Trong đó, đáng chú ý có đề xuất phạt tối đa 5 triệu đồng với người có hành vi kích dục nơi công cộng, quấy rối tình dục phụ nữ... tăng gần 17 lần so với quy định hiện hành. Đề xuất này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận bởi trong thời gian vừa qua đã xảy ra các vụ việc gây bức xúc như cô gái bị cưỡng hôn trong thang máy, thanh niên thủ dâm trên xe buýt... nhưng mức phạt chỉ là 200.000 đồng với người vi phạm.
Với hành vi dâm ô (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), đề xuất tăng mức phạt lên gấp 10 lần, từ 300.000 thành 3 triệu đồng. Đây cũng là mức phạt đề xuất với người có cử chỉ, lời nói, việc làm mang tính chất khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Trong khi theo hành lang pháp lý hiện hành, người vi phạm chỉ bị xử phạt 100.000 - 300.000 đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Thực tế dư luận rất đồng tình với việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi sàm sỡ, quấy rối nơi công cộng, người có cử chỉ, lời nói, việc làm mang tính chất khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác bởi trước đó chưa lâu, vụ việc đối tượng Hùng cưỡng hôn một cô gái trong thang máy, nhưng sau đó đối tượng này chỉ bị xử phạt theo điều 5, nghị định 167 với mức xử phạt 200 ngàn đồng đã gây ra một làn sóng phản đối rất mạnh mẽ trong dư luận, thậm chí mức xử phạt này gây ra trò cười vì quy định năm 2013 cho đến nay nó không còn phù hợp với đời sống cũng như giá trị đồng tiền...
Theo các chuyên gia lĩnh vực xã hội học, bản thân chế tài nặng đến đâu chăng nữa cũng không phải là giải pháp căn cơ, bởi ngay cả với đối tượng giết người, cướp tài sản ai cũng biết sẽ đối mặt với hình phạt cao nhất nhưng người ta vẫn phạm tội, thực hiện hành vi nguy hiểm đó. Do đó, sử dụng các chế tài chỉ là một trong những yếu tố góp phần làm ngăn chặn răn đe phòng ngừa, còn giải pháp căn cơ vẫn phải là công tác giáo dục, để người dân biết được hành vi nào được phép, hành vi nào không được phép để tránh.
Dư luận cũng cho rằng, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các vi phạm, không nương nhẹ, bao che cho người sai phạm, dù họ là ai. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông báo chí cần đăng tải công khai đối tượng vi phạm để cộng đồng tẩy chay và lên án thì tự khắc sẽ có tác dụng răn đe cho những kẻ khác.