Tăng tỷ lệ sinh con thứ 3, thách thức "kép" của công tác Dân số ở Lai Châu

17-12-2021 16:22 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế, xu hướng giảm sinh chưa thực sự vững chắc và có nguy cơ tăng sinh trở lại. Số phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên còn chiếm tỷ lệ cao, tác động lớn đến các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Tăng cường xuống cơ sở, tìm hiểu nguyên nhân rồi mới tuyên truyền

Nắm bắt được vấn đề đó, ban ngành chức năng của tỉnh Lai Châu, đặc biệt là Chi cục DS-KHHGĐ đã triển khai nhiều biện pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để duy trì mức sinh hợp lý nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Để điều chỉnh mức sinh, UBND huyện Mường Tè giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường xuống cơ sở, nắm bắt cuộc sống thực tế của người dân, tìm hiểu nguyên nhân rồi mới tuyên truyền bà con dân bản về quan niệm chưa đúng về "con đàn cháu đống", mong muốn có con trai nối dõi và không nên kết hôn khi chưa đủ tuổi. Trong các buổi tuyên truyền, cán bộ dân số luôn mang theo các hình ảnh, tài liệu hỗ trợ để người dân tăng thêm sự hiểu biết. Ngoài ra, việc tuyên truyền về thực hiện kế hoạch hóa gia đình còn thông qua các hình thức như: Loa đài phát thanh, băng zôn, khẩu hiệu, biển báo và sân khấu trình diễn.

Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, nhiều người dân sau khi lập gia đình không còn suy nghĩ sinh nhiều mà chỉ dừng ở 2 con để nuôi dưỡng, chăm lo cho con em mình đến trường học khi đủ tuổi. Tình trạng kết hôn sớm của tuổi vị thanh niên ở các xã, bản giảm, hầu hết đều lo cho sự nghiệp bản thân rồi mới nghĩ chuyện lập gia đình. 

Tăng tỷ lệ sinh con thứ 3, thách thức "kép" của công tác Dân số ở Lai Châu - Ảnh 1.

Các cơ sở y tế ở các xã, thị trấn vận động người dân thường xuyên đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe sinh sản.

Chị Phùng Giò Xó - bản Phìn Khò (xã Bum Tở) cho biết: "Trước đây do thiếu hiểu biết nên dân bản thường đẻ nhiều, con cái sinh ra ít được đi học, không có cơm ăn, áo mặc. Từ khi được cán bộ xã vận động, nhận thức của dân bản được nâng cao và biết sử dụng các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn. Người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ mà đã vay vốn đầu tư làm kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Còn riêng tôi sau khi học xong chuyên nghiệp, có công ăn việc làm mới lập gia đình và chỉ dừng ở 2 con".

Ngoài ra, các cơ sở y tế ở các xã, thị trấn còn vận động người dân thường xuyên đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe sinh sản, các dụng cụ phòng, tránh thai được cấp miễn phí như: bao cao su, thuốc tránh thai.

Chống dịch COVID-19 song song với nhiệm vụ kiểm soát dân số

Những năm trước, xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) từng được xem việc sinh con thứ 3 là thách thức với cấp ủy, chính quyền xã, nhưng đến nay, các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ từng bước thay đổi nhận thức. Nhờ đó, tình trạng sinh con thứ 3 đã được kiểm soát.

Tăng tỷ lệ sinh con thứ 3, thách thức "kép" của công tác Dân số ở Lai Châu - Ảnh 2.

Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương - Trạm phó Trạm Y tế xã cho biết: Toàn xã có 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc: Thái, Lào. Dân số đông, địa bàn rộng với 9 bản (được sáp nhập từ 18 bản). Như vậy, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số và y tế thôn bản phải đảm nhận gấp đôi nên không thể bao quát hết. Mô hình cô đỡ thôn bản được Trung tâm Y tế huyện ký kết hợp đồng đến nay đã chấm dứt. Trong khi đó, đội ngũ này là cánh tay đắc lực để hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và tuyên truyền công tác kế hoạch hóa gia đình cho người dân các bản đông dân, ở vùng cao. Cũng nhờ đội ngũ này, việc rà soát phụ nữ có thai được sâu sát hơn. Tuy nhiên, mô hình này không còn nữa nên cũng là khó khăn cho xã trong việc kiểm soát tình trạng sinh con thứ 3...

Khắc phục khó khăn, trạm đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là tổ chức hội phụ nữ trong công tác tuyên truyền, vận động, sâu sát nắm bắt địa bàn để từng bước chuyển biến nhận thức, thói quen, quan điểm sống của từng gia đình. Đối với bộ phận y tế, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm, thậm chí hy sinh quyền lợi cá nhân nhiều hơn. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng nhiệm vụ sâu sát để nắm tình hình, kiểm soát dân số vẫn luôn phải thực hiện song song. Bên cạnh công tác chống dịch, cán bộ phụ trách dân số vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát tình hình phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai, số lượng trẻ thuộc diện tiêm chủng mở rộng; sàng lọc, chẩn đoán trước và sau sinh... Đến nay, trên 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai nên tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày càng giảm.

Tăng tỷ lệ sinh con thứ 3, thách thức "kép" của công tác Dân số ở Lai Châu - Ảnh 3.

Sở Y tế tỉnh Lai Châu phối hợp, tổ chức nhiều hội thảo về công tác dân số trong tình hình mới.

Chị Lò Thị Thinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Khoa thông tin: Trong tổng số 92 cháu được sinh ra từ đầu năm đến nay chỉ có 12 cháu là con thứ 3 (hầu hết là có thai ngoài ý muốn). Con số tính đến thời điểm này giảm 2% so với năm 2020. Đây là tỷ lệ giảm đều so với thời điểm 5 năm trở lại đây. Dẫn chứng cho điều này có thể nhắc đến bản Hô Tra, nhiều năm trước có gia đình sinh đến 6 người con với mong muốn có con trai để nối dõi hoặc có thêm người để lao động giúp đỡ việc gia đình, đồng áng. Đa phần còn lại là do tư tưởng phải "có nếp, có tẻ", nhà nào sinh con một bề nữ thì muốn sinh thêm con trai và ngược lại.

Những tư tưởng đó đã dần trở thành quá khứ bởi hiện nay nhiều gia đình có quan điểm rất tiến bộ. Các thế hệ cao tuổi không can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của con trẻ mà để các con tự quyết. Dù gái hay trai cũng chỉ dừng lại ở 2 con. Chẳng hạn như gia đình chị Hặc (bản Hảo Nghè) hay chị Liên (bản Mường) sinh con đủ trai, gái và sinh con một bề là gái nhưng chưa bao giờ gia đình các chị muốn sinh thêm con vì để chăm lo, vun vén cho tương lai của các con sau này...

Mức sinh của Việt Nam giảm gần một nửa sau 30 nămMức sinh của Việt Nam giảm gần một nửa sau 30 năm

SKĐS - Theo Tổng cục Thống kê, sau ba thập kỷ, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa, chỉ còn còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019.

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn