nhau thường kết hợp với nhau, bao gồm:

  • Sự thay đổi trong thói quen: Chuyển động bình thường của ruột phụ thuộc vào sự co bóp đều đặn và nhịp nhàng của ruột. Đây là một phần của 'đồng hồ sinh học' bên trong cơ thể và thường khó chịu với những thay đổi trong thói quen. Loại táo bón này thường thấy ở những người làm việc theo ca và những người đi du lịch.
  • Chế độ ăn ít chất xơ: Chất xơ không thể tiêu hóa được, nhưng nó sẽ tạo thêm khối lượng lớn cho phân, làm cho phân dễ dàng được đẩy đi theo đường tiêu hóa. 
  • Uống không đủ nước: Chất xơ trong phân sẽ chỉ đọng lại khi gặp nước. Táo bón có thể xảy ra từ chế độ ăn nhiều chất xơ nhưng uống không đủ nước.
  • Ít vận động: Lối sống ít vận động hoặc bị hạn chế vận động do khuyết tật là những nguyên nhân phổ biến gây táo bón.
  • Xu hướng 'nhịn' đi vệ sinh: Thường xuyên nhịn đi vệ sinh có thể khiến cơ thể kém nhạy cảm hơn với các tín hiệu bình thường để đi vệ sinh.
  • Một số loại thuốc: Đặc biệt là codeine, thuốc chống trầm cảm, thuốc bổ sung sắt, thuốc chẹn kênh canxi (thuốc hạ huyết áp, đặc biệt là verapamil) và thuốc kháng axit không chứa magiê được biết là làm chậm nhu động ruột, có thể gây táo bón.
  • Mang thai: Táo bón cũng thường gặp ở phụ nữ mang thai. 
  • Tuổi cao: Táo bón phổ biến hơn ở người cao tuổi. Điều này là do một số yếu tố, bao gồm giảm co thắt cơ ruột và phụ thuộc vào thuốc thường xuyên.
  • Bệnh tật: Một giai đoạn ốm đau, đặc biệt là bệnh dẫn đến nhập viện và nằm trên giường điều trị lâu, thường dẫn đến táo bón. 
Không nên điều trị táo bón bằng cách lạm dụng quá mức thuốc nhuận tràng thay vì tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ.

2.2 Nguyên nhân y tế gây táo bón

Táo bón đôi khi là triệu chứng của các vấn đề y tế tiềm ẩn, như:

  • Rò hậu môn: Vết rách ở niêm mạc hậu môn khiến người bệnh có thể chống lại việc đi vệ sinh vì sợ đau.
  • Tắc nghẽn: Trực tràng hoặc hậu môn có thể bị tắc nghẽn một phần, chẳng hạn như trĩ hoặc sa trực tràng.
  • Thoát vị: Thoát vị ổ bụng có thể làm giảm áp lực trong ổ bụng, khiến việc di chuyển khó khăn hơn.
  • Phẫu thuật ổ bụng hoặc phụ khoa: Đau sau phẫu thuật và thuốc giảm đau có chứa codeine là nguyên nhân chính gây táo bón và thường cần được chăm sóc phòng ngừa.
  • Hội chứng ruột kích thích: Đặc trưng bởi đau bụng, chướng bụng và táo bón hoặc tiêu chảy hoặc táo bón và tiêu chảy xen kẽ.
  • Các vấn đề của hệ thống nội tiết: Ví dụ,  bệnh suy giáp, tiểu đường hoặc suy tuyến yên.
  • Khối u: Đau khi cố gắng đi đại tiện có thể là một triệu chứng của ung thư trực tràng.
  • Các bệnh của hệ thần kinh trung ương: Bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson hoặc đột quỵ có liên quan đến việc tăng khả năng bị táo bón.

3. Các lựa chọn điều trị táo bón

Táo bón là một tập hợp các triệu chứng, không phải là một bệnh, vì vậy hầu hết việc điều trị táo bón là điều trị triệu chứng. Nếu xác định được nguyên nhân gây táo bón, chẳng hạn như bệnh tật hoặc tắc nghẽn, thì tình trạng cơ bản được điều trị thì táo bón cũng sẽ hết.

- Thay đổi lối sống: Tùy thuộc vào các triệu chứng, hầu hết bệnh nhân sẽ được khuyên thay đổi lối sống và hành vi bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục, quản lý căng thẳng, hỗ trợ tâm lý và cải thiện thói quen đi tiêu.

- Thuốc:  Tùy thuộc vào các triệu chứng và nguyên nhân, bệnh nhân có thể được kê đơn các loại thuốc nhuận tràng phù hợp...

Uống thuốc gì để trị táo bón? - Ảnh 3.

Không nên điều trị táo bón bằng cách lạm dụng quá mức thuốc nhuận tràng.

4. Thuốc trị táo bón

Thuốc nhuận tràng là thuốc thường được sử dụng để điều trị táo bón ở mọi lứa tuổi. Việc lựa chọn thuốc nhuận tràng cho bệnh nhân phụ thuộc vào từng tình trạng bệnh, phản ứng có hại của thuốc. Các loại thuốc nhuận tràng bao gồm:

4.1 Thuốc nhuận tràng tạo khối

Thuốc nhuận tràng tạo khối là phương pháp điều trị đầu tay cho hầu hết bệnh nhân bị táo bón. Thuốc nhuận tràng dạng khối rất nhẹ nhàng, an toàn và hiệu quả. Chúng làm tăng kích thước và hàm lượng nước của phân và khối lượng lớn hơn kích thích nhu động ruột.  Các thuốc nhuận tràng tạo khối phổ biến bao gồm: Psyllium, polycarbophil và methylcellulose.

4.2 Thuốc làm mềm phân

Thuốc làm mềm phân (hoặc thuốc nhuận tràng làm mềm) là chất hoạt động bề mặt. Thuốc giúp đưa nước vào phân và bao bọc bề mặt của phân với một lớp dầu làm cho phân mềm hơn và dễ dàng đi ngoài. Giống như thuốc nhuận tràng, thuốc làm mềm phân rất an toàn và nhẹ nhàng. Docusate là chất làm mềm phân được sử dụng phổ biến nhất.

4.3 Thuốc nhuận tràng thẩm thấu

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu kéo nước ra khỏi các mô ruột kết xung quanh, làm mềm phân, bổ sung khối lượng và bôi trơn ruột kết. Một số loại như: Muối nhuận tràng (muối Mg2+, Na+..), các poly – alcohol không hấp thu (lactoluse, sorbitol, glycerin) và polyethylen glycol (PEG3350). Những loại thuốc nhuận tràng này hoạt động tốt nhất khi uống nhiều nước.

4.4 Thuốc nhuận tràng kích thích

Thuốc nhuận tràng kích thích hoặc chất kích thích gây kích thích ruột về mặt hóa học, buộc các cơ đại tràng co bóp mạnh hơn. Thuốc nhuận tràng kích thích phù hợp cho những bệnh nhân bị táo bón vận chuyển chậm, tức là các cơ ruột kết không hoạt động nhiều như bình thường.

Thuốc nhuận tràng kích thích bao gồm các dẫn xuất diphenylmethane như bisacodyl, natri picosulfat, và các anthraquinon tự nhiên, như senna...

4.5 Các thuốc trị táo bón khác

Một số loại thuốc theo toa được sử dụng cho các bệnh lý khác và gây tiêu chảy có thể được sử dụng để điều trị chứng táo bón nghiêm trọng mà các loại thuốc khác không khắc phục được. Những loại thuốc này hiếm khi được sử dụng và chỉ dành cho những trường hợp nghiêm trọng nhất. 

Táo bón là một tập hợp các triệu chứng có thể có hoặc không do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Khi đó, thuốc trị táo bón chỉ điều trị các triệu chứng. Vì lý do này, không có thuốc "tốt nhất" cho chứng táo bón, mà là những loại thuốc giải quyết tốt nhất các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải với ít tác dụng phụ nhất.

5. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc trị táo bón là gì?

Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc trị táo bón là tiêu chảy. 

- Thuốc nhuận tràng và chất làm mềm phân: Các tác dụng phụ có thể xảy ra là chướng bụng, khó chịu ở bụng và đầy hơi. Thuốc nhuận tràng tạo khối phải luôn được uống với đủ nước. Khi bị khô, chúng có thể tạo thành một khối sền sệt cứng có thể gây nghẹt thở hoặc tắc nghẽn.

- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Đầy hơi và khó chịu ở bụng là những tác dụng phụ thường gặp nhất. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu làm tăng hàm lượng nước trong phân, vì vậy cần uống nhiều nước để tránh mất nước. 

- Thuốc nhuận tràng kích thích: Những loại thuốc này có thể gây co thắt ở các bộ phận khác của hệ tiêu hóa, do đó cũng có thể đi kèm với một số triệu chứng buồn nôn, nôn và đau dạ dày. Thuốc nhuận tràng kích thích làm cho đại tràng co thắt và hoạt động mạnh hơn, do đó, ngoài tiêu chảy, tác dụng phụ thường gặp nhất là đau bụng và chuột rút. 

Uống thuốc gì để trị táo bón? - Ảnh 6.

Uống đủ nước, bổ sung các loại thực phẩm có chất nhuận tràng tự nhiên trong chế độ ăn uống như mận khô.

6. Những lưu ý khi điều trị táo bón tại nhà?

Táo bón có nhiều nguyên nhân bao gồm chế độ ăn uống, lối sống, căng thẳng và các vấn đề về cảm xúc, do đó, có một số thay đổi lối sống và biện pháp điều trị tại nhà có thể giúp điều trị tình trạng này:

- Uống nhiều nước hơn.

- Thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống của bạn với các loại thực phẩm giàu chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt.

- Bổ sung các loại thực phẩm có chất nhuận tràng tự nhiên trong chế độ ăn uống như mận khô, nho khô hoặc lê.

- Luyện tập thể dục đều đặn.

- Đừng "phớt lờ tiếng kêu gọi tự nhiên" khi cơ thể báo hiệu đã đến giờ đi tiêu.

- Giảm căng thẳng và thực hành vệ sinh cảm xúc tốt.

- Tránh dùng thuốc không kê đơn như NSAID có thể gây táo bón.

Mời xem them video đang được quan tâm:

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong Bệnh viện dã chiến.

BS. Nguyễn Kim Chi
Ý kiến của bạn